Multimedia Đọc Báo in

Đặc sắc nghệ thuật tranh áp-phích Phần Lan

13:52, 08/11/2013
Trong tháng 11-2013, Dak Lak được chọn là nơi diễn ra chuỗi sự kiện nhằm kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam-Phần Lan, trong đó một trong những hoạt động đáng chú ý nhất là Triển lãm tranh áp-phích Phần Lan. Triển lãm này mang đến cho những người yêu hội họa những góc nhìn đa chiều về nghệ thuật tranh áp-phích, một sản phẩm đã làm nên niềm tự hào của đất nước Phần Lan.   

Theo ngài Kimmo Lahdevirta, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam thì tranh áp - phích dường như là cách thức hoàn hảo để mang đời sống thương mại và nghệ thuật đến gần nhau. Cũng như ở các nước khác, áp-phích Phần Lan được sử dụng vào hai mục đích chính là quảng cáo và tuyên truyền cho một sự kiện nào đó. Những vấn đề có tính xã hội và ý thức hệ là chủ đề quan trọng và bố cục tranh áp-phích thường đơn giản, dựa trên ảnh chụp. Thông qua đó, những tấm tranh áp-phích này cũng thể hiện sự “thai nghén” cho quá trình bùng nổ của thiết kế đồ họa và nghệ thuật tuyên truyền đóng vai trò quan trọng đối với truyền thông.

Trong suốt thế kỷ 19, nhiều nghệ sĩ quan tâm đến thiết kế tranh áp-phích tràn ngập nước Pháp, lan cả sang những nơi khác ở châu Âu. Nghệ sĩ vẽ tranh áp-phích Phần Lan cũng nhanh chóng tiếp thu ảnh hưởng. Các nghệ sĩ Phần Lan bắt đầu nhận đơn hàng quảng cáo và đầu thế kỷ 20, nhiều người trong số họ đã có thể kiếm thêm thu nhập bằng việc thiết kế tranh áp-phích. Những năm 20 của thế kỷ trước, các hãng quảng cáo bắt đầu phát triển ở Phần Lan. Các công ty công nghiệp lớn thường đặt hàng áp-phích quảng cáo thương mại. Tranh áp-phích được thiết kế cho các sự kiện quốc gia như triển lãm thương mại và mỹ thuật và các kỳ thi đấu thể thao và các phong trào quốc gia như phong trào vận động hạn chế uống rượu. Ngôn ngữ thị giác của tranh áp-phích bắt đầu thay đổi để hướng đến sự biểu đạt mỹ thuật hơn. Kỹ thuật phun màu chỉnh sửa, phối cảnh nhìn từ trên không và các góc nhìn khác thường được sử dụng phổ biến, và bố cục theo xu hướng lập thể và tư tưởng hiện đại cũng được thử nghiệm.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, việc giảng dạy ngành đồ họa ứng dụng bắt đầu trở lại và các nhà thiết kế trẻ, được đào tạo bài bản bắt tay vào công việc mang đến một làn gió mới khi tranh áp-phích lại được vẽ màu và gắn với thời đại thương mại hóa mới. Kỹ thuật in lụa mới nhanh chiếm vị trí và cải thiện chất lượng cấu trúc bề mặt của tranh áp-phích. Các nhà thiết kế tranh áp-phích nhận thức rất rõ xu hướng Trung Âu và Bắc Mỹ. Ảnh hưởng lớn nhất đến từ Thụy Sĩ và Pháp, vì ngành thiết kế quảng cáo ở các nước này đặc biệt sáng tạo và có chất lượng cao cả về mặt thẩm mỹ và kỹ thuật. Áp-phích thể hiện màu sắc mạnh mẽ, có các yếu tố hội họa, đường viền màu đen và hài hước. Lối vẽ tinh giản được thể hiện đơn giản, sắc nét và khéo léo.

Trong thập niên 1950, hàng hóa tiêu dùng dần thoát khỏi chế độ phân phối. Các sản phẩm mới ra đời và khối lượng giao thương tăng lên nhanh chóng. Các cửa hàng hiện đại bắt đầu phổ biến ở thành phố lớn, tạo ra nhu cầu cần áp-phích quảng bá cho người tiêu dùng. Nhiều người có thể học theo và làm việc ở nước ngoài, giúp mở rộng quy mô cho ngành quảng cáo. Thập niên 1950 cũng là “kỷ nguyên vàng” của ngành đồ họa ứng dụng và thiết kế áp-phích của Phần Lan. Các thiết kế của Phần Lan nói chung, cũng như thiết kế đồ họa, trở nên nổi tiếng thế giới. Các cuộc thi chuyên nghiệp bắt đầu vào thập niên 1950 khiếp áp-phích Phần Lan luôn có chất lượng cao. Các nhà thiết kế đồ họa hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bắt đầu tự tổ chức họ với nhau.

Trong thập niên 1960, ngành thiết kế đồ họa của Phần Lan bắt đầu khác biệt so với truyền thống tạo dựng từ thập niên 1950. Nhu cầu về quảng cáo thay đổi. In offset trở thành kỹ thuật thống trị để in tranh áp-phích.

Phong cách nhiều màu sắc dựa trên hội họa của thập niên 1950 đã nhường chỗ cho nhiếp ảnh. Nghệ thuật tranh áp-phích trở nên đơn giản hóa, và tác phẩm của các nhà thiết kế Phần Lan bắt đầu thu hút sự chú ý tại nhiều triển lãm quốc tế. Những tấm áp-phích đẹp nhất của thập niên 1960 và 1970 được thiết kế mang tính năng xã hội. Mục đích của các nhà thiết kế là sáng tác ra tranh áp-phích mà thông điệp được thấu hiểu ở mọi nơi trên thế giới. Tranh áp-phích thể hiện quan điểm mạnh mẽ, ví dụ việc sử dụng rượu và ma túy, hút thuốc, môi trường xuống cấp, chiến tranh và hòa bình, và an toàn giao thông. Ngôn ngữ thị giác đơn giản nhằm tối đa hóa ảnh hưởng.

Ảnh hưởng của áp-phích Phần Lan mạnh mẽ đến mức người ta dùng thuật ngữ “trường phái Phần Lan” để chỉ áp-phích theo phong cách thực dụng, sử dụng kỹ thuật nhiếp ảnh và thỉnh thoảng có tranh áp-phích in máy đen trắng tối giản. Trong thập niên 1970, danh tiếng của tranh áp-phích Phần Lan tăng cao hơn. Năm 1975, Bảo tàng tranh áp-phích La-ti được thành lập; cùng năm đó, triển lãm tranh áp-phích quốc tế La-ti được tổ chức.

Ngày nay, tranh áp-phích bị đe dọa nghiêm trọng bởi hầu hết ngành quảng cáo đã thực hiện trên các phương tiện truyền thông điện tử. Tuy nhiên, các nhà thiết kế trẻ Phần Lan vẫn không thôi tìm tòi sáng tác áp-phích dù trên chất liệu gì.

Kim Bảo (biên soạn)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.