Nhà văn đoạt Giải Nobel Văn học 2013 Alice Munro - bậc thầy của truyện ngắn đương đại
Lần đầu tiên giải Nobel Văn học được trao cho tác giả truyện ngắn. Nó đã đưa Canada ra khỏi “cơn khát” kéo dài 113 năm. Nữ văn sĩ người Canada Alice Munro được giới phê bình đánh giá là “Một thiên tài tĩnh lặng” trên văn đàn thế giới.
Trong lời tuyên bố trao giải, Peter Englund, Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển đã gọi Alice Munro – tác giả cuốn “Trốn chạy” là “bậc thầy của truyện ngắn đương đại”. Đây được xem là một nhận xét thuộc diện ngắn nhất từ xưa đến nay của Ủy ban Nobel Văn học và đây cũng là lần đầu tiên Giải Nobel vinh danh một người chỉ sáng tác truyện ngắn.
Cùng với đó, Thư ký Viện Hàn lâm Thụy Điển cũng không ngần ngại khi bày tỏ quan điểm của mình về nữ nhà văn người Canada. Ông nói: “Alice Munro là một con người nhỏ nhưng luôn mang trong mình một tâm hồn lớn”.
Tuy nhiên, điều ngạc nhiên nhất của Giải Nobel Văn học năm nay chính là sự lên ngôi của tác phẩm truyện ngắn – thể loại ít nhận được sự quan tâm của Ủy ban Nobel những năm trước.
Nữ văn sĩ Alice Munro sinh ra tại Wingham, Ontario, Canada vào ngày 10-7-1931. Mẹ bà là giáo viên và cha là người nông dân chuyên làm chăn nuôi. Sau khi tốt nghiệp trung học, bà Alice Munro đã bắt đầu chuyên tâm cho việc học báo chí và tiếng Anh tại Đại học Western Ontario. Thế nhưng, sau đó một thời gian ngắn, bà đã bỏ dở việc học để kết hôn vào năm 1951.
Alice Munro bắt đầu viết truyện từ những ngày còn thơ ấu. Tác phẩm đầu tiên của bà được xuất bản vào năm 1968 với tựa đề “Dance of the Happy Shades” và nhận được nhiều sự quan tâm ở Canada thời bấy giờ. Các tác phẩm của bà thường lấy đề tài từ chính cuộc sống của thị trấn nhỏ nơi bà đang sống và tập trung viết về những vấn đề xã hội, đời sống. Bà chú trọng đến từng chi tiết, xây dựng nhân vật tài tình và đưa ra những kết thúc khó đoán khiến khán giả phải bất ngờ.
Munro được đánh giá cao với lối kể chuyện tinh vi và hiện thực về tâm lý. Một số nhà phê bình xem bà như Chekhov của Canada. Truyện ngắn của bà thường lấy khung cảnh là những thị trấn nhỏ - nơi phải phấn đấu để có một sinh hoạt được xã hội chấp nhận - thường đưa đến hậu quả là những mối tương giao căng thẳng và tranh chấp về đạo lý, những vấn đề bắt nguồn từ những khác biệt giữa các thế hệ và những tham vọng đụng độ nhau. Munro thường mô tả những việc xảy ra thường ngày nhưng mang tính quyết định, một thứ hóa thân soi sáng câu chuyện bao quanh và để những câu hỏi về sinh tồn xuất hiện trong ánh chớp.
Alice Munro được coi như bậc thầy trong việc mổ xẻ những tinh tế của lòng người. Không phải những đại tự sự kiểu Tolstoy hoặc Dostoievski. Không phải những bức tranh toàn cảnh về xã hội tư sản thế kỷ 19 như Balzac. Hoặc cõi nội tâm miên man với ký ức và cảm xúc như Proust. Hoặc hoạt cảnh hàng bao thế kỷ, qua một cây cầu trên sông Drina như Ivo Andric…Truyện ngắn của bà đa phần dựa vào kinh nghiệm bản thân để mô tả một cách cổ điển và hiện thực về cuộc đời đàn bà, con gái; những vấn nạn trưởng thành, những eo sèo của ái tình và con cái, nội trợ và xã giao. Bà xáo trộn thời gian và không gian, ký ức và thực tại, nhưng tất cả đều nằm trong khuôn khổ ngữ pháp của cuộc sống thường ngày. Người ta không gặp ở đó những phiêu lưu bất ngờ, những tưởng tượng huyền ảo, hoặc những kích thước hoành tráng. Tuy nhiên, đó là chất hiện thực của đại đa số nhân loại.
Truyện ngắn “Trốn chạy” của Alice Munro xoay quanh nhân vật người thiếu phụ không thể chạy trốn khỏi chồng, dù cô những tưởng đó là điều mình mong muốn. Câu chuyện từng bước xây dựng hình ảnh một cô gái bị mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Nỗi buồn dần tích tụ trở thành niềm tuyệt vọng cho đến lúc cô gái quyết định bỏ trốn.
Nữ tác giả người Canada từng thắng giải Man Booker Quốc tế năm 2009, ba lần đoạt giải Governor General của Canada cùng nhiều giải thưởng văn chương khác.
Theo đánh giá của phê bình gia Mona Simpson, Alice Munro là nhà văn còn sống nhưng có nhiều triển vọng nhất để được đọc trong 100 năm nữa.
Hà Phương (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc