Multimedia Đọc Báo in

Văn chương và cuộc sống: Người phụ nữ trong "Đợi anh về" của Simonov là ai?

10:17, 30/11/2013

“Đợi anh về” – bài thơ bất hủ của Konstantin Simonov đã nói hộ tình cảm của hàng triệu chiến sĩ Hồng quân Liên Xô trong thế chiến thứ hai và trở nên thân thuộc với bao thế hệ người Việt Nam qua bản dịch của Tố Hữu, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thần thánh của dân tộc.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng Valentina Serova - người phụ nữ được Simonov yêu say đắm, tạo cảm hứng để ông viết lên bài thơ “Đợi anh về” bất hủ khi đang là chiến sĩ Hồng quân ở mặt trận - lại có kết cục đáng buồn đến thế.

Gia đình nhỏ Valentina Serova - Konstantin Simonov và con gái lúc còn hạnh phúc.
Gia đình nhỏ Valentina Serova - Konstantin Simonov và con gái lúc còn hạnh phúc.

Valentina là một trong những gương mặt nữ diễn viên sáng giá nhất của sân khấu thành Matxcơva những năm 30 của thế kỷ trước. Cuộc đời nàng lúc ấy như mơ: Chồng nàng, phi công thử nghiệm, anh hùng Anatoly Serov, vừa tài năng vừa lãng mạn; hai người cưới nhau năm 1938. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Tháng 5-1939, Anatoly đã không may hy sinh trong lúc thử nghiệm một mẫu máy bay mới, bỏ lại người vợ đang ở độ tuổi 22, đang mang thai 6 tháng. Nỗi đau quá lớn, tưởng chừng như không thể vượt qua được. Và chỉ có tình yêu mới làm nguôi ngoai được những nỗi đau tình yêu. Cũng trong thời gian ấy, Konstantin Simonov, một cây bút trẻ nhiều triển vọng đang mặc áo quân nhân, đã phải lòng Valentina bằng những rung cảm của một người đàn ông, dù đã khá từng trải nhưng vẫn rất hào hoa. Hai người gắn bó với nhau trong mối quan hệ vừa nồng nàn vừa mong manh vì với một người đa nhân cách, sống bản năng như Valentina, khó ai có thể nói trước một điều gì. Và đối với Simonov đấy cũng lại là sự quyến rũ nhất ở nàng. Đó là vì, trạng thái tình cảm của Valentina luôn luôn thay đổi, khiến nàng gần đấy mà lại xa ngay đấy, chập chờn như ảo ảnh. Nàng hầu như không bao giờ nói từ “yêu” một cách rành rẽ và tỉnh táo. Đã có lúc Simonov tuyệt vọng tới mức muốn rời bỏ nàng, nhưng không nổi! Trong những dằn vặt thường xuyên như thế, Simonov phải ra chiến trường. Với những tâm sự riêng tư, đầy hoài nghi vào sự chung tình của ý trung nhân, trong một cơn hưng phấn gần như thiên khải, ông đã viết nên bài thơ “Đợi anh về”

Đơn giản là nhà thơ muốn nêu bật tâm sự của người có thể ngày mai sẽ ngã xuống trên chiến trường đầy bi tráng và xin “một ân huệ” cuối cùng ở người mà ông yêu. Ông đã đặt cược cả tính mạng mình vào tay người phụ nữ đa tình và nhẹ dạ mà ông yêu quý hơn mọi sự trên đời: Anh chỉ có thể sống sót trở về nếu em chung thủy. Người lính nào ra trận mà không muốn tin vào sự vững chắc của hậu phương. Hàng triệu bản in bài thơ này (xuất hiện lần đầu trên báo Pravda (Sự thật) ngày 14-1-1942) đã trở thành cầu nối cho vô số những cặp tình nhân thời chiến. Trong cách cảm nhận của rất nhiều người, Valentina đã trở thành biểu tượng tuyệt vời của phụ nữ Xôviết, biết yêu và đợi chờ như không một ai khác có thể.

Nhưng đúng lúc ấy lại diễn ra một cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Valentina với một trong những vị nguyên soái Liên Xô nổi bật nhất. Mùa xuân năm 1942, nàng cùng các nghệ sĩ nổi tiếng khác ở thủ đô biểu diễn cho các bệnh binh là sĩ quan cao cấp xem. Khi chương trình sắp kết thúc, bác sĩ trưởng tới yêu cầu Valentina vào phòng bệnh biểu diễn riêng cho một bệnh nhân đặc biệt, vừa mới qua ca phẫu thuật nghiêm trọng nên sức khỏe còn quá yếu. Valentina đồng ý và không ngờ rằng mình sẽ lại bước vào một mối tình sét đánh nữa. Vừa nhìn vào cặp mắt người bệnh đang nằm trên giường, nàng đã thấy tim mình nhói lên: gương mặt bệnh nhân có vẻ như quen thuộc.                                                                      

Đó là vị nguyên soái lừng lẫy chiến công Rokossovsky! Tình yêu đã đến thật bất ngờ. Valentina phải lòng vị nguyên soái hơn mình 21 tuổi. Còn đối với Rokossovsky, trái tim thép của người lính dạn dầy tất nhiên là không thể cưỡng lại cơn bão tình đắm đuối như thế, nhất là khi đó, vợ và con gái của ông bị mất tích, ông đang cô đơn... Tuy nhiên, mối tình bốc lửa đó đã không ngăn cản được Simonov tiếp tục cuộc tấn công bằng thơ của mình. Ông yêu nàng mạnh mẽ tới mức không đếm xỉa tới mọi thói hư tật xấu của nàng. Ông vẫn tin rằng, tấm tình chân thành của một người thơ như ông có thể cải hóa được cả những trái tim dễ sa ngã nhất. Những lời bày tỏ nồng nhiệt và xúc động của ông cuối cùng đã khiến Valentina gật đầu nhận lời làm vợ ông vào năm 1943. Với nguyên soái Rokossovsky, tin này như sét đánh ngang tai. Ông không thể nào quên được dư vị hạnh phúc ngọt ngào trong chênh vênh mà nàng đã ban tặng cho ông. Sau chiến tranh, chiều chiều, người ta thấy cứ đúng lúc năm giờ, ở phía dưới cửa sổ căn phòng hóa trang của nữ diễn viên Serova, lại có một chiếc xe Zil cao cấp đen bóng đỗ lại. Từ cửa xe bước ra một người đàn ông nghiêm trang trong bộ quân phục nguyên soái. Ông đứng lặng lẽ nhìn lên ánh đèn le lói từ cửa sổ hắt ra, buồn rầu và tê tái, vừa như mong vừa như sợ phải thấy lại bóng hồng xưa cũ. Một lát sau, ông lại vào xe đi về. Ở trong phòng, Valentina nhìn xuống thấy ông, nhưng với nàng, niềm cảm xúc cũ đã trôi qua. Nàng cảm thấy thú vị vì được ngưỡng mộ nhưng nàng không còn yêu ông nữa         

Còn đối với Simonov và Valentina, trong giai đoạn đầu của cuộc sống vợ chồng, cặp uyên ương đã tỏ ra hạnh phúc. Họ cùng nhau tận hưởng những vinh quang và thành đạt. Năm 29 tuổi, Valentina được nhận danh hiệu Nghệ sĩ công huân. Các tác phẩm của Simonov liên tục được xuất bản và nhận giải thưởng... Tưởng không còn cần phải mơ ước gì thêm nữa. Tuy nhiên, tình yêu, như người ta nói, như con thú dễ bị chết vì bội thực. Đối với Simonov, không có thử thách nào lớn hơn là sống cạnh người đàn bà mà ông đắm đuối yêu một thuở, thấy rõ sự tẻ nhạt tầm thường đằng sau hào quang của vòng nguyệt quế bằng thơ mà ông đã tự dựng nên cho nàng.

Hơn nữa, Valentina khi công thành danh toại lại mắc tật nghiện rượu. Mọi tai ương đã từ đó nảy sinh. Đến mức cô con gái của hai người (sinh năm 1950) đã bị tòa án buộc phải đưa về cho bà ngoại nuôi, với lý do là người mẹ nát rượu không thể thực hiện nghĩa vụ... Và Simonov đã từ bỏ nàng để lấy một người phụ nữ khác vào năm 1957. Trong những lần tái bản sách sau này, Simonov đã xóa hết những dòng đề tặng Valentina ở hầu hết những bài thơ hay nhất của đời ông mà nàng là người gợi cảm hứng, chỉ trừ bài “Đợi anh về”. Còn đối với Valentina, bệnh nghiện rượu ngày càng nặng hơn. Rồi trong một lần trở về nhà, mở cửa căn phòng giá lạnh và quạnh quẽ, nàng bị vấp chân ngã và không bao giờ trở dậy nữa! Linh cữu Valentina quàn tại Nhà nghệ sĩ điện ảnh Matxcơva. Nhiều người tới viếng đã bật khóc vì thương một kiếp tài hoa. Simonov khi ấy đang nghỉ ở Kislovodsk, không về mà chỉ gửi 58 bông cẩm chướng đỏ, 58 tuổi đời nàng, tới viếng.

Tuy vậy, cho tới khi chết, Simonov vẫn không thể quên được Valentina. Theo lời kể của người con gái chung của họ: trước khi mất không lâu, ông đã yêu cầu cô mang những kỷ vật của Valentina tới bệnh viện cho ông. Ông nói: “Con để lại đây cho cha, cha xem một vài thứ, sáng mai con quay lại lấy”. Hôm sau, cô con gái trở lại, cô cho biết: “Tôi gần như không nhận ra ông nữa. Ông đã già đi một cách bất thường, lưng gù cả xuống. Ông lụi hụi đi đi lại lại trong phòng bệnh, lặng lẽ một lúc lâu”. “Rồi ông đứng lại trước tôi và nhìn tôi bằng đôi mắt mà có lẽ sẽ không bao giờ tôi quên được - biết bao nhiêu đau đớn và khổ ải hiện lên trong đó”. “Hãy tha lỗi cho cha, con gái ạ, nhưng những gì đã có giữa cha và mẹ con là hạnh phúc lớn nhất của đời cha... và cũng là tai họa lớn nhất”. Dẫu kết cục buồn nhưng mối tình của hai con người tài sắc chính là mối nhân duyên mở đầu cho những áng thơ bất hủ. Phải chăng, đó cũng chính là hành trình quen thuộc với nhiều kiếp nhân sinh.                                                                          

(Nguồn: Bài ca đi cùng năm tháng)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.