Bảo tồn voi như một di sản văn hóa!
Khoảng 9 cá thể voi rừng và voi nhà tiếp tục gục xuống trong gần 5 năm qua (vì nhiều nguyên nhân khác nhau: hoặc bị kẻ gian hạ sát, hoặc bị “bóc lột” quá sức)… khiến nguy cơ tuyệt diệt loài voi ở Dak Lak càng trở nên cận kề. Trước thực trạng đáng báo động ấy, đã có không ít động thái, thông điệp khẩn thiết được phát đi từ các tổ chức, cơ quan hữu trách nhằm cứu vãn đàn voi vốn còn lại ít ỏi tại đây.
Lễ cúng sức khỏe cho voi tại Buôn Đôn. Ảnh: Giang Nam |
Còn nhớ, một trong những động thái sớm nhất và khẩn thiết nhất đã làm dấy lên sự quan tâm của mọi người đến vấn đề trên là sự kiện “Tuần lễ văn hóa và du lịch Dak Lak” được tổ chức khá quy mô tại TP. Buôn Ma Thuột và một số địa phương khác vào cuối năm 2009. Tuần lễ lấy chủ đề “Huyền thoại voi Tây Nguyên” làm thông điệp gửi đến mọi người: Hãy khơi dậy và tôn vinh giá trị văn hóa về voi Tây Nguyên nói chung và Dak Lak nói riêng trước những thay đổi, biến chuyển của đời sống kinh tế - xã hội hiện nay. Có tôn vinh các giá trị văn hóa về voi trong đời sống các cộng đồng dân tộc người bản địa thì mới gắn kết, phát huy được hoạt động du lịch một cách bền vững và có ý nghĩa! Bởi thực tế cho thấy, việc khai thác voi trong hoạt động du lịch hiện nay theo hình thức đi tour (đếm người lấy tiền) được coi là không bền vững và thiếu chiều sâu văn hóa. Vì vậy phải đầu tư, nghiên cứu để tái hiện lại yếu tố nhân văn của con người đối với loài voi thông qua những nghi lễ như: đón voi nhập buôn, cúng sức khỏe cho voi và khóc voi… (thay vì đi tour như trước) nhằm thu hút du khách đến tìm hiểu và khám phá mới là vấn đề lâu dài, cần hướng tới. Ý tưởng này sẽ không những giúp các doanh nghiệp làm du lịch nâng cao doanh thu lợi nhuận, mà còn góp phần định hướng ý thức, trách nhiệm cho mỗi thành viên trong cộng đồng về vấn đề bảo tồn đàn voi như một di sản văn hóa thật sự.
Tiếc thay, một số doanh nghiệp làm du lịch ở Buôn Đôn, Hồ Lak chỉ hưởng ứng thông điệp trên trong thời gian ngắn rồi lại quay về khai thác đàn voi như một phương tiện đưa-đón thuần túy như xưa. Tìm hiểu mới biết, đầu tư cho một nghi thức cúng voi nhằm phục vụ hoạt động du lịch đòi hỏi tốn nhiều công sức và tiền bạc mà tính ra không có lãi bằng việc ký hợp đồng với các chủ voi để đưa đón du khách, nên phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở đây không còn mặn mà theo đuổi nữa. Kết cục, sức voi bị bóc lột từng ngày và đã có không ít cá thể trong đàn voi nhà phải nằm xuống (chết) vì kiệt quệ. Nhiều già làng ở Buôn Đôn và huyện Lak cho rằng, nếu thông điệp trên không được tiếp tục phát huy và đón nhận thì số phận đàn voi nhà trở nên mong manh hơn. Họ cũng đồng tình với việc khai thác du lịch theo hướng tôn vinh các giá trị văn hóa về voi, nhất là yếu tố nhân văn giữa con người và loài động vật thông minh này, xem đó như phương cách nhằm nâng cao ý thức bảo vệ voi cho cộng đồng mình.
Già làng ví “đời voi như đời người” là bởi từ khi voi được thuần dưỡng, làm lễ nhập buôn… cho đến khi nằm xuống đều được mọi người chia sẻ tình cảm như thành viên trong cộng đồng. Lễ nhập buôn, người ta khấn cho voi: “Biết nghe lời, biết đi con đường thẳng trong buôn khi ông mặt trời thức dậy ở đằng Đông và đến khi đi ngủ ở đằng Tây. Siêng năng như con suối chảy hoài không mệt, giúp dân làng gieo hạt lúa, hạt ngô trên rẫy”. Đến khi voi chết, chủ voi cũng làm lễ khóc bi thương: “Ơ, nay rừng đã lấy lại voi! Ngoài kia, chúng bạn đến đón nó đi… Đi thật xa, cái mắt người không còn nhìn thấy. Kèn tù và thổi ba hồi rung động, nước mắt đưa voi đi cũng đầm đìa như giọt mồ hôi dẫn voi về sống trong buôn ngày trước, cũng trong vắt như suối và nóng như bếp lửa trong nhà…”. Nghi lễ dành cho voi (khi nhập buôn cũng như khi chết) thì không khác nhau, lợn hay gà tùy gia chủ: Lấy máu bôi lên đầu voi (đứng hay nằm xuống) trước hiên nhà, nhưng lời khấn thì khác nhau bởi tùy theo công sức, đức tính của voi mà cầu mong, chia sẻ… Song, điều cuối cùng mà cả cộng đồng hướng tới là tôn trọng và xác lập cho được tình cảm chân thành của mình đối với voi. Bởi vậy trong luật tục của từng cộng đồng người ở đây đều không thể thiếu những điều “cấm kỵ” dành cho voi: không được đánh đập, nhục mạ voi; khi voi mệt mỏi, ốm đau phải được chăm sóc, nghỉ ngơi và không được bóc lột sức lao động của voi quá mức; phải ứng xử với voi như một thành viên trong cộng đồng… Tóm lại voi trong đời sống của người bản địa, ngoài sự gắn bó thân thiết không thể tách rời, còn mang ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc.
Đã đến lúc ý nghĩa nhân văn ấy cần phải được cộng đồng và cả doanh nghiệp làm du lịch quan tâm, đừng để lợi ích kinh tế trước mắt nhờ voi mang lại mà bỏ rơi và phai nhạt dần nhận thức ứng xử, đối đãi và bảo vệ voi như đã từng có từ trước.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc