Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số: Để lưu giữ những sắc màu văn hóa truyền thống
Là nơi tụ hội của nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, Dak Lak cũng trở thành mảnh đất với đa dạng những sắc màu văn hóa. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số trên mảnh đất cao nguyên này luôn được quan tâm đồng hành với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội…
Nhiều năm qua, Dak Lak đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức khảo sát, điều tra, sưu tầm, phục hồi các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số như: diễn tấu nhạc cụ dân tộc, dân ca dân vũ, các nghi lễ, lễ hội truyền thống... Cụ thể, có thể kể đến những công trình như: Công trình nghiên cứu Tổng tập văn học Dak Lak; Văn hóa mẫu hệ của dân tộc M’nông; Nghi lễ - lễ hội truyền thống của dân tộc M’nông; Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Êđê, M’nông trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Văn hóa lễ hội của dân tộc Êđê; Địa chí Dak Lak… Trên 30 đầu sách về văn hóa các dân tộc bản địa nơi đây cũng đã được xuất bản, tiêu biểu là những cuốn sách Dăm San, Dăm Trao – Dăm Rao, Dăm Tiông, Dăm Tec Mlan… Những tập sách trên đã in song ngữ Êđê - Việt, M’nông – Việt, phát hành đến các buôn trong tỉnh.
Lễ cúng lúa mới của đồng bào Êđê. Ảnh: Hoàng Gia |
Đến nay, 15/15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều xây dựng và phát triển các loại hình nghệ thuật tiêu biểu, đại diện cho những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc khắp vùng miền trên cả nước như: hát Then – đàn tính của làng Thái ở xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar; hát Aray, kể sử thi của dân tộc Êđê và M’nông… Công tác tuyên truyền ngăn chặn, bài trừ những hủ tục lạc hậu, các sản phẩm văn hóa độc hại thâm nhập vào đời sống các dân tộc thiểu số cũng được thực hiện để thanh lọc và tiếp tục phát huy những nét đẹp của giá trị văn hóa truyền thống. Với những nỗ lực bảo tồn, toàn tỉnh hiện có 608 buôn truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa, trong đó có khoảng trên 40% buôn còn giữ được nét sinh hoạt văn hóa cổ truyền; có 2.608 nhà truyền thống; 2.307 dàn cồng chiêng; 220 bến nước; 155 nghi lễ, lễ hội (trong đó Êđê 68, J’rai 21 và M’nông 66); 393 nghệ nhân chỉnh chiêng; 635 nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng; 1.270 nghệ nhân sử dụng nhạc cụ từ tre, nứa; 568 nghệ nhân chế tác nhạc cụ; 370 nghệ nhân tạc tượng và 3.975 người biết các nghề truyền thống.
Một điều đáng chú ý là tỉnh đã xây dựng lộ trình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Theo đó, lộ trình này được tỉnh chia thành hai giai đoạn. Trong giai đoạn 2012-2015, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hóa dân tộc thiểu số đến năm 2020; tổng kiểm kê di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; hỗ trợ bảo tồn khẩn cấp văn hóa các dân tộc thiểu số có số dân dưới 5 nghìn người; ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ là con em người dân tộc tại chỗ làm công tác văn hóa; từng bước phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số; bước đầu đưa giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc vào các trường học trên địa bàn. Giai đoạn 2016-2020, bảo tồn và phát triển đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số ít người (dưới 10 nghìn người); gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế bền vững ở vùng dân tộc thiểu số; giới thiệu, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và di sản văn hóa tiêu biểu các dân tộc thiểu số.
Hiện tỉnh đang tập trung nguồn lực tiếp tục triển khai thí điểm về xây dựng và phát triển huyện điểm văn hóa, gồm huyện Krông Năng và Krông Pak, trong đó chú trọng bảo tồn và phát huy có hiệu quả nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc triển khai dự án bảo tồn buôn cổ M’liêng thuộc xã Dak Liêng, huyện Lak đến nay đã hoàn thành, trong đó đã bảo tồn 6 nhà dài truyền thống, nghề dệt thổ cẩm, đan lát, nghề làm chiếu và xây mới nhà văn hóa cộng đồng buôn; xây dựng đội văn nghệ truyền thống; truyền dạy diễn tấu chiêng, nhạc cụ dân tộc cho 60 em là con em đồng bào dân tộc tại chỗ.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc