Multimedia Đọc Báo in

Những người mê dệt thổ cẩm ở buôn P’rông A

15:27, 15/03/2013

Sống trong gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm, từ khi còn bé, bà Amí Ngói (buôn P’rông A, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) đã được làm quen với khung cửi. Hình ảnh các mẹ, các chị miệt mài bên khung cửi đã in đậm vào trí nhớ của bà: “Khi còn nhỏ, ngày nào tôi cũng thấy bà và mẹ của mình dệt thổ cẩm. Những nét đẹp của m’nỡk dua (hoa văn) đã cuốn hút tôi nên tôi học nghề rất nhanh. Năm 14 tuổi tôi bắt đầu học nghề dệt thổ cẩm, ban đầu là những tấm thổ cẩm đơn giản, không có hoa văn, sau đó là học dệt hoa văn từ những cái đơn giản như hình vuông, hình tròn tới những loại hoa văn lớn hơn như hoa, chim, cá… Đến năm 16 tuổi, toàn bộ trang phục của gia đình đều tự tay tôi dệt”. Sáu mươi tuổi đời, với 45 tuổi nghề, đến nay Amí Ngói không còn nhớ mình đã dệt bao nhiêu tấm thổ cẩm, chỉ biết rằng khi thóc lúa đã vào bồ, bà lại miệt mài bên khung cửi dệt nên những tấm thổ cẩm tinh xảo. Nhiều năm nay, sản phẩm thổ cẩm là nguồn thu chủ yếu của gia đình bà. Không thua gì mẹ, hai người con gái của bà cũng biết dệt thổ cẩm từ lúc mới học lớp 6 và dệt rất khéo. Em H’ban Êban cho biết, em thường đi học một buổi, buổi còn lại thì ở nhà dệt thổ cẩm.

Sản phẩm thổ cẩm luôn là nguồn thu chủ yếu của gia đình bà Amí Ngói.
Sản phẩm thổ cẩm luôn là nguồn thu chủ yếu của gia đình bà Amí Ngói.

Tương tự, gia đình bà Amí Sơ Rang, Amí Rin… cũng có vài bộ  khung cửi. Dệt thổ cẩm tuy không vất vả nhưng đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mẩn đến từng chi tiết nên nghề này phù hợp với người phụ nữ. Ngày ngày, hễ có thời gian rảnh rỗi thì các bà, các chị lại miệt mài bên khung cửi. Dệt thổ cẩm không chỉ thỏa niềm đam mê mà còn giúp gia đình có thêm thu nhập, nuôi con ăn học và mua sắm các vật dụng trong nhà. Bình quân, mỗi tháng một người có thể dệt được 6 tấm thổ cẩm loại lớn, với giá bán khoảng 500.000/tấm, sau khi trừ chi phí mỗi tháng thu nhập 2 - 3 triệu đồng.

Trước đây, đồng bào buôn P’rông A trồng cây bông để lấy sợi dệt vải. Thổ cẩm dệt từ sợi tự nhiên có mũi dệt đều, mịn và vải bền. Những năm gần đây, thổ cẩm ở đây được dệt bằng sợi công nghiệp, tuy có nhiều màu sắc phong phú, giá rẻ hơn nhưng lại không có được một số ưu điểm so với dệt bằng sợi tự nhiên. Sản phẩm thổ cẩm ở đây được bán đi nhiều địa phương ở Tây Nguyên, Nam Trung bộ và khách du lịch nước ngoài… Một trong những người có công lớn đưa hàng thổ cẩm ở đây vươn xa hơn là bà Nguyễn Thị Cúc. Từ  năm 1993, bà Cúc đã thành lập cơ sở dệt với 30 nhân công dệt thường xuyên và 12 nhân công phụ trách khâu tiêu thụ hàng hóa. Theo đó, các nghệ nhân trong buôn sẽ tới nhận chỉ tại cơ sở của bà và mang về nhà dệt, dệt xong mang tới và nhận tiền công với giá từ 200.000 – 400.000 đồng/tấm tùy loại.

Ông Y Wih Êban, Trưởng buôn P’rông A cho biết, toàn buôn hiện có 392 hộ thì có tới 220 hộ dệt thổ cẩm. Nghề dệt thổ cẩm đã có từ lâu đời nhưng để bắt nhịp thời đại, hiện nay ngoài việc trau dồi tay nghề, các nghệ nhân đã biết quan tâm tới đầu ra của sản phẩm. Do đó, bên cạnh dệt thành tấm thổ cẩm để may quần, may áo, các nghệ nhân còn dệt các sản phẩm khác như ví đựng tiền, túi xách, mũ…

Ông Trần Kế Toán, Phó chủ tịch UBND xã Ea Tu cho biết, toàn xã hiện có 350 hộ dệt thổ cẩm, tập trung ở buôn P’rông A và buôn Ju. Để nâng cao tay nghề cho bà con, đặc biệt là lớp trẻ, hằng năm xã còn kết hợp với các cơ sở dạy nghề để tổ chức các lớp học dệt Thổ cẩm tại buôn. Nhờ vậy, các sản phẩm Thổ cẩm ở đây vừa phong phú, đa dạng, các hoa văn ngày càng đẹp và tinh xảo. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới địa phương đang xây dựng đề án thành lập hợp tác xã thổ cẩm nhằm tập hợp những người làm nghề, tạo cơ hội cho nghề dệt thổ cẩm phát triển qua đó cải thiện thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, nghề dệt thổ cẩm Ea Tu vẫn đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn sản xuất cũng như cơ hội tiếp cận đối tác làm ăn, mở rộng thị trường.

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.