Multimedia Đọc Báo in

Tạp bút – sự giao thoa giữa văn và báo

09:10, 20/07/2013

1.Nếu để ý một chút, khi lướt qua các trang báo in và báo điện tử ngày nay, người đọc hẳn sẽ không khó để bắt gặp các chuyên mục: Tản văn, tạp bút, tùy bút hoặc viết ngắn… xuất hiện đều đặn, thường xuyên, với lượng bài vở phong phú và hết sức cập nhật. Còn nếu có dịp dạo bước vào một nhà sách nào đó, ta cũng không khỏi ngạc nhiên khi trước mắt mình là rất nhiều đầu sách tùy bút, tản văn của những nhà văn có tiếng như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyên Ngọc, Nguyễn Ngọc Tư… được xuất bản ngày một nhiều. Mới đây, trên một trang mạng, đã có người nói: Đây là “thời của tản văn, tùy bút”. Vậy hiện tượng này có thể được lý giải như thế nào?

2.Trước hết, xét về bản chất đối tượng: Các tên gọi như: tạp bút, tản văn, tùy bút… nhìn chung, đều chỉ một thể văn nằm trên những đường biên, sự giao thoa giữa văn học và báo chí, giữa hư cấu và sự thật đời sống. Nó có thể bắt nguồn từ một hiện thực nào đấy, nhưng được nhào nặn theo những suy nghĩ, cảm xúc chủ quan của người viết. Có người hiểu tùy bút, tạp bút là “phóng bút mà viết”, viết sao thì tùy ý. Nhưng có lẽ, cách hiểu ấy cũng chưa được chuẩn xác lắm, vì dù viết về những cảm xúc tản mạn đi nữa, những cảm xúc ấy cũng vẫn phải châu tuần quanh một chủ đề chung, để làm bật nội dung toàn bài viết. Từ ấy, mới có thể tạo dựng nên văn bản tác phẩm như một thể thống nhất về nội dung và hình thức.

Tiếp nữa, vì sao tạp bút, tản văn hấp dẫn cả người đọc lẫn người viết hiện nay? Và xuất hiện thường xuyên trên các báo?

Trước hết, với dung lượng ngắn gọn, cô đúc, tạp bút, tản văn rất thích hợp với nhịp sống đương đại, đòi hỏi tốc độ trong một thế giới ngày càng phẳng. Người đọc tạp bút, trong thời gian rất ngắn, có thể tiếp nhận trọn vẹn tác phẩm. Người viết, cũng chỉ cần một dung lượng câu chữ tối giản để thể hiện những tâm tư, tình cảm của mình. Và như thế, trong khoảnh khắc, sự gặp gỡ giữa tác giả và độc giả, người viết và người đọc được diễn ra một cách hết sức thuận lợi, chỉ qua một hai trang báo hoặc trang sách.

Hơn nữa, với ưu thế ngắn gọn, tạp bút, tản văn cũng rất được giới báo chí ưu ái, vì nhiều lý do. Thứ nhất, để làm “mềm hóa” nội dung tờ báo, tăng chất văn chương, trữ tình bên cạnh những nội dung thời sự vốn có. Thứ hai, vì súc tích và gọn về dung lượng, nên tạp bút, tản văn rất thuận tiện để dàn trang.

Và có không ít trường hợp, các bài tạp bút, tản văn đã từ trang báo đi thẳng vào trang sách, khi chúng được tập hợp và xuất bản. Các bài tạp bút, tản văn của Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh, Huỳnh Như Phương… hầu hết đều có chung con đường như thế. Sự xuất hiện của chúng, trước tiên, là những bài viết ngắn trên báo. Khi được in sách, chúng mang một khuôn mặt, một đời sống mới, trước sự quan tâm theo dõi của những người yêu sách, và đặc biệt, những người thích đọc tạp bút, tản văn.

3. Theo dõi mục Tạp bút của Báo Dak Lak cũng như của những tờ báo khác, ta có thể bắt gặp rất nhiều bài viết thú vị. Có thể là một cảm xúc trước ngày chia tay trường cũ, một khoảnh khắc tâm tư lúc giao mùa, một hồi ức về những điều đã qua, một kỷ niệm đẹp thời thơ ấu… Sự đa dạng trong cách cảm, cách nghĩ về đời sống của bao con người góp phần hình thành trong ta nỗi khát khao hướng về Chân – Thiện – Mỹ của cuộc đời, để sống tốt hơn và đẹp hơn, qua những tâm tư, sẻ chia như “cây đàn muôn điệu”.

Và vì thế, những bài tạp bút, tản văn cứ nhỏ nhỏ, xinh xinh mà không ngừng khiến ta suy nghĩ. Nó giúp ta thêm hiểu về tâm hồn mình và về cuộc đời. Có thể nói, nằm trên ranh giới giữa văn học và báo chí, nó đã thực hiện trọn vẹn các chức năng: thông tin, nhận thức và thẩm mỹ.

Phải chăng, đấy là những điều đã tạo nên sức sống của thể loại “bé hạt tiêu” này giữa cuộc sống ngày hôm nay?

Minh Kha


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.