Multimedia Đọc Báo in

Đôi điều ghi nhận từ Cuộc thi "Giọng hát hay Dak Lak 2013"

09:37, 22/11/2013
Chưa trở thành thông lệ, cũng chưa là “thương hiệu” hoạt động của Trung tâm Văn hóa tỉnh, nhưng cuộc thi “Giọng hát hay Dak Lak lần thứ IV – năm 2013” đã thu hút được 14 đơn vị trong toàn tỉnh với 59 tiết mục đơn ca, song ca, tam và tốp ca tham gia.
 
Có đôi điều thú vị ở lần thi này là mặc dù Ban Tổ chức chưa hề phân loại, nhưng các thí sinh đã lựa chọn bài theo đúng sở trường của cả ba phong cách ca hát : nhạc thính phòng, dân ca và nhạc nhẹ để trình bày. Bên cạnh đó, khác với mọi lần chỉ hầu hết là những bài hát cũ, thì lần này, một số ca khúc mới sáng tác, kể cả những bài hát về biển đảo quê hương, đã được các thí sinh chọn lựa, mang hơi thở của cuộc sống đến với không khí náo nức của hội thi. Ý thức tạo nên dấu ấn cá nhân, cố gắng đổi mới sự trình bày cũng đã xuất hiện trong cách dựng bài, như những bài hát mang phong cách dân ca được lồng vào những câu hò miền Trung, điệu hát ru Bắc bộ; ca khúc thể loại nhạc nhẹ được thêm những câu hát vocal – phiêu không lời. Hoặc thể loại thính phòng vẫn quen cách trình diễn theo lối “hát đẹp” khoe kỹ thuật đã được trình bày một cách biểu cảm, tinh tế hơn, như các tiết mục “Lời ru”, “Người Hà Nội” của đoàn Krông Bông, hay “Tình ca cao nguyên” của đoàn Krông Ana … Tốp ca, tam ca là thể loại khó hay bởi cần hát đều và có bè, thì lần này xuất hiện nhiều nhóm hát bè rất nhuần nhuyễn, hòa quyện, không chỉ hai mà còn thậm chí cả ba bè, như tam ca “Bơ hơ em hát mùa cà phê” (tác giả Mạnh Trí) của đoàn Krông Pak, “Tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình”  (tác giả Đinh Trung Cẩn) của đoàn TP. Buôn Ma Thuột, cùng với sự phụ họa của tốp hát hoặc múa đã khiến phần trình diễn hấp dẫn và phong phú hẳn lên.
Một tiết mục biểu diễn  tại Cuộc thi “Giọng hát hay Dak Lak 2013”
Một tiết mục biểu diễn tại Cuộc thi “Giọng hát hay Dak Lak 2013”

Đáng tiếc là một hội thi với toàn những giọng hát đẹp lại mắc một vài lỗi kỹ thuật để chỉ đạt 7/10 giải A không được như Ban Tổ chức dự kiến. Những lỗi thường gặp nhất là hát không rõ lời, hát sai nhạc, thiếu nhạc cảm, không tiết chế được giọng nên những nốt cao bị vỡ hoặc trở thành… “hét”. Cách dựng bài còn đơn điệu, na ná như lối hát của ca sĩ chuyên nghiệp nào đã từng hát những ca khúc đó; có thí sinh không biết tìm cách để có thể “khoe” được chất giọng và sở trường đa dạng của mình bằng xử lý hát nhanh hay chậm… Có một vài thí sinh đã từng góp mặt trong một số cuộc thi lần này cũng vẫn bài hát ấy, lối hát ấy, không có gì là sáng tạo mới.

Tiếc một điều nữa là những cảm xúc nồng nàn ca ngợi tình yêu và cuộc sống lao động phơi phới tươi xanh trên quê hương Tây Nguyên của các tác giả địa phương, không phải là không có ca khúc hay, nhưng chưa đến được nhiều với công chúng. Giá ngành Văn hóa định kỳ xuất bản những tuyển tập nhạc của tác giả trong tỉnh và về cơ sở, chắc các nhạc sĩ rất mừng và những ca khúc mới về quê hương Tây Nguyên chắc chắn sẽ phổ biến hơn với người yêu nhạc.

Nhiều bạn trẻ hy vọng cuộc thi “Giọng hát hay Dak Lak” sẽ được tổ chức định kỳ 2 năm/lần, có phân bảng cho cả ba phong cách hát thính phòng, dân ca, nhạc nhẹ để thí sinh dễ lựa chọn tham gia, vì Dak Lak còn ít “ sân chơi” cho giới trẻ quá.  Và nếu phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đồng tổ chức đón đầu thì lo gì giải Sao mai của VTV không tìm được thí sinh tiêu biểu trong “cái nôi” của những giọng hát hay Tây Nguyên như truyền thống của Dak Lak từ trước đến nay? Làm được như thế sẽ hình thành  “thương hiệu” của một cuộc thi hát mang tầm cấp tỉnh.

Linh Nga Niê Kdam


Ý kiến bạn đọc