Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo kiến trúc khu di tích dinh thự “vua Mèo”

10:45, 29/10/2013
Đến Hà Giang mảnh đất nơi địa đầu của Tổ quốc, từ trung tâm tỉnh lỵ đi thêm 125 km về phía Bắc qua nhiều đèo dốc quanh co, núi cao vực thẳm tới xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn có dinh thự “vua Mèo” Vương Chính Đức, thủ lĩnh của người Mông vang danh một thời.

“Vua Mèo” Vương Chính Đức sinh năm 1865, tại Đồng Văn. Năm 1923, ông được vua Khải Định phong làm Bang tá, thay mặt cho Tri châu cai quản khu vực Đồng Văn lúc ấy, gồm năm xã của huyện Quản Bạ và các huyện Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc gộp lại. Ông đã xây dựng cho mình và con cháu một dinh thự bề thế nằm giữa vùng thung lũng rộng thoáng, thuận lợi cho việc quan sát và chiến đấu.

   Cổng vào Khu dinh thự vua Mèo.
Cổng vào Khu dinh thự vua Mèo.

Khu dinh thự nhà họ Vương được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, là nơi ở của gia đình nhà Vương, người hầu và binh lính. Dinh thự xây dựng theo lối kiến trúc cổ thành quách của vương triều phong kiến, có chiều dài 64m, rộng 22m, cao 10m, gồm 4 nhà ngang, 6 nhà dọc, tổng cộng 64 phòng.

Tất cả các dãy nhà đều được làm 2 tầng, bằng gỗ nghiến, pơ mu và móng bằng đá, mái nhà cong lợp ngói âm dương. Xung quanh dinh thự là tường rào bằng đá cao hơn 2m, chân tường dày khoảng 80cm. Hiện nay dinh thự còn khá nguyên vẹn, bên trong còn rất nhiều hiện vật xưa như: tủ quần áo, lò sưởi, giường ngủ, cối xay, cung, nỏ, giáo, mác, khèn Mông và treo ảnh gia đình gồm ảnh ông Vương Chính Đức mặc quan phục triều Nguyễn, ảnh ông Vương Chí Sình, vợ và các con. Ngoài sân có chậu tắm được đục đẽo từ một hòn đá to, dùng để cho “vua” tắm.

Bảng xếp hạng Di tích quốc gia Khu Nhà Vương.
Bảng xếp hạng Di tích quốc gia Khu Nhà Vương.

Dinh thự được chia thành nhiều khu như phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp, kho vũ khí, kho thuốc phiện (lúc đó chưa cấm thuốc phiện), phòng của các bà vợ ông Vương Chính Đức (ông có 3 bà vợ), phòng thờ. Ngoài cổng chính còn phải đi qua đến ba, bốn lần cổng nhỏ để vào bên trong. Trên cổng ra vào là bốn chữ “Biên chính khả phong” (nghĩa là: Chính quyền nơi biên cương này xứng đáng được phong tặng) do triều đình Huế ban tặng cho “vua Mèo” Vương Chính Đức.       

Khi đã già yếu, Vương Chính Đức trao lại quyền hành cho người con trai thứ hai, tài giỏi nhất trong bốn con trai của ông, đó là Vương Chí Sình. Năm 1945, "vua Mèo" Vương Chí Sình và vợ đi ngựa về Hà Nội gặp Hồ Chủ tịch. Bác Hồ mời vợ chồng Vương Chí Sình ở Hà Nội chơi một thời gian và cùng kết nghĩa làm anh em. Chính vì lẽ đó, Vương Chí Sình đổi tên là Vương Chí Thành để được trùng với tên Bác thời trai trẻ (Nguyễn Tất Thành). Cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội tháng 1-1946, Vương Chí Sình trúng cử, trở thành đại biểu Quốc hội Khóa I (1946 - 1960), sau tái đắc cử, là đại biểu Quốc hội Khóa II (1960 - 1964), từng là Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Đồng Văn. Vương Chí Sình đã đóng góp nhiều cho cách mạng, được Bác Hồ trao tặng thanh bảo kiếm khắc tám chữ: “Tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ”. Năm 1959, Vương Chí Sình được điều về Hà Nội làm chuyên viên Ủy ban Dân tộc Trung ương. Năm 1962, Vương Chí Sình mất tại Hà Nội; thi hài ông được đưa về mai táng ở thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn. Năm 2003, gia đình chuyển mộ ông về cổng khu dinh thự họ Vương ở Sà Phìn. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất.

Dinh thự họ Vương bắt đầu được chuyển thành điểm tham quan vào năm 1993, sau khi được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Kể từ đó cho đến nay, ngôi nhà không dùng làm nơi ở nữa mà phục vụ cho du lịch và tham quan. Xung quanh nhà đều là các gia đình con cháu dòng họ Vương. Bán vé vào cổng và hướng dẫn viên cho khách là cô cháu gái họ xa của “vua Mèo” năm xưa.

Trung Hải

              


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.