Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống: Ngẫm từ làng gốm Yang Tao

08:32, 13/11/2013

Buôn Dơng Băk (xã Yang Tao, huyện Lak) vốn nổi tiếng với nghề làm gốm xưa nay. Cũng nhờ gốm mà một thời người M’nông Rlâm sống dọc theo con sông Krông Na và quanh mạn hồ Lak này đã làm nên diện mạo đời sống văn hóa hết sức đặc sắc. Đến giờ, cái nghề làm gốm ấy không hưng thịnh như trước, nhưng vẫn có một số nghệ nhân cố sức giữ nghề để chờ một ngày làng gốm ở đây hồi sinh…

Gắn bó cả cuộc đời với gốm

Bà To Khoanh, một người ở Yang Tao có gần cả cuộc đời gắn kết với nghề làm gốm tâm sự với tôi rằng: ai bỏ nghề gốm thì bỏ, riêng bà thì vẫn sống chết với nghề. Bởi từ khi còn trẻ, tuổi mới 13-14 bà đã sống và hít thở không khí rộn rã từ làng nghề truyền thống này. Nay tuổi đã ngoài 60, bà vẫn miệt mài nặn gốm mỗi ngày. Những sản phẩm của nghệ nhân này làm ra được xếp đầy góc nhà. Ngoài thau, chậu, nồi, niêu và chén bát… còn có một số sản phẩm mới mẻ như ấm trà, khay, đĩa và ly tách khá tinh xảo. Tôi hỏi có nhiều khách hàng đến mua không? Bà trả lời thi thoảng có người từ nơi khác mua cho vài món để làm kỷ niệm. Phó chủ tịch xã Yang Tao - Y Khương H’Long chia sẻ thêm: Ít người mua lắm anh ạ! Một vài tháng mới có vài khách du lịch ghé thăm buôn, thấy gốm ở đây lạ mắt mới mua chơi, chứ khách đặt hàng với số lượng nhiều thì không có. Vì thế sống được với nghề gốm không phải dễ, cả buôn Dơng Băk bây giờ, bà To Khoanh là một trong ba người còn gắn bó với nghề truyền thống trên. Hai người còn lại là chị H’Huyên Bhôk và chị H’Lưm Uông được coi là nghệ nhân trẻ kế thừa nghề gốm của buôn làng này.

Chị H’Lươm vẫn gắn bó với những sản phẩm gốm truyền thống trong nhiều năm qua.
Chị H’Lươm vẫn gắn bó với những sản phẩm gốm truyền thống trong nhiều năm qua.

Cũng giống như bà To Khoanh, cả hai chị đều có chung một nỗi niềm: dù gốm không đủ sức nuôi mình, nhưng họ vẫn âm thầm “giữ lửa” cho làng nghề để chờ ngày hồi sinh. Ngày ấy không biết gần hay xa, nhưng họ tin rằng gốm Dơng Băk sẽ sống lại và vươn xa như thời ông bà mình gầy dựng. Niềm tin ấy, theo chị H’Lươm Uông không phải không có cơ sở, bởi gần đây Bảo tàng Dak Lak đã phối hợp với chính quyền địa phương mở nhiều lớp dạy làm gốm cho lớp trẻ tại buôn làng. Thông qua những lớp học ấy, nhiều cô gái ở đây đã bắt đầu quan tâm và say mê hơn với nghề gốm của dân tộc mình. Cô H’Viết Bkrông tự hào: không ngờ gốm Dơng Băk có lịch sử lâu đời và độc đáo đến thế, chỉ với đôi bàn tay thôi mà các mí, các chị đã cần mẫn nặn ra những sản phẩm thật đẹp. Và sau khi nung gốm bằng củi, vỏ trấu thì những sản phẩm kia trở nên gần gũi, thân thuộc trong đời sống sinh hoạt của mọi nhà. H’Viết nói rằng: khắp các vùng Yang Tao, Yang Reh cho đến tận Dak Nuê, Dak Phơi, Krông Nô… trước đây gia đình nào mà không dùng gốm Dơng Băk, tại sao mình lại không mang gốm đi bán, hoặc đổi chác như ông bà xưa? Còn có người dùng gốm Dơng Băk thì cơ hội cho làng nghề này sống lại vẫn còn- H’Viết tỏ ra hy vọng!

Nan giải “đầu ra”

Hy vọng của cô H’Viết cũng là hy vọng chung cho cả làng nghề truyền thống này. Bà To Khoanh hồi tưởng: trước đây, nhiều người trong buôn cũng mang gốm đi bán, hoặc đổi chác như lời H’Viết nói, nhưng càng về sau thì cung cách tiêu thụ hàng hóa (chủ yếu theo kiểu trao đổi chén gốm - chén gạo) ấy không còn phù hợp nữa nên rơi vào bế tắc. Ông Y Nê Bkrông - Chủ tịch xã Yang Tao cũng thừa nhận rằng: thời buổi mà hàng hóa “nhôm nhựa” được bày bán khắp nơi, giá cả lại rẻ và tiện lợi như thế thì sản phẩm gốm Dơng Băk làm sao sống nổi. Người trực tiếp làm và bán gốm như bà To Khoanh, hay chị H’Huyên, H’Lươm… cũng không thể đắp đổi qua ngày. Vì thế nhiều ngưởi bỏ nghề đi làm thuê, làm mướn kiếm sống là điều dễ hiểu. Tính ra, ngày công làm thuê của họ trên dưới 100 nghìn cũng đủ sống hơn nghề làm gốm.

Nhiều người dân buôn Dơng Băk luôn tâm huyết với nghề gốm cổ truyền  mà ông bà mình để lại.
Nhiều người dân buôn Dơng Băk luôn tâm huyết với nghề gốm cổ truyền mà ông bà mình để lại.

Theo ông Y Nê Bkrông, để gốm Dơng Băk thật sự hồi sinh, không còn cách nào khác là phải kết hợp với hoạt động du lịch trên địa bàn. Những người làm du lịch ở huyện Lak nói riêng và cả Dak Lak nói chung cần có sự quan tâm, đầu tư đúng mức và có chiều sâu cho làng nghề truyền thống này. Tiến sĩ Lương Thanh Sơn - Giám đốc Bảo tàng Dak Lak cũng đồng ý với quan điểm này. Và như bà Sơn chia sẻ: trong thời gian qua, Bảo tàng tỉnh cũng đã xúc tiến những hoạt động thiết thực như mở lớp dạy nghề, giới thiệu sản phẩm gốm Dơng Băk với các đơn vị du lịch nhằm từng bước  khôi phục lại hoạt động làng nghề ở đây, để một khi ngành du lịch địa phương có dự án, hoạt động liên kết tạo ra sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách, thì ít nhất làng gốm này không hẳn không có cơ hội để tham gia. Bởi nhiều người cho rằng: còn nghệ nhân, còn những người “giữ lửa” làng nghề như bà To Khoanh, chị H’Lươm, H’Huyên… thì gốm Dơng Băk sẽ còn cơ hội sống lại và đi xa.

 Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.