Multimedia Đọc Báo in

Thương nhớ nhà rông

10:32, 27/12/2013

Đầu năm 2014, cộng đồng người Sê đăng ở buôn Kon Hring (xã Ea H'đing - Cư M’gar) sẽ lại tổ chức lễ hội mừng lúa mới.

A Mang, anh bạn tôi ở Phòng VH-TT huyện có lời mời: cố gắng về dự ngày vui với bà con. Tất nhiên rồi, tôi phải về lại ngôi làng bé nhỏ và thân thương nằm dưới chân ngọn núi Cư Dliey Mnông này. Có điều tôi cứ băn khoăn: không biết từ nay đến ngày lễ hội mở ra, buôn Kon Hring có kịp dựng lên ngôi nhà rông? Phải có ngôi nhà rông - trái tim của làng thì niềm vui của dân làng mới trọn vẹn…

Băn khoăn của tôi cũng là nỗi day dứt của nhiều người, nhất là những Amí, Ama tuổi đã cao và sức lực cũng đã mỏi mòn, không thể chờ đợi cái ngày ấy - ngày mà ngôi nhà rông của buôn làng mình được dựng lên lâu hơn được nữa. Hồi đầu tháng 11 vừa rồi tôi về buôn Kon Hring, già A Prih ngồi đó, trong khu vườn sum suê hoa trái, đôi mắt ông vẫn buồn mênh mông như 3 năm trước. Hỏi gì, già cũng không trả lời, dù ông vẫn còn minh mẫn, người ra kẻ vào trong buôn, ông đều nhận ra hết. A Nít - trưởng buôn kéo tôi về nhà mình rồi tâm sự: “Già Prih thương cái nhà rông đó mà, đã mười mấy năm nay ông đau đáu với điều đó và luôn giục con cháu phải làm lại cho được cái nhà nhà rông. Vậy mà…” A Nít bỗng dưng thở dài như người mắc lỗi. Tôi hiểu tâm sự của anh, là trưởng buôn nên được mọi người trong cộng đồng giao cho việc làm đơn từ xin chính quyền ít gỗ tận dụng để làm ngôi nhà rông, nhưng hơn cả chục năm nay vẫn không thực hiện được, vì thế A Nít tự trách mình.

Trong câu chuyện này, tôi biết anh đã làm hết sức, không biết bao nhiêu lần A Nít chạy đi, chạy lại từ xã lên huyện để thưa gửi nguyện vọng của người dân buôn Kon Hring, nhưng cán bộ ở đây bảo: cứ chờ cấp trên giải quyết! Chờ hơn mười năm rồi còn gì, trong bụng mọi người như có lửa đốt, thế là A Nít bàn với các già kêu gọi cộng đồng đóng góp để mua gỗ làm nhà rông. Hơn 3 năm qua, kể từ ngày tôi cùng A Mang về gặp già A Prih, A Wet, A Vít  và được nghe họ quyết: phải tự mình lo lấy thôi, không chờ được nữa đâu… thì đến nay số gỗ mua được cũng đã gần đủ, tranh tre, nứa lá cũng đã sẵn sàng, chỉ đợi thêm thời gian chuẩn bị chút ít vật chất phục vụ ăn uống cho những người tham gia làm nhà rông nữa là được. 3 năm chắt chiu đóng góp của cả cộng đồng, đến giờ “trái tim” buôn Kon Hring vẫn chưa thành hình hài. Vì sao vậy A Nít, làm đi chứ còn để kịp đón lễ hội mừng lúa mới sắp tới? Nghe tôi giục, A Nít lắc đầu: “Không dễ đâu anh ạ, làm cái nhà rông có khi mất cả 2-3 tháng trời, chi phí cho việc ăn uống, công sá, đi lại… của cả mấy chục con người không phải là ít. Phải chờ để tiếp tục đóng góp thêm mới làm được”. Hóa ra là thế, hành trình để làm lại ngôi nhà rông cho buôn Kon Hring này thật quá đỗi nhọc nhằn. Trong sự nhọc nhằn ấy, tôi đã nhận ra không phải họ thiếu quyết tâm, mà cộng đồng người Sê đăng ở đây thiếu sự đồng cảm và chia sẻ từ nhiều phía. Trưởng buôn A Nít thâm trầm: “Ngày xưa làm cái nhà rông chẳng có gì phức tạp cả, vào rừng lấy ít gỗ, mây tre về rồi chọn ngày dựng lên. Sao bây giờ khó quá, rừng thì bị cấm, cái gì cũng phải mua vài chục cây gỗ tạp mà phải mất mấy năm hỏi thăm, tìm kiếm mới mua lại được dưới hình thức gỗ tận dụng khiến A Nít và nhiều người khác không khỏi cảm thấy nhọc lòng. Về báo cáo, hỏi han lại các già nhiều lần cũng làm họ buồn lây. Chả trách gì mà già A Prih chỉ im lặng khi tôi hỏi han về việc ấy, chắc là ông vẫn còn trắc ẩn với con cháu trước nỗi nhọc nhằn đó…

Múa hát quanh nhà rông trong Lễ hội mừng mùa.
Múa hát quanh nhà rông trong Lễ hội mừng mùa.

Nhưng thôi, có lẽ trong nay mai, ngôi nhà rông của buôn Kon Hring sẽ được dựng lên sau bao nỗi buồn khó nói - tôi động viên A Nít rồi hỏi – vậy lễ hội sắp tới tổ chức ở đâu? - Thì ở Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng chứ ở đâu nữa - Trả lời tôi với tinh thần không lấy gì làm hào hứng, A Nít như muốn giãi bày thêm: Từ ngày cái nhà rông của buôn sụm xuống vào cuối năm 2001, lễ hội trở nên thưa thớt và nhạt nhòa đi. Mỗi lần ngành văn hóa huyện vận động, khuyến khích buôn Kon Hring mở lễ hội tại Nhà văn hóa cộng đồng, bà con có cảm giác như bị ép buộc vậy, chẳng rộn rã và phấn khởi như hồi còn cái nhà rông uy nghi mà thân thiết ngay giữa buôn làng. Lần này tổ chức lễ hội mừng lúa mới cũng thế, dù thời gian đã cận kề nhưng người dân Kon Hring vẫn cứ như không, cái sự rậm rịch, thúc giục mọi thành viên người Sê đăng ở đây hướng về hoạt động văn hóa thấm đẫm tính nhân văn, cộng đồng và cộng cảm vốn có… dường như đã biến mất. Lời A Nít quả đúng, mở lễ hội mà không có nhà rông - trái tim của làng thì làm sao “thiêng” được, mọi ước vọng của cộng đồng không thể thông đạt đến với Yàng và các thần linh. Chỉ có nhà rông mới thực sự nâng đỡ và chắp cánh cho ý nguyện ấy. Bởi chỉ có ở nhà rông người ta mới treo trống to, trống nhỏ và trên thân cột to ở góc nhà thường đặt một báu vật do ông bà, tổ tiên để lại gọi là Yang rông - vị thần bản mệnh của cả làng. Khi mở lễ hội, dù to hay nhỏ đều có nghi thức lấy máu con vật hiến tế hòa vào rượu để tắm rửa cho Yang rông để được Yàng và thần linh che chở, phù hộ cho dân làng.

Vậy đó, bây giờ không có nhà rông, lễ hội được tổ chức tại Nhà văn hóa cộng đồng ở ngay đầu lối vào buôn. Tôi biết công trình này được Nhà nước đầu tư xây dựng với kinh phí trên cả trăm triệu đồng từ gần 10 năm nay. Tường nhà xây kín mít, mái lợp tôn đỏ và sàn đổ bê tông kiên cố… trông nặng nề và lạc lõng đến tội nghiệp. Bởi chẳng ai vào đó để làm gì (trừ hội họp), người dân buôn Kon Hring chỉ thương nhớ ngôi nhà rông của mình.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.