Multimedia Đọc Báo in

Ươm mầm những chồi non cồng chiêng

10:36, 30/08/2013

Những đôi bàn tay nhịp nhàng theo từng nhịp chiêng, những đôi mắt háo hức khi nhìn và lắng nghe từng lời dạy của các nghệ nhân, những nụ cười đầy tự hào khi hoàn thành xong một bài chiêng hoàn chỉnh..., đó chính là những hình ảnh của các cậu bé người Êđê, XêĐăng khi được tham gia những lớp truyền dạy đánh chiêng trong dịp hè vừa qua tại hai huyện Cư Kuin và Krông Pak, do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức.

Các em nhỏ người Êđê tại buôn Huê, xã Ea Ktur (Cư Kuin) cột chiêng  vào thân tre để luyện tập hằng ngày.
Các em nhỏ người Êđê tại buôn Huê, xã Ea Ktur (Cư Kuin) cột chiêng vào thân tre để luyện tập hằng ngày.
Những ngày cuối hè vừa qua, người dân tại xã Ea Uy (Krông Pak) đã quen thuộc những hình ảnh, âm thanh của cồng chiêng vang lên ở lớp học đánh chiêng do chính các nghệ nhân trong buôn truyền dạy cho con em mình. Khoảng sân trước nhà của ông Gêu ở buôn Dak R’leang cứ chiều chiều lại đông đúc khi 17 em trong buôn lại quây quần bên các bộ chiêng do ông mang ra và hướng dẫn luyện tập. Khi thì tiếng chiêng kram (chiêng tre), lúc thì chiêng knăh (chiêng đồng) cứ đều đều vang lên, nhiều người cứ trầm trồ ngồi lắng nghe, đã lâu rồi họ mới thấy hình ảnh của những đứa trẻ tập gõ chiêng như vậy. Em Thet, năm nay 13 tuổi hớn hở khoe: “Khi cháu được các chú trong buôn phổ biến có lớp học đánh chiêng, cháu đã cùng em trai là Théc (12 tuổi) rủ nhau đăng ký tham gia. Trước giờ hai anh em không biết đánh chiêng, trong nhà cũng không có ai biết đánh. Giờ đây cháu đã biết đánh các bài chiêng Xê Đăng là bài “Chào đón”, “Lên nhà mới””. Ông Gêu, nghệ nhân dạy đánh chiêng của lớp Xêđăng cho biết, ngày ông cùng cán bộ xã đi tuyên truyền và tổ chức đăng ký cho các em học đánh cồng chiêng thì không ngờ các em đăng ký đông quá, tới hơn 30 cháu, thế nhưng bộ chiêng chỉ có 8 cái nên lớp Xêđăng chỉ nhận dạy được 17 cháu. Ông Gêu tâm sự: “Những năm trở lại đây, được sự ủng hộ của UBND xã, mọi người trong buôn đã cùng nhau quyên góp mua được bộ chiêng của người Xê Đăng, thế nhưng chỉ có những người lớn tuổi trong buôn là biết đánh. Và dịp hè này, với sự giúp đỡ của Sở VHTT&DL, UBND xã đã tổ chức lớp học cho con em trong buôn, lại thấy các cháu háo hức như vậy, tôi vui lắm và đem hết sức ra để truyền dạy cho con cháu những giai điệu của dân tộc, của cha ông. Nhìn các cháu luyện tập dần lên tay thật không có niềm vui nào hơn”.
Âm thanh của cồng chiêng Xê Đăng do các em thiếu nhi trong buôn Dak R’Leang, xã Ea Uy (Krông Pak) đã trở nên quen thuộc  với nhiều người dân trong buôn.
Âm thanh của cồng chiêng Xê Đăng do các em thiếu nhi trong buôn Dak R’Leang, xã Ea Uy (Krông Pak) đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân trong buôn.

Hào hứng không kém những buổi tập của các bạn người Xê Đăng, các em người dân tộc Êđê tại buôn Hằng 1A cũng đều đặn 5 buổi/tuần liên tục tập đánh các giai điệu cồng chiêng của người Êđê, lúc thì tại nhà văn hóa cộng đồng, khi thì về nhà của nghệ nhân Y Ninh Niê luyện tập. Giống như bạn Théc, anh em Y Giếp Rơ Ô và Y Gióp Rơ Ô rất hồ hởi khi cùng các bạn trong buôn được bác Y Ninh truyền dạy đánh chiêng. Y Gióp Rơ Ô, 15 tuổi thích thú nói: “Ngày trước cháu cũng đã được nghe một số bác đánh chiêng, cháu thích lắm nên xin các chú cho tập đánh. Giờ được học lớp đánh chiêng do các chú ở xã và bác Y Ninh dạy cháu vui lắm, từ luyện đánh chiêng tre cho tới đánh chiêng đồng cháu đều cố gắng tập luyện để đánh giỏi, sau này được đi biểu diễn trong buôn, xã hay lên huyện”. Theo ông Y Ninh Niê, nghệ nhân truyền dạy lớp đánh chiêng cho đồng bào Êđê trong buôn cho biết, tháng 3-2013, xã cũng có tổ chức một đội 8 em để tập luyện và thi đấu trên huyện, thế nhưng do thời gian không nhiều nên các em đánh chưa thành thạo. Giờ đây được chính Sở VH-TT&DL tổ chức, nên các em có điều kiện được học đúng tiết tấu và tiếp thu tốt hơn. Có những hôm chuyển từ chiêng tre sang chiêng đồng nên nặng quá, nên nhiều em đã cột chiêng lên thân cây tre, cứ thế mà tập suốt buổi. Ông Y Ninh Niê tâm sự “Mong sao sau này những lớp dạy đánh chiêng thường xuyên được tổ chức. Trong buôn, xã tổ chức thêm các ngày hội để các cháu được sinh hoạt và duy trì được các bộ cồng chiêng còn lại trong buôn, rồi gìn giữ và truyền lại cho thế hệ về sau không bị mai một”. Được biết, từ năm 2007 đến nay, mỗi năm UBND xã Ea Uy (Krông Pak) đều mở ít nhất được ba lớp dạy đánh chiêng cho thanh thiếu nhi từ kinh phí của xã và sự đóng góp của bà con. Anh Lương Thái Vinh, cán bộ văn hóa xã Ea Uy cho biết: “Tuy địa phương còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng về lâu dài UBND xã đã xây dựng kế hoạch, mỗi tháng sẽ tổ chức một buổi sinh hoạt tập thể cho các cháu thiếu nhi của đồng bào Êđê và Xê Đăng vào ngày 28 hằng tháng, sinh hoạt tại nhà văn hóa cộng đồng của các buôn, để các cháu tập luyện và biểu diễn cồng chiêng”.

Được biết, các lớp học truyền dạy đánh chiêng trên thuộc Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết về bảo tồn, phát huy di sản – Không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Dak Lak giai đoạn 2012 – 2015 của UBND tỉnh. Tuy trong những năm qua, do những khó khăn về kinh tế nên tình hình triển khai đề án và nghị quyết của tỉnh không được như mong muốn, thế nhưng Sở VH-TT&DL đã rất nhanh nhạy khi tổ chức các lớp học đánh chiêng tại hai xã Ea Uy (Krông Pak) và Ea Ktur (Cư Kuin) cho gần 60 em thiếu nhi của đồng bào Êđê và Xê Đăng trong dịp hè 2013. Theo ông Y Kô, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở VHTT&DL lý giải, với thời gian ngắn như vậy, có thể các em chưa thuần thục hoàn toàn thế nhưng các em đã biết giai điệu, biết đánh những bài chiêng cơ bản của dân tộc mình là điều rất đáng mừng. Các em cũng là những người sẽ gìn giữ, giao lưu, cùng nhau tập đánh chiêng để từ đó tạo điều kiện cho văn hóa cồng chiêng được duy trì và phát triển. Trong những năm tới, Sở VHTT&DL sẽ tiếp tục mở các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho con em đồng bào các dân tộc bản địa trong tỉnh, nhằm tuyên truyền, chuyển giao kỹ năng sử dụng chiêng giữa thế hệ cha anh cho thế hệ trẻ.

Theo NSƯT Vũ Lân, người trực tiếp tham gia đánh giá hiệu quả của các lớp truyền dạy đánh chiêng nhận xét, qua 5 tuần với 3 bài chiêng đối với các em thật không dễ để hoàn thành xuất sắc các bài tập, thế nhưng những kết quả của các em cơ bản là chấp nhận được. Việc giảng dạy cồng chiêng cho các em độ tuổi thiếu niên (nhóm nhỏ nhất có cháu mới chỉ có 9, 10 tuổi; lớn hơn thì từ 11 đến 15 tuổi) là một điều hết sức đáng quý và đáng khuyến khích để từ đó gìn giữ và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng. Ngoài ra, việc dạy đánh cồng chiêng nên duy trì thường xuyên mới đạt hiệu quả cao. Mặt khác, các buôn làng, xã, huyện cần khuyến khích việc phục dựng các lễ nghi truyền thống để tiếng cồng, tiếng chiêng thường xuyên được vang lên. Các em đã biết đánh chiêng thì cũng phải sống trong môi trường có tiếng chiêng từ đó mới tạo nên hứng khởi. Do đó việc truyền dạy cồng chiêng với việc phục dựng những lễ nghi có cồng chiêng là hai việc có quan hệ cực kỳ khăng khít với nhau, chỉ khi nào thực hiện tốt hai việc này cùng lúc thì việc gìn giữ và phát huy văn hóa cồng chiêng tại các buôn, làng mới đạt được những kết quả tốt.

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.