Multimedia Đọc Báo in

Nghĩ từ những trang sách ảo

09:15, 12/05/2013

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt là sự bùng nổ của mạng Internet với những tiện ích đi kèm, việc lên mạng tìm đọc, hoặc tải về những cuốn sách điện tử (ebook) là điều hết sức dễ dàng và phổ biến.

Xuất hiện trên không gian ảo là những thư viện bao gồm hàng nghìn, hàng vạn ebook; những diễn đàn cho việc tìm sách, đọc sách; những trang web giới thiệu sách của các nhà xuất bản; những địa chỉ hỗ trợ cho việc tải sách… Có thể dễ dàng kể ra đây những cái tên đã trở nên quen thuộc với những ai hay tìm sách và đọc sách trên mạng như: Vnthuquan, bookilook, ebook4u, gigapedia, gutenberg…

Kho sách trên mạng luôn được cập nhật nhanh chóng, vô cùng phong phú với đủ mọi thể loại, ngôn ngữ, đáp ứng tối đa yêu cầu của bạn đọc khắp nơi. Có lần lên mạng tìm kiếm những sách văn học viết bằng tiếng Anh, tôi đã vô cùng choáng ngợp trước kho sách khổng lồ từ thư viện mở gigapedia. Chỉ cần gõ từ khóa “literature”, trang web đã đưa ra hơn 50.000 kết quả, tương đương với 50.000 ebook có liên quan, đề cập đến lĩnh vực này. Thư viện còn có hẳn cả một forum (diễn đàn) cho các thành viên trao đổi, nêu những yêu cầu về các cuốn sách cần tìm. Và điều tuyệt vời là những yêu cầu ấy luôn được các thành viên diễn đàn đáp ứng một cách tốt nhất và nhanh nhất.

Trong cuốn tiểu thuyết “Nhà thờ Đức Bà Paris” của V.Hugo, nhân vật Frôlô có lần đã nói ngay giữa nhà thờ “Cái này sẽ giết chết cái kia!”. Nhưng điều ấy có lẽ sẽ không đúng nếu ta đem áp dụng vào mối quan hệ giữa những trang sách ảo và sách in trong thời buổi hiện tại. Đó là mối quan hệ cộng sinh, cùng tồn tại và cùng phát triển. Những trang sách ảo dù có nhanh chóng và tiện lợi đến đâu cũng không thể khiến người ta quên đi cái thú nâng niu một quyển sách mới trên tay, cảm nhận những dòng chữ còn thơm mùi mực. Mối quan hệ ấy còn được thể hiện ở việc: Những trang viết trên không gian ảo thu hút sự quan tâm đã được in thành sách và phát hành. Có thể tìm thấy những ví dụ tiêu biểu bằng dòng sách văn học ở cả trong và ngoài nước, chẳng hạn tuyển tập “Văn học mạng” mới được một nhà xuất bản trong nước phát hành gần đây, hay các tiểu thuyết của Tào Đình (Trung Quốc) cũng bắt nguồn từ những trang viết lấy từ các website…

Thời buổi “bão” giá, những trang sách ảo, những cuốn ebook đang đóng vai trò nhất định trong văn hóa đọc. Sự nhanh chóng và tỏa rộng của việc giới thiệu sách, đưa sách đến người đọc thông qua mạng Internet đã được tận dụng như một lợi thế. Trong số rất nhiều website chuyên về sách, trang sachhay.com.vn do một nhóm những nhà trí thức, học giả Việt Nam sáng lập là một địa chỉ khá uy tín. Truy cập vào website này, bạn đọc có thể tìm được cho mình những cuốn sách có giá trị, những bài giới thiệu sách ở cả trong và ngoài nước. Với mục đích nâng cao dân trí, thúc đẩy văn hóa đọc, đây thực sự là một trong những trang web bổ ích cho những người yêu sách.

Để đến với những trang sách ảo, công việc hết sức đơn giản. Chỉ cần một máy tính (nếu nối mạng càng tốt) và một vài chương trình hỗ trợ cho việc đọc sách như Adobe Reader, Acrobat Reader…Thế là bạn đã có thể làm một cuộc viễn du trong thế giới sách, được tiếp xúc với kho tàng tri thức nhân loại.

Dẫu cho còn một số những hạn chế nhất định, nhưng việc tiếp xúc với sách ảo ngày một toàn diện hơn là một xu thế tất yếu trong thế giới phẳng, khi các nền văn hóa đang vượt thoát ra khỏi những đường biên để giao lưu và tiếp biến lẫn nhau. Tuy nhiên, như trên đã nói, việc đọc sách in đã là một trong những cái thú, một niềm vui, niềm đam mê của không ít người. Nên sau giờ phút lang thang trên mạng, tự cho mình khoảng thời gian đi dạo những nhà sách, phố sách và chọn lấy đôi ba cuốn sách mình yêu thích, để đêm đến lại ngồi đọc dưới ngọn đèn trong ánh trăng khuya và hơi sương đêm ướt đẫm ngoài vườn… Điều ấy chẳng thích thú lắm sao!

Lê Minh Kha


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.