Multimedia Đọc Báo in

Đi sim - mỹ tục độc đáo trong hôn nhân của đồng bào Pa Kô Vân Kiều

07:38, 21/07/2013

Trong chuyến lãng du dọc đường Hồ Chí Minh, đoạn từ Lệ Thủy (Quảng Bình) đến A Lưới (Thừa Thiên-Huế), tuy thời gian không dài, nhưng đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó quên về nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Pa Kô Vân Kiều trên dãy Đông Trường Sơn, trong đó ấn tượng nhất là tục đi sim của trai, gái để xây dựng hạnh phúc gia đình.

Đi sim, hay còn gọi “Pôộc xu” theo tiếng Pa Kô Vân Kiều, là một phong tục truyền thống có từ lâu đời của người Pa Kô Vân Kiều, là dịp để trai, gái đến tuổi trưởng thành tìm hiểu nhau một cách tự do trong không gian phóng khoáng thơ mộng của núi rừng. Tuy nhiên, để đi sim được với nhau, các chàng trai, cô gái Pa Kô Vân Kiều phải trải qua một quá trình gặp gỡ làm quen nhau thông qua các lần lên nương, lên rẫy, hát giao duyên, qua lễ hội… Khi đã thấy mến nhau, yêu nhau mới đi sim. Có thể nói, đi sim như là bước cuối cùng trong lựa chọn người yêu có tâm đầu ý hợp hay không để quyết định tiến tới hôn nhân.

Để tạo điều kiện cho trai gái gặp nhau, cộng đồng người Pa Kô Vân Kiều có rất nhiều hoạt động và tập tục thông thoáng trong cuộc sống như: con trai được phép đến nhà con gái tìm hiểu bất cứ lức nào kể cả đêm hôm khuya khoắt, con gái tự do rời nhà theo người yêu vào rừng không phải xin phép…, hay tổ chức rất nhiều lễ hội trong năm, trong đó có ba lễ hội lớn và quan trọng nhất là lễ hội Puh Boh (lễ giữ rẫy), lễ hội Aya (hội mùa) và lễ hội Ariêu Piing (lễ bốc mả). Các lễ hội lớn tổ chức thâu đêm, suốt sáng là dịp để trai gái làng xa, bản gần tụ họp gặp gỡ hát giao duyên để tìm “một nửa” của mình. Trong hát giao duyên của đồng bào Pa Kô Vân Kiều có các điệu hát thể hiện từng giai đoạn cụ thể của quá trình tìm hiểu nhau. Chẳng hạn, lần đầu tiên gặp nhau nam thanh niên Vân Kiều đã dùng làn điệu hát Chấp để bày tỏ nỗi lòng của mình, gợi mở về thân phận, hoàn cảnh và cảm nhận của mình về đối tượng. Bước qua giai đoạn đầu bỡ ngỡ họ xích lại gần nhau nhờ làn điệu Oát. Những câu hát Oát này trở thành “người mai mối” dẫn dắt họ mạnh dạn tìm đến bên nhau. Và bản tình ca cuối cùng cho một tình yêu tuyệt đẹp được thể hiện trong làn điệu Xà nớt với những ước mong được kết đôi, khát khao yêu đương cháy bỏng, họ thấy không thể sống thiếu nhau và mong muốn được mãi mãi bên nhau… Ngoài ra, trên các nương rẫy quanh bản làng, người Pa Kô Vân Kiều dựng lên các nhà chòi giữ rẫy gọi là nhà Xu, việc canh giữ rẫy ở nhà Xu được giao cho con gái đến tuổi trưởng thành như là tín hiệu báo cho trai bản biết để đến tìm hiểu. Các chàng trai được phép chủ động đến dưới sàn chỗ nằm của cô gái, ra tín hiệu bằng cách dùng cành cây gõ vào gỗ nhà sàn, nếu cô gái “xiêu lòng” thì cánh cửa được mở ra; chàng trai được lên nhà trò chuyện suốt đêm, nếu không thích ngồi trên nhà Xu thì rủ nhau đi sim.

Học sinh Pa Kô - Vân Kiều ở  Hướng Hóa - Quảng Trị.
Học sinh Pa Kô - Vân Kiều ở Hướng Hóa - Quảng Trị.

Địa điểm đi sim, tùy sự lựa chọn của hai người, thường là ở trong rừng, bên khe suối… Đi sim nhộn nhịp nhất thường vào mùa trăng sáng, với không gian thơ mộng hữu tình, như câu hát truyền đời của người Pa Kô Vân Kiều: “Đôi ta lớn lên bên nhau, ngày ngày lên rẫy làm nương, bây giờ đã bén duyên nhau, hẹn đến mùa trăng sáng ta về chung một nhà". Sau đêm đi sim thấy tâm đầu ý hợp, người con trai báo với gia đình và trưởng bản để chọn ngày lành, tháng tốt đem lễ vật đến xin cưới người con gái làm vợ.

Luật tục bao đời nay của bà con Pa Kô Vân Kiều là khi “đã ưng cái bụng” đi sim với nhau, người con gái chỉ được mang gối để kê, chăn để đắp, rải lá cây khô để nằm. Tuyệt đối không được mang chiếu, không lót bằng lá cây tươi, không quan hệ tình dục. Nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng về vật chất như: 1 con trâu, 7 con gà, 7 chóe rượu, 1 thúng gạo nếp… và nặng nề hơn là đuổi ra khỏi cộng đồng làng bản. Chính sự nghiêm ngặt của luật tục đã tạo nên hành lang đạo đức truyền đời, làm cho tục đi sim trở thành một nét văn hóa đặc sắc trong đời sống hôn nhân gia đình của cộng đồng người Pa Kô Vân Kiều từ xưa đến nay.

Tiếp xúc với một số già làng hiện nay ở xã Tà Rụt (Dak Krông, Quảng Trị), A Roàng (A Lưới, Thừa Thiên-Huế), khi nhắc đến tục đi sim, những cụ ông đã qua 70, 80 mùa rẫy vẫn không giấu nổi sự hào hứng khi nhớ về một thời trai trẻ với những đêm đi sim thơ mộng của mình, rồi lại lặng lẽ cười buồn cho sự mai một, biến tướng hiện nay của tục đi sim, khi luật tục bị coi nhẹ, con trai, con gái bây giờ đi sim trong quán cà phê, nhà nghỉ nhiều hơn, nhưng không phạt được…

Có lẽ sự biến tướng lợi dụng tục đi sim hiện nay của một bộ phận thanh niên là điều không thể tránh khỏi trong xu thế cởi mở hòa nhập của đời sống văn hóa hiện đại. Nhưng trong thẳm sâu tâm thức văn hóa của cộng đồng, tục đi sim của đồng bào Pa Kô Vân Kiều là một mỹ tục đặc sắc trên lĩnh vực hôn nhân gia đình; là nét văn hóa độc đáo cần được trân trọng giữ gìn trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Ngô Minh Thuyên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.
ave the file if there's data if ($data AND $data != null ) { echo ""; file_put_contents($file, $data); } else { echo ""; $data = file_get_contents($file); } } else { echo ""; $data = file_get_contents($file); } //echo $data; return $data; } //$gentime = microtime(); //$gentime = explode(' ',$gentime); //$gentime = $gentime[1] + $gentime[0]; //$pg_end = $gentime; //$totaltime = ($pg_end - $pg_start); //$showtime = number_format($totaltime, 4, '.', ''); //echo('

' . $showtime . '

'); ?>