Ấm áp miền Xoan
Có ai về Đất Tổ một lần mà không lắng tâm hồn mình để nghe một vài câu hát Xoan mê đắm lòng người, không dừng lại nơi vùng ven TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) để chiêm ngưỡng di sản văn hóa nhân loại đang được những “pho cổ tích sống” truyền lại cho con cháu. Nơi miền Xoan này, câu hát Xoan hát Ghẹo đã in sâu trong tiềm thức của bao người dân từ ngàn đời nay…
Tôi có may mắn được sinh ra và lớn lên ở vùng quê trung du Phú Thọ - miền quê của truyền thuyết, của huyền thoại về cội nguồn Đất Tổ. Ngay từ những ngày còn thơ bé, còn ngồi vắt vẻo trên lưng trâu để thổi sáo mỗi buổi chiều về, hay tựa gối bà mỗi trưa hè, tôi được nghe bà kể câu chuyện về những làn điệu quê hương. Bà bảo, hát Xoan, hát Ghẹo rồi thơ Bút Tre, chuyện cười Văn Lang là những “đặc sản” tinh thần của làng quê tôi từ bao đời nay. Những “nghệ sĩ nông dân” từ trong cuộc sống lao động bình dị và vất vả đã sáng tạo ra những câu ca, những làn điệu làm say đắm lòng người.
Hát Xoan Phú Thọ - di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ. Ảnh: T.L |
Tương truyền hát Xoan có từ thời các vua Hùng. Khi ấy, giữa vua và chúng dân không phân biệt khoảng cách nên sống gần gũi, chan hòa. Vua đi thăm đồng ruộng, đi về nơi dân ở để xem người dân sinh sống ra sao và người dân hát cho vua nghe những lời ca dân dã… Rồi từ đó, câu chuyện của những làn điệu Xoan được hình thành, truyền đời cho đến hôm nay. Phải chăng thế mà nhiều lời hát Xoan gắn liền với những truyền thuyết và huyền tích thời Hùng Vương. Chỉ là những câu hát đồng quê được người dân hát cho vua nghe cho đỡ mệt lúc nghỉ chân, vậy mà những ca từ bình dị ấy đã có sức sống bền bỉ. Để rồi theo thời gian, hát Xoan đã trở thành một lối hát không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa của cư dân vùng Đất Tổ.
Vào những dịp lễ hội, Tết Nguyên đán hay giỗ Tổ Hùng Vương, người dân quanh vùng thường tập trung đông đủ ở đình làng và trong những lễ hội ấy không thể thiếu những câu hát Xoan. Đã từng có một thời gian hát Xoan dường như chỉ được hát lên và lưu giữ nhờ những nghệ nhân cao tuổi trong làng. Hiện nay hát Xoan chỉ tập trung ở một số làng thuộc tỉnh Phú Thọ như: An Thái, Kim Đức, Phượng Lâu (TP. Việt Trì) và một số vùng ven như: Tây Cốc (Đoan Hùng), Hương Nộn (Tam Nông), Cao Mại (Lâm Thao)… Trong nhiều năm, câu Xoan dường như chỉ được hát lên và lưu giữ nhờ những nghệ nhân Xoan cao tuổi. Người dân trong vùng vẫn còn nhớ tên các cụ: Nguyễn Thị Quy, Nguyễn Thị Đá, Nguyễn Thị Sung, Bùi Thị Ý… là những nghệ nhân đầy tâm huyết với lối hát Xoan.
Ngày nay, hát Xoan được lưu giữ không chỉ ở người già mà thế hệ sau này cũng say mê với làn điệu quê hương. Một trong những người có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ làn điệu hát Xoan là bà Nguyễn Thị Lịch - nghệ nhân của làng Xoan An Thái. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Việt Trì, 12 tuổi bà đã biết hát Xoan. Năm nay bà Lịch đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn ngày ngày tham gia câu lạc bộ, rồi mở lớp dạy hát Xoan cho thế hệ trẻ. Đội hát Xoan của làng An Thái do bà phụ trách đã tham gia dự thi, đi biểu diễn nhiều nơi và được nhiều người biết đến. Người ta vẫn gọi bà Lịch và những nghệ nhân trong làng Xoan là những “trùm Xoan” bởi họ chính là những người tâm huyết và bỏ công sức lưu giữ và truyền lại những câu Xoan của quê hương mình.
Hát Xoan có không gian diễn xướng hết sức gần gũi, bình dị. Có thể là không gian gốc đa, sân đình - nơi người dân thường tụ họp vào dịp lễ hội, có thể là bờ tre, ruộng lúa - nơi gắn liền với công việc thường ngày của người dân… Có lẽ cũng chính vì thế, giai điệu của lời hát Xoan hết sức mộc mạc, giản dị và dễ thể hiện. Các nghệ nhân biểu diễn hát Xoan chỉ cần một chiếc trống nhỏ, hai mặt bịt da và đôi ba cặp phách tre. Ngoài ra còn kèm theo các đạo cụ như quạt giấy, phách tre, hồ lô rượu, trống cái, đĩa trầu têm cánh phượng cùng trang phục áo nâu, khăn mỏ quạ (đối với nữ), áo bà ba trắng, khăn chít (đối với nam). Thông thường hát Xoan thường gồm tốp nam và tốp nữ đứng thành hai hàng song song để vừa hát đối vừa thể hiện sự giao duyên.
Lắng lòng trong những câu Xoan để tâm hồn rộn rã, gần gũi và được sống trong không khí thanh bình, tình tứ và đậm chất quê nơi miền thôn dã: “Ừ a……/Ba mươi cá đi ăn sao/ Mùng một cá ở sông Thao cá về/ Mùng hai cá đi ăn thề/ Mùng 3 cá về cá vượt vũ môn/ Làm trai lấy được vợ khôn/ Khác nào cá vượt vũ môn hóa rồng…” (Mó cá) hay “Tềnh là tềnh tang tềnh là tang tềnh/ Trồng bông ta luống a đậu, luống đậu, luống ơ cà/ Ai làm cho luống công ơ ta thế nà/ Chứ đường ai làm, ai làm cho luống/ Rằng ở công đây, ở đây, ở rằng công đây, ở rằng công đây”. Hẳn những người lần đầu nghe những câu hát Xoan vùng Phú Thọ đều cảm nhận được lời ca tuy mộc mạc, gần gũi nhưng vẫn thấy mê đắm và khó quên, muốn nghe lại nhiều lần nữa. Còn người nghe rồi thì muốn nghe lại thêm nữa vì không hiểu sao câu Xoan cứ da diết trong tâm hồn…
Về Việt Trì hôm nay, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh dưới sân đình, sân đền, những “trùm Xoan” của các phường Xoan đang mải miết truyền dạy cho thế hệ trẻ những câu Xoan của quê mình. Và cả những nhà trường quanh vùng Việt Trì cũng đã đưa câu hát Xoan vào trong chương trình ngoại khóa cho học sinh… Thế mới biết, những câu Xoan mộc mạc, gần gũi kia quý giá nhường nào và đang được từng người dân quê nơi Đất Tổ ngày ngày gìn giữ và truyền lại tài sản vô giá này cho thế hệ mai sau.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc