Âm vang tre trúc - Bao giờ cho đến ngày xưa?
Tôi về Cư M’gar gặp A Mang (Phó phòng VH-TT huyện), anh khoe vừa mới tổ chức được lớp chế tác các loại nhạc cụ dân tộc bản địa cho hơn 15 người tham gia. Thế là cố gắng lắm rồi, có điều anh băn khoăn: các học viên không ai còn trẻ cả, ít nhất cũng 40 tuổi trở lên. Tôi hỏi vì sao vậy? A Mang cất giọng buồn buồn: bọn trẻ không còn thích thú nữa…
Điệu kèn Đinh năm luôn có sức lôi cuốn mọi người. |
Đây là thực trạng không riêng gì ở Cư M’gar mà còn ở các địa phương khác của Dak Lak nói riêng và cả Tây Nguyên nói chung. Đi nhiều nơi, nếu để ý sẽ thấy: âm vang tre trúc ấy càng ngày càng vắng lặng trong các buôn làng, trừ những dịp liên hoan, lễ hội được Nhà nước tổ chức. Và thi thoảng có chăng thì nó cũng chỉ thầm thì cất lên như một dòng tự sự trên môi những người già. Nói đâu xa, buôn Kon H’rin - xã Ea Đing, nơi A Mang sinh ra và lớn lên bây giờ cũng thưa vắng tiếng kèn Klông pút, Đing tút và tiếng đàn T’rưng so với ngày trước. Hỏi ra mới biết, nhiều nghệ nhân già như ông A Wet, A Nun… chẳng thiết làm ra các loại nhạc cụ tre trúc chỉ vì một lý do đơn giản: không ai thèm để ý đến nó nữa! A Mang lý giải thêm: “Các già nói “không ai thèm để ý” là hàm chỉ thái độ thờ ơ với vốn âm nhạc truyền thống của bọn trẻ bây giờ đó. Thật tình mà nói, chúng nó không như thế hệ cha anh trước, làm gì và chơi ở đâu cũng mang theo cái kèn, cái goong để hát múa. Giờ thì hầu hết bọn trẻ có những thích thú và đam mê khác, đứa thì học Guitar, đứa đàn điện, hát Karaoke với nhạc hiện đại… chẳng còn để ý tới tâm sự, hay nói đúng hơn là nỗi buồn khó nói thành lời của các già”.
Nghệ nhân A Nun (buôn On H’rin) được mời tham gia dạy lớp chế tác nhạc cụ goongbrố do ngành văn hóa huyện Cư M’gar mở hồi tháng 10 vừa qua. |
Nỗi buồn ấy, đôi lần tôi đã từng chứng kiến nơi cái buôn có thể xem là giàu nhất ở huyện Cư M’gar này - buôn Đinh, xã Cư Dlei Mnông. Già Ama Kuynh tâm sự: “Nhờ làm cà phê mà già xây dựng được ngôi nhà bề thế và khang trang, vật dụng sinh hoạt cũng không thiếu thứ gì. Nhưng coi bộ thằng Y Tung, con trai già không ưng cái bụng, nó cứ nằng nặc đòi mua một dàn Karaoke về hát cho khỏi thua kém bạn bè trong buôn. Không lẽ tiếc của với con, già đành miễn cưỡng chiều theo ý nó”. Và thế là cái âm nhạc hiện đại này, từ đâu xa lắc, xa lơ du nhập vào buôn và vào gia đình ông khiến bốn bề trong cộng đồng người Êđê ở đây trở nên ồn ã, sôi động, mặc cho chiêng ché, kèn Đing năm, Đing tút chỏng chơ và “ngủ quên” bên góc nhà, chái bếp. Đôi khi già Y Kuynh nhớ âm thanh tre trúc này lắm, mới đem ra thổi một mình. Mà thật trớ trêu, già nói phải thổi vào những lúc yên ắng, không còn tiếng ồn đinh óc, nhức tai phát ra từ dàn nhạc Karaoke hiện đại của bọn trẻ trong buôn. Tâm sự này, tôi cũng đã nghe già Ama Rin mới năm trước còn sống thổn thức: “Kèn Đing tút này, khi còn trai trẻ tao đã từng gọi nhiều cô gái trên rẫy đến tâm sự, hay đêm về âm thanh ấy cũng đã khiến không ít người đẹp thức giấc…”. Một lần già Ama Rin nói điều đó với Y Jak, con trai ông rằng: Mày là ca sĩ, đi hát trong Nam, ngoài Bắc thì phải biết thổi kèn Đing tút, Đing năm… để cho cái hồn đầy lên mới hay được, người nghe mới biết nhận ra mày là người Êđê, người Tây Nguyên. Khác nhau là ở chỗ đó Jak à!” Tôi đã từng vào buôn Akô Dhông nhiều lần và để ý thấy người chế tác các loại nhạc cụ bằng tre trúc ít đi. Ngày trước có cụ Y Thông, rồi đến già Ama Rin vốn nổi tiếng với nghề này, nay hai ông qua đời thì ít ai ngó ngàng, chăm bẵm nữa.
Vì sao thì ai cũng biết, vốn văn hóa âm nhạc truyền thống của các cộng đồng dân tộc bản địa đang mai một dần do tác động tiêu cực của đời sống hiện đại. Cồng chiêng thì đã rõ, số phận nó cũng “ba chìm, bảy nổi” theo thời cuộc - từ thất thoát, “chảy máu”… vào những thập niên 80-90 của thế kỷ trước đến công cuộc chấn hưng, tìm lại vị thế cho cồng chiêng khi UNESCO công nhận đó là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, có biết bao người thổn thức và mất ngủ vì loại hình âm nhạc đặc sắc này. Còn riêng âm vang tre trúc kia, tôi nhận ra bây giờ đang là thời khắc bắt đầu lụi tắt. Thống kê của ngành văn hóa Dak Lak cho thấy: số nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng (kể cả lớp trẻ) có tăng lên, trong khi đó số người chế tác và chơi được các nhạc cụ tre trúc lại giảm đi. Ví như ở Cư M’gar chẳng hạn, số nghệ nhân biết sử dụng nhạc cụ tre nứa là 145, số nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ này chỉ còn lại 61. Theo Amang đây là vấn đề đáng quan tâm, bởi so với 5-7 năm trước đã giảm đi rất nhiều. Nguyên nhân thì quá rõ: ngoài việc những “báu vật sống” đã lần lượt về với thế giới ông bà, thì lớp trẻ kế thừa không còn mặn mà với âm vang này nữa. Hy vọng rằng ngành văn hóa sẽ nhanh chóng có giải pháp chấn hưng đối với các loại nhạc cụ truyền thống nhằm tìm lại và tạo nên sức sống mới cho âm vang tre trúc như đã từng nỗ lực khôi phục giá trị văn hóa cồng chiêng gần một thập niên qua.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc