Multimedia Đọc Báo in

Nghệ nhân Y Wang nặng lòng "giữ lửa" văn hóa truyền thống

09:49, 01/12/2013
Y  Wang H’wing là một trong những nghệ nhân tiêu biểu của xã Ea Tul (huyện Cư M’gar). Ông là người đi tiên phong trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương với những đóng góp trong việc sưu tầm, truyền dạy sử thi Êđê, dạy diễn tấu cồng chiêng và sử dụng các nhạc cụ dân tộc cho lớp trẻ.
Nghệ nhân  Y Wang  diễn tấu thuần thục hàng chục nhạc cụ Êđê.
Nghệ nhân Y Wang diễn tấu thuần thục hàng chục nhạc cụ Êđê.

Nghệ nhân Y Wang sinh ra và lớn lên ở buôn Triă, xã Ea Tul (huyện Cư M’gar). Buôn Triă là một trong những buôn làng cổ xưa của đồng bào Êđê, còn lưu giữ được nhiều vốn văn hóa truyền thống như kể khan (hát kể, diễn xướng sử thi), hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng và các nhạc cụ, nhạc khí dân tộc khác. Hơn nửa thế kỷ trước, ngày Y Wang còn nhỏ, hát kể sử thi, hát dân ca, lễ cúng còn phổ biến và đậm đặc trong mọi hoạt động văn hóa tâm linh của buôn làng Êđê. Cậu bé Y Wang chưa đầy mười tuổi đã theo ông ngoại Y Im dự nhiều lễ hội của buôn làng - những đêm hội thâu đêm suốt sáng, hay kéo dài từ ngày này sang ngày khác và thường được tổ chức vào thời điểm bà con đã thu hoạch xong lúa, bắp, hoặc khi buôn làng tiến hành các lễ cúng thần linh, cúng bến nước, cúng rừng thiêng. Thời điểm ấy, lễ hội của đồng bào Êđê không khi nào thiếu rượu cần, thiếu tiếng cồng chiêng, và cũng không khi nào thiếu vắng lời hát kể sử thi. Nghệ nhân hát kể sử thi thường là những người cao tuổi trong buôn, thuộc nhiều sử thi. Đồng thời, việc hát kể sử thi thường được nghệ nhân thực hiện trong đêm lễ hội vào thời khắc đêm đã về khuya, mọi người dự lễ ai nấy đã chếnh choáng men say rượu cần, thì lời khan mới cất lên. Chỉ một tác phẩm thôi cũng có thể kể mênh mang thâu đêm suốt sáng, kể từ ngày này sang ngày khác, kể hết đêm này nối đêm khác. Từ chỗ được dự nhiều lễ hội, nghe đi nghe lại trong nhiều đêm hát kể sử thi mà nghệ nhân Y Wang đã thuộc và nhớ được 4 sử thi Êđê, gồm: Y Đăm Bhu – Y Đăm Bha (chàng Đăm Bhu – Đăm Bha); Y Đăm Săn (chàng Đăm Săn); Y Đun Bru (chàng Đun Bru) và Y Bong Hiu Knuh (chàng Bong đi săn bắt)

Có được vốn sử thi từ ông ngoại Y Im truyền dạy, sau này khi ông ngoại về với tổ tiên, mỗi khi buôn làng ở Ea Tul mở lễ hội, Y Wang lại thay ông ngoại hát kể sử thi cho buôn làng nghe. Năm 2004, khi ngành văn hóa tỉnh triển khai công tác sưu tầm, biên dịch, xuất bản, truyền dạy sử thi Tây Nguyên, nghệ nhân Y Wang đã tham gia và có những đóng góp tích cực. Khi ngành văn hóa tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Nam (nay là Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam) tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi Êđê tại buôn Triă,  nghệ nhân Y Wang cùng nghệ nhân Ae Pih đã trực tiếp dạy hát kể sử thi cho 12 học viên, phần lớn trong đó là những cán bộ người Êđê đang công tác tại xã Ea Tul và huyện Cư M’gar. Đây là lớp học truyền dạy hát kể sử thi Êđê đầu tiên được đánh giá tổ chức bài bản và có hiệu quả nhất ở tỉnh ta. Hiện nay, cả 12 học viên đều đã nhớ và có thể hát kể nhiều tác phẩm sử thi Êđê, tiêu biểu như Y Pă Ksơ, Y Đhin Niê, H’Nhé Niê, Y Păp Ayun và Y Pui Niê. Tại các đợt Liên hoan diễn tấu cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ và diễn xướng sử thi do huyện và tỉnh tổ chức, các học viên do Y Wang truyền dạy hát kể sử thi tham gia đã đạt nhiều giải cao.

Không chỉ đam mê sử thi Êđê, nghệ nhân Y Wang còn là người say mê nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Ông có thể chế tác được các nhạc cụ như Buôt Choe (ống sáo), đồng thời biết diễn tấu thuần thục hàng chục nhạc cụ khác như: Buốt Chóc (ống sáo), Buốt Takta (ống sáo dài), Gông (cồng che), Pách Ky (tù và), Brô (đàn che), The Đing (đàn môi)…., đặc biệt là cồng chiêng - loại nhạc cụ được xem là khó diễn tấu nhất. Từ chỗ say mê, nghệ nhân Y Wang đã sưu tầm cho mình hầu hết các nhạc cụ của đồng bào Ê đê, và mỗi dịp có khách trong và ngoài nước tới tìm hiểu văn hóa truyền thống của đồng bào, nghệ nhân Y Wang lại mang nhạc cụ ra vừa giới thiệu, vừa diễn tấu cho mọi người cùng nghe. Với thế hệ trẻ ở buôn Triă, trong đó có các con của mình, nghệ nhân Y Wang đã truyền cho họ ngọn lửa của niềm đam mê văn hóa truyền thống.

Dù vậy, nói về công tác gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc, nghệ nhân Y Wang còn rất nhiều trăn trở: "Thế hệ trẻ ngày nay không đam mê sử thi cũng là do ngay từ nhỏ họ đã không có điều kiện tiếp xúc với những không gian diễn xướng sử thi như thế hệ cha ông. Buôn làng bây giờ đã không còn những đêm lễ hội, những đêm rượu cần tràn ngập lời kể khan như trước đây. Không gian hát kể sử thi đã mất dần, khiến cho lời kể sử thi kém sức lôi cuốn người nghe!”. Ông bảo, trước đây, hát kể sử thi thường diễn ra trong không gian rừng thiêng, buôn làng, nhà dài, nhà rông, bến nước, nương rẫy, lễ hội. Nhưng, những năm gần đây, do tác động nhiều mặt khiến không gian diễn xướng sử thi bị thu hẹp dần, thậm chí có những không gian đã mất đi vĩnh viễn: nhiều khu rừng thiêng đã bị tàn phá, nhiều buôn làng không còn bến nước, vắng bóng nhà dài… 

Bình Định


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.