Multimedia Đọc Báo in

Động Hồ Công và những bút tích của các danh sĩ

07:40, 25/04/2013

Động Hồ Công nằm trên ngọn núi Vân Đài, thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Đây là một thắng cảnh nổi tiếng được nhiều sách vở xưa ghi chép, ca ngợi là “động đẹp nhất trong 36 động ở phương Nam”. Trong động còn được khắc nhiều bài thơ, văn bia bằng chữ Hán; trong đó có thơ của các vị vua như Lê Thánh Tông, Trịnh Sâm…

Động Hồ Công – chùa Du Anh là một di tích độc đáo. Chùa nằm ở phía dưới núi Xuân Đài, trên núi có động đá sâu hun hút và trên những vách động có nhiều bút tích của các vua chúa, nho sĩ, quan lại của nước ta qua nhiều thời kỳ.

Chính vì động Hồ Công cảnh đẹp rất nổi tiếng, nên đã khiến cho các bậc tao nhân mặc khách lạc bước tới thăm và là nguồn đề tài cho nhiều danh nho khi đến lãm cảnh xướng họa thơ văn. Đề tài non nước, đăng cao là một đề tài quen thuộc của nhiều nhà Nho. Dấu chân muốn đi xa muôn dặm, đưa tầm mắt đến vô cùng, đăng cao để thỏa chí bình sinh trông ra tứ phía. Những bút tích của các danh sĩ để lại khi đến thăm động chứa những nỗi niềm tâm sự và miêu tả cảnh đẹp của non sông đất nước… Các bài thơ đề trên vách động Hồ Công như: Đề Hồ Công động (Lê Thánh Tông), Ngự chế đề Hồ Công động (Lê Hiến Tông), Du Hồ Công động tự thuật chi nhất thủ (Trịnh Quốc Hiến), Trùng tu Xuân Đài sơn Hồ Công Động Du Anh tự (Phùng Khắc Khoan), Viết về động Hồ Công (Ngô Thời Sĩ), Du Hồ Công động (Nguyễn Nghiễm), Thanh kỳ khả ái (Trịnh Sâm)… đã phần nào thể hiện điều đó.

Về cảnh đẹp của động Hồ Công, vua Lê Thánh Tông đã viết: “Mùa xuân Nhâm Tý năm thứ 9 (1463), đời Hồng Đức, ta vào Lam Kinh chiêm yết lăng miếu, lúc trở về dừng thuyền bên sông Lệ Giang (tức sông Mã). Nhân buổi gió êm nắng dịu, vua lên núi chơi động. Nhân lên cao trông xa, thấy mây bể mênh mông trong cảnh đời vất vả, ta cảm hứng làm bài thơ này khắc vào vách đá, thơ viết: Dùi thần búa quỉ xây dựng nên muôn dãy núi/ Nhà trống cửa cao trong khoảng vũ trụ bao la/ Trên cõi đời, công danh đều là giấc mộng/ Trong bầu tiên, ngày tháng xiết bao thanh nhàn/ Đất Hoa Dương rồng hóa, hạt huyền châu rơi rớt/ Suối Bích Lạc nước chảy hòn bạch ngọc lạnh lẽo/ Ta muốn cưỡi gió leo lên trên chót núi/ Trông khắp vùng mây biển mênh mông”.

Còn vua Lê Hiến Tông viết: “Cưỡi ngựa thong dong đến động trời/ Bám mây leo thẳng hỏi cửa tiên/ Trăng vui chơi ca hát sau miếu cổ/ Đất mở cửa sổ thông với thái cực/ Tùng quế tung hoành phân rõ cảnh tiên cảnh tục/ Non sông thu vào trong ngòi bút thi nhân/ Nghe đồn tiếng lạ nơi đây có tiên khách đã hóa cánh lông trong quả bầu tiên/ Mong được vận thái bình muôn vạn năm”.

Dưới cái nhìn của một danh sĩ, Ngô Thời Sĩ đã cảm nhận vẻ đẹp của động Hồ Công qua bài thơ khi ông đi nhận chức Liêm án ở Thanh Hoa: “Đời Cảnh Hưng năm Đinh Hợi (1743), phụng chỉ nhà vua làm chức Liêm án xứ Thanh Hoa. Nhân việc công rỗi rãi, lên núi nhân lúc cảm hứng làm một bài thơ đề ở vách đá viết rằng: Một quả bầu treo ở trên cao nơi phía đông rừng Thiền/ Nghe nói Hồ Công ngụ ở trong đó/ Chất thủy ngân đã tích tụ như thế nào mà tạo được những phiến thạch nhũ óng ánh như vậy/ Núi sông ngàn năm vẫn tự tại, động đá vẫn trống không như cũ/ Thánh nhân biến hóa không gì không làm được/ Trái đất sinh ra mất đi không biết đâu cho cùng/ Vũ trụ vốn theo sở thích của mình/ Lẽ nào còn cần phải đi khắp thế gian để xét hỏi thủa trời đất buổi hoang sơ”.

Động Hồ Công gắn liền với huyền thoại Hồ Công Long và Phí Trường Phòng. Truyền thuyết kể lại rằng, Hồ Công Long là một vị tiên phong đạo cốt, có tài và luôn giúp người hoạn nạn. Ông có một quả bầu; trong quả bầu là một thế giới thần tiên. Ai được Hồ Công Long cho vào quả bầu là được sống trong thế giới thần tiên. Phí Trường Phòng là một chàng trai may mắn được vào thế giới thần tiên để học phép tiên. Khi thành tài Trường Phòng xin về thăm nhà, được Hồ Công Long đưa cho chiếc gậy trúc, cưỡi lên thì chiếc gậy biến thành con rồng bay đi. Truyện dân gian Thanh Hóa còn kể thêm việc Phí Trường Phòng bay đến núi Xuân Đi ở trong động Hồ Công luyện thuốc.

Viết về động Hồ Công và huyền thoại kể trên, theo sách Đồng Khánh địa dư chí: “…mạch núi từ núi Hí Mã kéo đến. Sông Mã phía đông, sông Bảo uốn quanh phía bắc. Trên núi có động, trong động có thạch nhũ màu đỏ tươi. Lại có hang đá quanh co hơn 10 trượng có thể đi lại được. Trong động giống như một chiếc giếng đá không biết đâu là đáy. Cửa động có 2 tượng hình người bằng đá. Tương truyền đó là tượng của Hồ Công và Phí Trường Phòng. Người xưa nói rằng 30 động trời Nam thì động Hồ Công là đệ nhất”.

Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: “…Một ngọn núi ở phía Nam có động Hồ Công, ngoài động có khối đá trông như hình con cóc cúi đầu ngồi” trong động, thạch nhũ ở trong động sắc đỏ; lại có hang đá quanh co dài hơn 10 trượng, có thể đi vào được, chỗ tận cùng có giếng đá, sâu không cùng; cửa động có hai tượng đá, tương truyền là của Hồ Công và Phí Trường Phòng. Có thuyết nói là về đời Trần có một đạo sĩ cùng Trịnh đồng tử người ở Thiên Vực từng mang hồ vào ở trong động, sau người ta tạc tượng để ghi. Vua Lê Thánh Tông đến chơi, có thơ đề khắc ở đá. Ngoài ra còn khắc nhiều bài đề vịnh của danh nhân. Người xưa từng nói: ba mươi sáu động phương Nam, động Hồ Công là đẹp nhất”.

Theo Phan Huy Chú: “động Hồ Công ở xã Thiên Vực, huyện Vĩnh Phúc, trong động có dấu tích cũ của Phí Trường Phòng. Động này có mấy lần núi cao, trước mặt có sông dài, phong cảnh âm u vắng vẻ và tao nhã”.

Động Hồ Công hiện nay vẫn còn giữ lại vẻ đẹp của một thắng cảnh xưa với những bút tích còn lưu giữ lại của các bậc  vua chúa và danh Nho. Tuy nhiên chùa Du Anh thì không còn giữ lại vết tích xưa. Do sự tàn phá của chiến tranh mà ngôi chùa cũ đã bị phá và được xây dựng lại mới. Hiện nay ngôi chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng không thể thiếu của nhân dân trong vùng. Trong những ngày lễ lớn động Hồ Công – chùa Du Anh thu hút đông đảo người dân đến vãn cảnh và cầu an. Trong những ngày thường, các học sinh xa, gần thường đến tham quan, cùng nhau leo động vui chơi và chạm lên những văn bia để thỏa mãn sự tò mò, tìm hiểu về những giá trị văn hóa của một thời quá vãng.

Thanh Lâm


Ý kiến bạn đọc