Multimedia Đọc Báo in

Tội nghiệp các... đại gia

10:06, 05/07/2013

Trong kho tàng văn hóa vật thể Tây Nguyên những bức tượng nhà mồ là một trong những nét văn hóa rất đặc trưng, của riêng người Tây Nguyên mới có. Không chỉ là sự tưởng tượng hồn nhiên của những tâm hồn chân chất, mà tượng nhà mồ còn mang giá trị nghệ thuật cao bởi sự sáng tạo đa dạng, khéo léo đến lạ lùng của những bàn tay nâu chai sần, vốn quen cầm rìu, rựa; nhất là đặc tả trên gương mặt tượng những xúc cảm rất thật của mỗi con người.  

Qua sơ chế, tượng mới chế tác sẽ thành... tượng cổ. Ảnh: H'Linh
Qua sơ chế, tượng mới chế tác sẽ thành... tượng cổ. Ảnh: H'Linh

Ai đã một lần may mắn được chiêm ngưỡng những bức tượng gỗ thô mộc ấy, trừ những người tư duy “quá hoàn hảo”, đều ngạc nhiên với sự sống động của những con công trang nghiêm, người đàn bà mang bầu nặng nề, ông già uống rượu cần ngất ngư, người thanh niên như từ suối lội lên với con cá trên ngọn lao tưởng như còn đang giãy giụa, thậm chí hình dạng kẻ say lẫn “cái nam tính” của phái mạnh… tất tần tật bày ra một cách vô cùng sinh động. Cũng phải nói rõ thêm: mỗi tộc người có một đặc trưng nghệ thuật tạo hình của riêng mình, nhưng tượng mồ phổ biến rộng rãi nhất là ở các dư dân nhóm ngôn ngữ Môn - Khơmer Bana, Cơ Tu, Sê Đăng và một phần ở nhóm J'rai.

Sau ba lần với sự tài trợ của quỹ For mở lớp truyền dạy tạc tượng Êđê, Sê Đăng, J’rai và Trại sáng tác điêu khắc dân gian (với 21 nghệ nhân của 6 tộc người khắp Tây Nguyên), cũng như trong khuôn khổ Festival Văn hóa cồng chiêng “Cuộc trò chuyện vĩnh cửu với đại ngàn” năm 2007 tại Dak Lak, phong trào khôi phục nghệ thuật tạc tượng gỗ trở nên sôi động ở khắp các tỉnh Tây Nguyên. Bảo tàng Lâm Đồng  tổ chức triển lãm trưng bày tượng gỗ Tây Nguyên; Kon Tum có Hội thi chế tác tượng gỗ; Gia Lai mở lớp truyền dạy tạc tượng… đều với mục tiêu khuyến khích bà con thoát khỏi “cái bóng” của tượng nhà mồ, mà chuyển thành tượng mỹ nghệ dân gian. Đấy là một chủ trương đúng.

Gần đây trên thương trường, tượng nhà mồ đang được chào bán “đắt như tôm tươi”. Sở dĩ có việc lạ lùng thế, vì cái “tin vịt” rằng  trong văn phòng hội sở mà có bày tượng nhà mồ Tây Nguyên  thì làm ăn rất phát đạt. Tượng càng cổ càng quý, càng có giá”. Thế nên mới có việc thương lái buôn đồ cổ xoay như chong chóng kiếm tìm những bức tượng gỗ từ mọi xó xỉnh rừng già hay các buôn làng rồi “hét” giá.

Sau tượng mồ, lại đến chuyện những chiếc xà gạc bị ráo riết lùng mua. Xà gạc – gọi thông thường là chiếc rìu – từng rất gắn bó với đời sống người Tây Nguyên, bởi trước đây là phương tiện chủ yếu dùng để phát rẫy, chặt cây, dựng nhà… Ít người biết rằng làm được chiếc xà gạc tốt rất công phu. Không chỉ ở lượng nguyên liệu phải nhiều hơn, tốt hơn, cách rèn cũng phải kỹ lưỡng và khéo léo hơn mới có được chiếc sống cong hơn, mà làm chiếc cán cũng rất kỳ công: lựa chọn gốc le già có mấu, rồi hơ, uốn, phơi ngoài trời một thời gian khá dài. Ngày nay, không chỉ  các lò rèn cổ truyền không còn, mà thợ kỹ thuật giỏi cũng theo nhau về với ông bà, nên gần như kỹ thuật rèn xà gạc đã thất truyền. Chính vì vậy mà với những người cao tuổi ở các buôn làng, chiếc xà gạc như một kỷ vật  rất quý. Đối với lớp trẻ, chưa kịp làm quen với sức nặng của cây xà gạc trong tay, cũng không có thời gian mà cầm rìu, rựa; huống chi ngày nay còn có cả bộ đồ mộc đủ mọi món, rồi rừng càng ngày càng cạn kiệt, cần dùng gì tới xà gạc nữa. Nên xà gạc bỗng thành thừa ra trong căn nhà xây. Và rồi lại được “ tin vịt “ phóng đại lên thành “ sức mạnh tiềm ẩn”, để các đại gia lùng mua

Rõ việc rồi, mới thấy tội nghiệp cho các… đại gia. Tượng nhà mồ Tây Nguyên chỉ mang ý nghĩa một phần là chia sẻ của người sống, với sự “cô đơn” của người mới chia tay cõi trần về  cõi âm, phần nữa cho khu nhà mồ bớt vẻ hoang lạn, chứ nào có thần thánh gì đâu. Với lại, việc chuyển đổi tín ngưỡng kéo theo việc không còn lễ bỏ mả, cũng như nở rộ việc xây nhà mồ bằng vật liệu bền vững (xi măng, gạch, đá…) diễn ra tại Tây Nguyên đã ngót nghét hơn 20 năm có lẻ. Trước đây, người ta thường dùng cây plang vì gỗ mềm, dễ đục đẽo (nên cũng dễ mục), vậy nếu có, thì việc phơi mưa nắng hàng mấy chục năm ngoài rừng thì tượng nhà mồ cũng chẳng còn cho đến hôm nay. Nên làm gì mà có “ tượng mồ cổ” mà đổ cả chục triệu ra rước về?

Cũng như chuyện nhẫn lông đuôi voi cũng vậy, mấy trăm năm làm nghề săn bắt, thuần dưỡng, buôn bán voi qua  ba biên giới Đông Dương và khắp các vùng, voi nhà được coi như anh chị em trong gia đình, chẳng hề thấy người Tây Nguyên nào cho rằng mang nhẫn, vòng có cài lông đuôi voi là may mắn, làm ăn phát đạt. Chỉ có những miếng ngà voi được mài tròn làm vật trang sức đeo tai trong tập quán được coi là sang trọng của người M’nông, K’ho là thật sự rất có giá đối với nhóm tộc người Môn – Khơmer phía Nam Tây Nguyên mà thôi. Vậy mà  cũng qua những “tin vịt” lại  rộ lên phong trào đeo nhẫn lông đuôi voi. Kể ra thì cũng… “tội nghiệp” các đại gia với tượng nhà mồ giả cổ và chiếu rìu bình dị trong đời sống của người dân Tây Nguyên ngày nào bị khoác cho chiếc “áo”  sức mạnh thần bí mà bỏ hàng đống tiền ra rước về. Giá như đó từng là những “vật thiêng” thì đã là một nhẽ…

Nhưng với người dân Tây Nguyên có lẽ phải cảm ơn những ai dựng nên loại “ tin vịt” này để lớp trẻ trước hết tự hào về sự tài hoa của ông cha, để nó đừng mai một đi; sau nữa có thêm chút tiền chi tiêu cho gia đình trong thời buổi khó khăn này. Chỉ  thương cho lũ voi nhà, bị chặt cả túm chót đuôi dùng đuổi ruồi muỗi để lấy lông làm nhẫn, thậm chí  bị bắn chết để lấy ngà.

H'Linh Nga Niê Kdam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.