Tinh thần thượng võ ngày Xuân
Đã thành thông lệ, vào dịp đầu Xuân mới trên địa bàn tỉnh lại diễn ra nhiều lễ hội truyền thống mang bản sắc độc đáo của những người dân ở nhiều vùng quê đến lập nghiệp ở vùng đất này.
Những lễ hội đầu Xuân là dịp thể hiện rõ tinh thần thượng võ của dân tộc. Ở nước ta các trò chơi dân gian trong ngày Tết cổ truyền rất phong phú, hấp dẫn và sôi động như: vật cổ truyền, đua thuyền, đấu võ, ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo, kéo co… Mỗi môn đều có thể thức thi đấu, kỹ năng, kỹ thuật riêng nhưng nói chung đều cần đến sức mạnh thể chất, có sự ganh đua, có người thắng, kẻ thua. Tuy nhiên, ở những trò chơi vào dịp đầu Xuân, các vận động viên tham gia tranh tài không đặt nặng vấn đề thành tích, dù người chiến thắng hay kẻ thua đều thấy vui vẻ, chan hòa với không khí vui chung của ngày hội.
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên Hồ Sen (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana). |
Hằng năm cứ đến ngày mùng 4 Tết Nguyên đán, trên Hồ Sen (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) lại diễn ra ngày hội đua thuyền truyền thống. Phần lớn cư dân của huyện Krông Ana là đồng bào Quảng Nam đi xây dựng kinh tế mới. Cùng với tên làng, tên xã, đồng bào còn mang theo những sinh hoạt văn hóa độc đáo của quê hương, trong đó có giải đua thuyền truyền thống nhằm giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa, nêu cao tinh thần thượng võ, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu; tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Lễ hội đua thuyền đã thu hút hàng nghìn người dân trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận “đổ” về cổ vũ cho các đội. Khán giả mỗi lúc một đông, chen chân như nêm ở khu vực xung quanh bờ hồ, những tràng pháo tay vang lên không ngớt cùng tiếng hò reo cổ vũ náo nhiệt trên bờ khiến giải đua càng lúc càng hấp dẫn. Ở dưới đường đua xanh, các tay chèo phần lớn được tuyển chọn từ những trai làng có sức khỏe, chắc tay chèo đều nhịp đồng thanh hô: “một - hai - ba… chèo… một - hai - ba… chèo…”. Mái chèo liên tục đều nhịp khiến chiếc thuyền đua “xé nước” như bay. Khi các thuyền chèo đến khu vực góc cua (có 1 phao tiêu cắm nổi trên mặt nước) đều xoay vòng rất nhanh để tiếp tục vòng đua khác. Trong đua thuyền, việc các thuyền có vượt lên bứt phá hay không thì khâu xoay vòng thuyền đua ở khúc cua được xem là quan trọng nhất. Kết thúc cuộc đua, dù thắng hay thua trên gương mặt các tay chèo đều rạng rỡ nụ cười, sau đó họ trở về làng trong sự đón tiếp nồng hậu của người dân.
Hội vật truyền thống tại xã Vụ Bổn (huyện Krông Pak). |
Chia tay với không khí náo nhiệt trên “đường đua xanh”, chúng ta đến với Hội vật dân gian truyền thống do những người con xứ Kinh Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang) mang đến vùng đất Vụ Bổn, huyện Krông Pak từ cách đây 20 năm. Hằng năm vào dịp Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) người dân nơi đây lại nô nức trẩy hội, cổ vũ cho các đô vật từ nhiều địa phương đến tranh tài. Các đô vật thường cởi trần, đóng khố, thắt dây đai xanh, đỏ đứng sẵn 2 bên sới vật, khi nghe trống lệnh nổi lên thì cùng nhau thể hiện màn se đài. Se đài là nghi lễ đầu tiên của các đô vật, vừa là một hình thức khởi động, vừa để trình diễn, khoe cơ bắp, độ dẻo dai của mình với đối thủ và khán giả, tạo không khí hào hứng lành mạnh trước khi bước vào cuộc so tài thật sự. Khi trọng tài đánh 3 hồi trống nữa, các đô vật bắt đầu giao đấu. Vật dân tộc không tính thắng thua bằng cách tính điểm như các môn vật khác, mà đô vật bị thua sẽ là người bị nhấc bổng hai chân lên trời hoặc bị vật cho "lấm lưng trắng bụng”. Đô vật không chỉ cần có sức khỏe để chiến thắng đối phương, mà còn cần phải có sự nhanh nhẹn, chính xác, miếng đánh đa dạng. Các miếng đánh cũng có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận trên cơ thể. Đặc biệt, nhằm đề cao tinh thần thượng võ, trong khi thi đấu các đô vật không được sử dụng các đòn đánh hiểm như bẻ, vặn, khóa trái khớp, tấn công bằng đầu, bấm các huyệt, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt… Nếu đô vật nào phạm luật sẽ bị trọng tài cho ngừng cuộc chơi và loại ra khỏi sới vật. Tại Hội vật, bất kỳ người dân nào cũng có thể tham gia tại chỗ mà không cần đăng ký trước miễn là bảo đảm sức khỏe và hiểu luật. Giải vật có nhiều cơ cấu giải như giải phụ và giải chính. Những giải phụ gọi là “lèo thường”. Cứ hai đấu thủ vật nhau, người nào thắng đều được nhận giải. Những giải chính (còn gọi là “đầu lèo”) đều có người giữ giải, tùy theo giải nhất, giải nhì, giải ba… phải giữ cho hết thời gian mở hội. Nếu không có đấu thủ nào thắng được người giữ giải, lúc đó người giữ giải mới được lĩnh thưởng. Nếu có nhiều người phá giải, người giữ giải nhất, nhì hoặc ba sau khi vật thắng một số đấu thủ, tùy theo mỗi giải sẽ được tuyên bố thắng giải. Người giữ nhất cần phải vật được ít nhất 6 đấu thủ khác. Giải nhì phải vật thắng được 5 đấu thủ, giải ba phải vật được 4 đấu thủ. Người phá giải, sau khi đã vật thắng được người giữ giải, không phải là được giải ngay mà còn phải vật ngã thêm một số đấu thủ khác…
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng phòng Nghiệp vụ TDTT (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết: Những lễ hội này ban đầu chỉ mang tính tự phát nhưng nay đã được phục hồi, nâng cấp thành giải thi đấu thể thao cấp tỉnh. Đây không chỉ là những môn thể thao giải trí đơn thuần nhằm rèn luyện thân thể mà còn trở thành một hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng rộng rãi và được gìn giữ như một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân mỗi dịp Tết đến, Xuân về...
Nguyễn Thế
Ý kiến bạn đọc