Multimedia Đọc Báo in

Di tích và nỗi lo "trắng" hiện vật

13:21, 22/02/2014

Di tích lịch sử mà không có hiện vật trưng bày, giới thiệu thì hẳn nhiên không ai đến đó làm gì. Nhiều người làm công tác quản lý di tích ở Dak Lak nhìn nhận như vậy và cho rằng: khoan nói đến việc phát huy giá trị của nó để tăng nguồn thu cho địa phương, mà vấn đề quan trọng hơn là có một số di tích đang rơi vào tình trạng “trắng” hiện vật, dẫn đến nguy cơ… đóng cửa.

Đóng cửa di tích để sưu tầm hiện vật

Thực trạng này đang rơi vào khu di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại (số 4 Nguyễn Du-TP Buôn Ma Thuột). Chị Kpă Nga - Trưởng phòng phát huy giá trị di tích (Trung tâm quản lý di tích - Sở VH-TT-DL) cho hay: Kể từ khi Bảo tàng Dak Lak hoàn thành và mở cửa đón khách vào đầu tháng 11-2011 đến nay, khu di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại cũng đóng cửa theo, vì hầu hết các hiện vật trưng bày ở đây (chủ yếu là chuyên ngành Dân tộc học) phải chuyển sang Bảo tàng tỉnh để phục vụ người xem. Biệt điện Bảo Đại trở nên trống trơn và cho dù ngành văn hóa có nỗ lực trùng tu, tôn tạo lại đàng hoàng đến mấy cũng không thể mở cửa trở lại đón khách, do “trong ruột” của di tích vẫn không có gì đáng kể.

Biệt điện Bảo Đại đóng cửa gần ba năm nay để chờ hiện vật trưng bày.
Biệt điện Bảo Đại đóng cửa gần ba năm nay để chờ hiện vật trưng bày.

Gần ba năm trôi qua, những hiện vật liên quan đến ông vua cuối cùng của Triều Nguyễn mà đơn vị quản lý di tích này tìm kiếm, phục dựng được chỉ có một bộ bàn ghế tiếp khách của Bảo Đại đã sử dụng từ năm 1949-1954. Còn lại mọi vật dụng sinh hoạt, cũng như các hiện vật thu được sau những cuộc tuần du, săn bắn như ngà voi, gạc nai, đầu bò, da thú… thì nói như chị Kpă Nga là không thể (và không bao giờ) tìm lại hoặc phục dựng được! Bởi theo Trung tâm quản lý di tích, kinh phí để làm việc này là vô cùng lớn, trong khi ngân sách của tỉnh rót về hàng năm phục vụ cho công tác nghiên cứu, sưu tầm hiện vật tại các di tích lịch sử trên địa bàn Dak Lak quá khiêm tốn, vì thế đành “lực bất tòng tâm”. Ví như từ năm 2011 đến nay, kinh phí được cấp cho Trung tâm quản lý di tích tỉnh để phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng các hiện vật tại khu di tích Biệt điện Bảo Đại chưa tới 400 triệu đồng. Với số tiền này, nói như bà Nguyễn Thị Dệt - Phó giám đốc Trung tâm quản lý di tích: “Chỉ đủ dựng được bộ bàn ghế làm việc và tiếp khách của ông Hoàng Bảo Đại ngày xưa”. Còn những thứ khác, dù chỉ là mô phỏng hay phục dựng những hiện vật liên quan đến cuộc sống của ông cựu Hoàng này gắn với giai đoạn lịch sử của vùng đất “Hoàng triều cương thổ” đầy biến động thời thuộc Pháp thì quả là chuyện bất khả thi.

Tương tự, di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột và đồn điền CADA (huyện Krông Pak) cũng thế, những hiện vật lịch sử có được ở đây còn rất ít ỏi, chỉ có một vài văn bản sự vụ, tư liệu và hình ảnh được sưu tầm hoặc mua lại từ Trung tâm lưu trữ quốc gia. Vì vậy, chị Nguyễn Thị Thùy Dương - cán bộ quản lý kiêm hướng dẫn viên tại các di tích trên cho rằng: việc thuyết minh, giới thiệu với du khách đến tham quan và tìm hiểu về phong trào đấu tranh cách mạng của những cựu tù chính trị và công nhân ở đây giai đoạn tiền khởi nghĩa 1945 còn đơn điệu và nhàm chán, khiến giá trị lịch sử của di tích trở nên phai nhạt và ít để lại ấn tượng trong lòng mọi người.

Tránh đầu tư chia đều theo kiểu “xin – cho”

Nhiều người cho rằng những di tích lịch sử trên có quá ít hiện vật giá trị và đáng kể để tôn tạo, nâng tầm di tích lên. Được biết Biệt điện Bảo Đại, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Đồn điền CADA đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia gần mười năm nay. Và để có được danh hiệu ấy, không biết bao nhiêu tâm sức và thời gian của nhiều cơ quan, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong và ngoài tỉnh nhằm biến các giá trị đáng trân quí ấy thành nguồn lực thật sự phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, vậy mà ý nguyện ấy vẫn chưa thành hiện thực vì lý do thiếu kinh phí (!?)

Ông Y Ben - Giám đốc Trung tâm quản lý di tích tỉnh giãi bày: từ khi đơn vị được thành lập vào đầu năm 2009 thành cơ quan chuyên biệt để tham mưu cho Sở VH-TT-DL về các vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn, bảo tàng thì việc “chăm chút” đến các di tích có chuyển biến tích cực. Theo đó, kinh phí cũng được bố trí kịp thời và ưu ái hơn, nhưng so với yêu cầu thực tế thì vẫn không thể đáp ứng được. Mỗi năm vài trăm triệu đồng cho việc bảo tồn và phát huy 4 di tích lịch sử do đơn vị quản lý (Biệt điện Bảo Đại, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Đồn điền CADA và Đình Lạc Giao) thì chẳng khác gì “muối bỏ biển”. Số kinh phí ấy chỉ đủ cho việc “bảo tồn” mà thôi, còn “phát huy” di tích với đầy đủ ý nghĩa và chuẩn mực đặt ra thì chưa thể… Do vậy, thẳng thắn nhìn nhận thì các di tích lịch sử được công nhận trên địa bàn Dak Lak nói chung, đặc biệt là các di tích được xếp hạng cấp quốc gia chỉ giữ lại được “phần xác” mà thôi, còn “phần hồn”- yếu tố quan trọng và quyết định giá trị và chất lượng của di tích vẫn còn là khoảng trống. Để khắc phục vấn đề này, nhiều người trong ngành bảo tồn, bảo tàng ở Dak Lak đề xuất: chính quyền địa phương cần quan tâm nguồn lực đầu tư một cách tập trung hơn cho từng dự án trùng tu, tôn tạo mỗi di tích, không nên dàn trải, chia đều theo kiểu “xin-cho”, theo kiểu nơi nào cũng được hưởng một chút từ nhiều nguồn kinh phí của Trung ương lẫn địa phương. Hy vọng đây cũng là một trong những giải pháp tích cực góp phần cùng với nhiều sự “trợ lực” khác từ trong nước và quốc tế thông qua các chương trình, dự án hợp tác và phát triển văn hóa trên nhiều lĩnh vực, bình diện đời sống xã hội đương đại nhằm làm “sống lại” những di tích lịch sử thật sự có giá trị trên vùng đất cao nguyên đầy bản sắc và giàu truyền thống này.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc