Multimedia Đọc Báo in

Bánh dày: Lễ vật không thể thiếu trong hôn lễ người Tày – Nùng

10:47, 02/08/2013

Trong hôn lễ ở mỗi vùng miền, mỗi dân tộc trên đất nước ta đều có những nét đặc trưng, mang đậm bản sắc riêng của mỗi dân tộc.

Đối với người Tày - Nùng ở miền núi phía Bắc, trong lễ ăn hỏi và lễ cưới, cũng như các dân tộc khác họ thường chuẩn bị rất nhiều lễ vật như: trầu cau, rượu, chè, bánh kẹo, xôi, gà…, đặc biệt có một thứ không thể thiếu được đó là bánh dày (người Tày - Nùng gọi là: pẻng dảy). Bánh dày được làm từ loại gạo nếp dẻo, thơm ngon, đem nấu thành xôi chín mềm rồi cho vào cối lớn (cối đá hoặc cối bằng loại gỗ tốt) để các nam thanh niên giã nhuyễn, rồi đem ra cho các thiếu nữ nặn, cho nhân vừng đã giã mịn với đường vào giữa, nặn thành từng cái hình tròn dẹp, đường kính  khoảng 10 cm, gọi là bánh con; còn cặp bánh cha, bánh mẹ có kích thước chênh nhau một chín một mười, đường kính khoảng 50 đến 60 cm, không có nhân, được bôi màu vàng trên mặt bánh.

Sau thời gian đôi nam nữ người Tày - Nùng tìm hiểu nhau, họ báo cáo với cha mẹ, sau đó bên nhà trai cử người sang nhà gái xin phép được xem duyên số của con cái họ, bằng cách xin họ tên, ngày, tháng, năm sinh của người con gái để đem đến thầy tào (thầy xem tướng số, vận mệnh) xem duyên số của hai người có hợp nhau không (người Tày - Nùng gọi việc sang nhà gái lần này là: pây au mỉnh). Khi được thầy tào xem duyên số xong, nếu mọi điều tốt đẹp thì họ sẽ ấn định ngày sang nhà gái làm lễ ăn hỏi; trong lễ này nhà trai thường phải làm 50, hoặc 60 cái bánh dày, có nhà làm cả trăm cái (tùy theo điều kiện), đem cùng với các lễ vật khác như rượu, chè, bánh kẹo, xôi, gà, trầu, cau... sang nhà gái để bàn tính ngày cưới. Tại lễ ăn hỏi nhà gái sẽ cho nhà trai biết số tiền và các lễ vật thách cưới nhà trai phải đem sang nhà gái, thường là tiền mặt, lợn, gà, gạo nếp và không thể thiếu được bánh dày, gồm một bánh cha, một bánh mẹ và bánh con, số cặp bánh con tương ứng với số khách của họ nhà gái đến dự đám cưới.

Ngày xưa, lễ cưới của người Tày - Nùng cách lễ ăn hỏi khoảng ba năm, khoảng thời gian dài như vậy là để nhà trai đủ thời gian chuẩn bị lễ vật thách cưới và để người con gái có thời gian dệt vải may quần áo khi về nhà chồng. Ngày nay, lễ cưới chỉ cách lễ ăn hỏi khoảng từ 1 tuần đến 1 tháng.

Thường thì lễ vật được nhà trai đưa sang nhà gái trước ngày cưới một ngày, bánh dày đưa sang nhà gái gồm có bánh cha, bánh mẹ rồi mới đến những cặp bánh con. Cặp bánh cha, bánh mẹ được cắt ra chia cho số khách mời đến nhà gái ăn cơm buổi tối trước ngày cưới (đó là số khách quý của gia đình). Sau này cặp vợ chồng mới cưới khi sinh con sẽ phải đưa gà và gạo nếp đến thăm những người được chia bánh cha, bánh mẹ. Còn số bánh con tương ứng với số khách mời của họ nhà gái đã được ấn định trong lễ ăn hỏi, sẽ được chia cho khách đến dự đám cưới mỗi người một cặp.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay người Tày - Nùng ở một số địa phương vẫn giữ được nét đẹp truyền thống ấy, còn ở một số nơi do bận rộn công việc và để bớt phiền phức cho nhà trai, nên nhà gái chỉ yêu cầu nhà trai làm cặp bánh cha, bánh mẹ để cúng tổ tiên trong ngày cưới.

Nguyễn Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.