Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII: Huy động nguồn lực từ nhân dân, từng bước xã hội hóa công tác văn hóa ở Ea Kar

15:29, 15/03/2013

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ”, trên cơ sở quán triệt 5 quan điểm chỉ đạo, 4 nhóm giải pháp căn bản và 10 nhiệm vụ cụ thể, huyện Ea Kar đã thu được những kết quả đáng kể.

Thị trấn Ea Kar hôm nay.
Một góc Thị trấn Ea Kar hôm nay.

Huyện ủy đã ban hành Chương trình số 35-CTr/HU về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, trong đó nhất quán quan điểm chỉ đạo là phát triển kinh tế phải gắn với phát triển đời sống văn hóa, xã hội, tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của huyện đã tập trung tổ chức thực hiện đồng bộ, sâu rộng Nghị quyết. Việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết được tổ chức nghiêm túc, hiệu quả, đúng theo yêu cầu đề ra. Đặc biệt, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng và được thực hiện thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: qua các phương tiện thông tin đại chúng từ huyện đến cơ sở, qua các hội nghị, các buổi họp thôn, buôn, tổ dân phố, hội nghị báo cáo viên, các chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, hội diễn, hội thi sân khấu không chuyên, các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của địa phương, đất nước, cùng nhiều phương tiện tuyên truyền, cổ động trực quan sinh động khác. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục mà đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã đến được với người dân và từng bước đi vào cuộc sống. Nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, công tác, học tập, nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Là địa phương có 21 dân tộc anh em cùng sinh sống với nhiều phong tục, tập quán, nhiều nét văn hóa đa dạng, phong phú, do vậy việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của huyện. Huyện đã tập trung triển khai sâu rộng, có trọng điểm Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, các phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao… Sau 15 năm tổ chức thực hiện, đến nay toàn huyện đã có 25.292 hộ được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 72%; 152/238 thôn, buôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa; 110/145 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị văn hóa; 12/16 xã, thị trấn đăng ký xây dựng xã, thị trấn văn hóa, qua phúc tra đã có 4 đơn vị đạt danh hiệu xã, thị trấn văn hóa. Hiện nay huyện có 1 nhà văn hóa trung tâm, 152 hội trường thôn, buôn, tổ dân phố; 10 điểm bưu điện văn hóa xã; 16 trung tâm học tập cộng đồng; 13 nhà văn hóa cộng đồng; 1 thư viện huyện và 645 thư viện ở các trường học. Định kỳ ngành Văn hóa - Thông tin thường xuyên tổ chức các lễ hội văn hóa các buôn dân tộc thiểu số tại chỗ, hội diễn nghệ thuật quần chúng và liên hoan văn nghệ dân gian - trò chơi dân gian cho các nhà văn hóa cộng đồng. Các lễ hội, hội diễn, liên hoan đã thu hút sự tham gia của đông đảo nghệ nhân, diễn viên, vận động viên và nhân dân các dân tộc tham gia. Trong các sự kiện này các giá trị văn hóa truyền thống như: diễn tấu cồng chiêng, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ, các trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca mang đậm màu sắc văn hóa các vùng miền được các nghệ nhân, diễn viên tái hiện lại, góp phần làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần cho bà con nhân dân, khơi dậy và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc trong cộng đồng.

Điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa VIII của huyện là sự phát triển của sự nghiệp giáo dục – đào tạo. Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, các trường học được xây dựng quy mô, khang trang, xanh, sạch đẹp, đội ngũ giáo viên dần được chuẩn hóa theo quy định của ngành. Việc quan tâm đầu tư của Trung ương và địa phương dành cho sự nghiệp giáo dục, nhất là các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của huyện. Hiện nay toàn huyện có 80 trường học (19 trường mầm non, 37 trường tiểu học, 17 trường THCS, 4 trường THPT, 1 Trung tâm GDTX, 1 trường nội trú và  1 trung tâm dạy nghề) với 36.037 học sinh. Tổng số giáo viên của ngành là 1.822 người, trong đó tỷ lệ giáo viên là đảng viên chiếm 46,8%, tỷ lệ giáo viên người dân tộc thiểu số là 7,8%, 100% cán bộ, giáo viên có trình độ đạt chuẩn. Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đối với bậc mầm non là 62,1%, tiểu học là 82,9% và THCS là 68,8%. Công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia phát triển mạnh ở tất cả các bậc học. Hiện toàn huyện có 27 trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có 4 trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2, có 16/16 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS. Cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung, phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, công tác khuyến học, khuyến tài được phát triển rộng khắp trên địa bàn nhờ vậy chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên đáng kể. Tỷ lệ học sinh giỏi các cấp tăng hằng năm, chỉ tính riêng trong năm học 2011 – 2012 tỷ lệ học sinh hoàn thành bậc tiểu học chiếm 99,9%, tăng 0,6%; tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS là 98,9%, tăng 0,9%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 92,95%, tăng 14,5% so với năm học 2010 – 2011; trong năm học đã có 32 em học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp quốc gia, 264 em đạt học sinh giỏi tỉnh và 1.484 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện.

Có thể khẳng định, qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa VIII “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Chính quyền các cấp quan tâm đầu tư ngân sách nhiều hơn cho công tác văn hóa, nhân dân tự giác tham gia trong việc xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa cũng như tích cực hưởng ứng các phong trào chung của huyện, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên, các hủ tục lạc hậu dần bị xóa bỏ trong đời sống xã hội. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở đủ về số lượng, các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao từng bước được xã hội hóa.

 Vũ Như Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.