Multimedia Đọc Báo in

Câu chuyện văn hóa

“Cái lý” của già làng

10:14, 24/06/2013

Còn nhớ vào những năm 2004-2005, khi vấn nạn “chảy máu” cồng chiêng trên địa bàn Dak Lak nói riêng và cả Tây Nguyên nói chung đang hồi nóng bỏng nhất, khiến nhiều người đau đáu và bất lực nhìn vốn di sản của ông bà “đội nón” ra đi mà không biết phải làm gì để cứu vãn… thì vẫn có một số già làng - bằng cách này hay cách khác đã tìm cách cất giữ và bảo tồn nguyên vẹn nhiều bộ chiêng quý của dòng họ và cộng đồng dân tộc mình cho con cháu mai sau…

Âm vang giai điệu cồng chiêng Tây Nguyên.  Ảnh: Hoàng Gia
Âm vang giai điệu cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Gia

Tôi đã từng gặp, chứng kiến không ít trường hợp rất đáng trân trọng và xúc động như thế. Đầu tiên là già Ma Bích ở buôn Quanh (xã Yang Mao-Krông Bông), ông không đồng ý cho đứa con trai bán đi bộ chiêng quý của gia đình để lấy tiền đầu tư cho sản xuất. Bởi già Ma Bích có “cái lý” của mình: cuộc sống dù có khá giả hơn, nhưng thiếu tiếng chiêng thì chẳng có ý nghĩa gì khi buôn làng trở nên buồn lặng. Nhất là khi có lễ lượt, hội hè dù rượu, thịt có nhiều đến mấy mà không có âm thanh kia để thông đạt với thần linh, tổ tiên và ông bà thì cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Và “cái lý” ấy cuối cùng đã thuyết phục được con trai ông-Y Bích từ bỏ ý định bán đi bộ chiêng của gia đình.

Tiếp nữa là già Y Ních K’manh ở Buôn Tría (huyện Lak), được xem là người mê chiêng nhất vùng. Hễ nghe có ai mang chiêng đi bán là ông tìm mọi cách mua và giữ lại cho bằng được. Của nả trong nhà được bao nhiêu, già Y Ních đem đi đổi chiêng hết. Đến khi về hưu, giữ một chân bảo vệ trong Trạm Y tế xã Buôn Tría, có chút đồng lương, già lại đi  tìm kiếm mua chiêng. Với già Y Ních, còn chiêng là còn buôn làng, còn đời sống tinh thần của mình và của cộng đồng. Nhờ “cái lý” của già mà đến nay Buôn Tría còn giữ lại được tám bộ chiêng nguyên vẹn. Mọi hoạt động văn hóa có liên quan đến cồng chiêng ở đây đều có tiếng chiêng của già Y Ních góp vào. Buôn Tría được ngành văn hóa huyện Lak đánh giá là một trong những địa phương bảo tồn vốn văn hóa truyền thống tốt nhất, trong đó có công lao của già làng Y Ních K’manh.

Trường hợp già Y Mướt Niê ở buôn Phơng (xã Ea Tul-Cư M’gar) khiến bất kỳ ai nghe ra câu chuyện “sống chết với chiêng” của ông đều phải xúc động. Chuyện mà chị H’Hoa-Phó phòng VH-TT huyện Cư M’gar kể: sợ bộ chiêng quý của gia đình bị con cháu bán đi, già Y Mướt âm thầm cất giấu nó trên dầm mái nhà mình mà không một ai hay biết. Đến khi ông ngã bệnh và sắp qua đời, con cháu về tụ họp đông đủ để chuẩn bị đưa tiễn già về với “thế giới ông bà”. Lạ thay, đã ba bốn ngày không ăn, không uống mà ông không chịu… đi, đôi mắt cứ mở to nhìn lên dầm nhà như muốn trăn trối, nhắn gửi điều gì đó với con cháu. Người nhà của già Y Mướt thấy vậy bèn leo lên dầm nhà và phát hiện bộ chiêng gồm 13 chiếc được gói gém kỹ lưỡng trong những chiếc bao tải đã cũ. Tất cả đã hiểu ra mọi chuyện và không ai nói với ai lời nào, họ tự ngồi vào vị trí rồi cùng nhau diễn tấu cồng chiêng. Khi âm thanh kia hòa điệu và ngân vang lên rộn rã, thì cũng là lúc già Y Mướt khép đôi mắt lại và trên môi ông như phảng phất một nụ cười… Câu chuyện này sau đó đã nhanh chóng có sức lay động đến ý thức gìn giữ và bảo tồn di sản của ông bà đến mọi người, không chỉ riêng ở buôn Phơng mà cả những vùng lân cận trên địa bàn huyện Cư M’gar.

Những con người thật, việc thật mà tôi từng gặp và nghe được trên đã chứng tỏ một điều: một khi người có uy tín trong cộng đồng là các già làng có động thái nêu gương và vào cuộc thì việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống (trong đó có cồng chiêng) của người bản địa sẽ trở nên thực chất, hiệu quả hơn. Việc phát huy vai trò của già làng và người có uy tín trong cộng đồng để bảo tồn, phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) là vấn đề cần được lưu tâm, khuyến khích thường xuyên và kịp thời trong đời sống hiện nay. Dak Lak hiện đang tiếp tục triển khai có chiều sâu nghị quyết này với nhiều hoạt động tích cực như: ban hành Nghị quyết 63/NQ ngày 6-7-2012 về bảo tồn, phát huy di sản – Không gian Văn hóa cồng chiêng tỉnh Dak Lak giai đoạn 2012-2015; điều tra số lượng cồng chiêng trên địa bàn và các hoạt động văn hóa cộng đồng có liên quan đến cồng chiêng; gìn giữ và khôi phục không gian buôn làng truyền thống nhằm tạo môi trường cần thiết cho cồng chiêng; dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ… đã góp phần làm sống lại giá trị, di sản văn hóa phi vật thể mà UNESCO đã tôn vinh từ năm 2005. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng: tạo thiết chế văn hóa năng động và phù hợp để cho già làng, người có uy tín trong cộng đồng tham gia thực hiện Nghị quyết 63 là việc làm không thể bỏ qua. Họ phải được nhìn nhận, tôn vinh trong giá trị phức hợp chung về bảo tồn, phát huy di sản - Không gian Văn hóa cồng chiêng Dak Lak.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.