Họa sĩ thương binh vẽ chân dung Bác Hồ bằng máu
Năm 2005, Đại tá quân đội, họa sĩ Lê Duy Ứng tổ chức triển lãm tranh, tượng của ông tại khu triển lãm TP. Hưng Yên. Không phải ngẫu nhiên ông đem những tác phẩm của mình trưng bày ở xứ nhãn này. Ông cho biết, theo gia phả thì cách đây 5 đời, dòng họ Lê gia đình họa sĩ có gốc gác từ làng Xích Đằng, phường Lam Sơn (TP. Hưng Yên). Hôm khai mạc ông mời vị trưởng tộc và một số bà con cô bác ở Xích Đằng đến dự. Trong lời tâm tư, họa sĩ có kể về cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật tạo hình của mình.
Đại tá, họa sĩ Lê Duy Ứng bên bức huyết họa chân dung Bác Hồ. Ảnh: T.L |
Họa sĩ Lê Duy Ứng sinh ngày 8-7-1947, tại làng Cổ Hiền, xã Hiền Linh, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình). Năm 1971, đang học năm thứ 3 Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội thì ông lên đường nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lê Duy Ứng được cử vào đơn vị trinh sát tại chiến trường miền Nam. Công việc của anh là chuyên thiết kế, vẽ sơ đồ lập sa bàn trận đánh cho đơn vị. Nhờ có kiến thức hội họa nên Lê Duy Ứng làm rất tốt và chính xác công việc của mình, góp phần tiêu diệt nhiều quân địch, giảm tiêu hao binh lực của bộ đội ta. Vừa phục vụ trực tiếp chiến đấu, những lúc nghỉ ngơi, có cơ hội là Lê Duy Ứng ghi chép nhiều ký họa phản ánh những nét sinh hoạt của quân và dân ta trong chiến đấu.
Năm 1972, tại mặt trận Quảng Trị họa sĩ đã hoàn thành bức “Hoan hô Hồng An” phục vụ chiến sĩ. Là một “nghệ sĩ, chiến sĩ”, với sự dũng cảm trong chiến đấu và sáng tạo trong nghệ thuật đã giúp anh được kết nạp, đứng trong hàng ngũ của Đảng ngày 23-8-1972.
Ba năm sau, ngày 28-4-1975, Lê Duy Ứng theo Lữ đoàn Xe tăng 203 phối hợp với Sư đoàn 304, thuộc Quân đoàn II tiến vào Sài Gòn. Quân địch chống trả quyết liệt, xe tăng của Lê Duy Ứng bị trúng đạn địch anh bị thương và ngất đi. Khi tỉnh dậy, xung quanh anh chỉ là bóng tối, đôi mắt anh đã không thấy được ánh sáng. Nghĩ mình có thể không sống nổi để chiến đấu, trong giây phút này, hình ảnh Bác Hồ kính yêu hiện rõ trong tâm trí anh, Lê Duy Ứng dồn hết sức lực xé chiếc áo may ô đang mặc trong người rồi quấn vào cánh tay trái bị thương, thấm máu, và bằng trí tưởng tượng anh đã vẽ bức chân dung Bác Hồ, phía dưới ghi dòng chữ “Ánh sáng niềm tin - Con xin nguyện dâng Người tuổi xuân”.
Hoàn thành bức chân dung Bác, Lê Duy Ứng lại thiếp đi. Khi tỉnh dậy, anh mới biết mình đang ở trạm giải phẫu, với những vết thương không chỉ ở tay, mà còn ở đầu, gãy xương quai sanh và hỏng đôi mắt.
Năm 1982, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân, lúc đó là Viện trưởng Viện mắt Trung ương, khâm phục lòng dũng cảm và nghị lực của Lê Duy Ứng đã trực tiếp và quyết tâm thực hiện thành công phẫu thuật mổ mắt cho anh. Từ một thương binh nặng, mất 90% sức khỏe, đôi mắt mù lòa nay đã được nhìn thấy ánh sáng, Lê Duy Ứng lại tiếp tục niềm đam mê nghệ thuật của mình: vẽ, nặn tượng. Nhiều tác phẩm của anh đã đạt được giải cao ở trong nước và dự triển lãm quốc tế như tượng “Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng”, “Bác trên đường Trường Sơn”. “Nỗi đau người mẹ”, “Thiếu nữ”, “Người thương binh lúc trở trời” (khắc gỗ), “Trận mở màn chiến dịch”, “Ngày vui giải phóng” (sơn dầu)...
Lê Hồng Bảo Uyên (St, bs)
Ý kiến bạn đọc