Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo trang phục M'nông

10:10, 09/03/2014
Người M’nông gồm nhiều nhóm địa phương khác nhau, cư trú trên địa bàn rộng lớn gồm các tỉnh nam Tây Nguyên như Dak Lak, Dak Nông, Lâm Đồng... Nét độc đáo nhất của trang phục, trang sức M’nông là còn bảo lưu được dấu ấn văn hóa Đông Sơn.
 
Nói đến trang phục M’nông đầu tiên phải kể đến chiếc khố và tấm áo choàng quấn đặc trưng. Khố có ba loại: khố trắng, khố đen, khố hoa. Riêng khố trắng có 2 loại: khố dệt bằng sợi vỏ cây, gọi là  troi djăr, khố dệt bằng chỉ trắng, gọi là  troi bok, chiếc khố này chỉ dài từ một đến hai vòng lưng, người nghèo chỉ mặc khố này. Khố đen dệt bằng chỉ màu đen, có dệt hoa văn ở hai đầu khố, cuối đầu khố se thành chùm sợi, chiếc khố này dài từ 3 đến 5 vòng lưng, người bình thường chỉ quấn loại khố này. Khố hoa dệt bằng chỉ đen, hai đầu có dệt hoa văn, phía cuối hai đầu khố có kết hoa bạc hoặc đồng, hay hạt cườm màu ngũ sắc, chiếc khố này gọi là  troi nhong, dài từ 5 đến 7 vòng lưng. Người giàu sang mới quấn loại khố này. Ở các đuôi khố còn treo nhiều chiếc lục lạc nhỏ gọi là  rlêm và vài chiếc lục lạc to gọi là  ryu. Khi người mặc khố bước đi, hai đuôi khố đưa qua đưa lại, những chiếc lục lạc to nhỏ chạm vào nhau hòa nhạc vang lên, chim chóc và thú rừng nghe tiếng nhạc lục lạc hoảng sợ bỏ chạy. Do đó, người đi đường một mình mà quấn chiếc khố này không sợ cọp beo và thú dữ chặn đường. Quấn chiếc khố này khi đi dự lễ hội được mọi người kính trọng và mến phục, làm rạng rỡ, nở mặt nở mày cho vợ con. Người đàn ông nào mà quấn khố hoa, thiên hạ ai ai cũng khen vợ nhà biết dệt biết thêu, khéo tay kết những hạt cườm thành hoa. Người M’nông Gar còn  có loại khố nghi lễ quý hiếm được trang trí bằng hạt ý dĩ được mặc trong những nghi lễ quan trọng và loại khố ngắn, có chiều ngang rất hẹp gọi là  suu ntêeng, được treo trên cột lễ hiến sinh, dệt bằng sợi bông, hoa văn dệt bằng các sợi bổ sung, sợi ngang se săn và chạy suốt chiều rộng của khổ vải.
Vòng ống chân của cụ bà M'nông.
Vòng ống chân của cụ bà M'nông.

Chiếc áo choàng quấn hình chữ X của đồng bào gọi là áo r’hăp, được làm bằng vải hoặc bằng chăn. Áo r’hăp chỉ cần xếp chăn, vải thành vài ba lớp theo chiều dài, sau đó choàng từ sau lưng qua lồng ngực, đưa lên hai vai hai mối chăn, vải rồi nhét sau lưng. Cách choàng quấn áo như vậy gọi là r’hăp. Người ta choàng tấm áo này khi đi dự lễ hội hoặc lúc đi họp để bàn bạc hoặc đấu tranh vụ việc gì. Khi đi đánh nhau cũng cần r’hăp, vì nơi lồng ngực có nhiều lớp vải, chăn che chắn. Khi địch thủ bắn ná hoặc phóng lao, lồng ngực và quả tim đã được bảo vệ bằng nhiều lớp vải. Nếu mũi tên và lưỡi lao của kẻ thù có trúng ngay lồng ngực cũng không vào đến quả tim được. Người mặc r’hăp njuh cũng tăng vẻ oai hùng khiến mọi người kính trọng, khiến đối thủ khiếp sợ. Trang phục r’hăp njuh chỉ phù hợp với các chủ làng hoặc các già làng, tộc trưởng, còn những cụ già bình thường và những thanh niên trẻ tuổi mặc trang phục r’hăp không phù hợp, trừ những thanh niên có uy tín, ăn nói lưu loát, có uy tín với bon làng, được bon làng tôn vinh, thay mặt bon làng đứng ra đấu tranh và giải quyết vụ việc gì, lúc đó người thanh niên đó mới được mặc trang phục r’hăp njuh.

Ngày xưa, phụ nữ M’nông để ngực trần, nửa phần dưới mặc váy. Có hai loại váy: váy dệt bằng sợi vỏ cây gọi là nah djăr, váy dệt bằng chỉ bông vải gọi là nah rnỗ. Tấm váy dệt có thêu hoa văn gọi là nah nrang. Phụ nữ mặc váy từ rốn xuống đến phía dưới đầu gối vừa giáp vòng chân chứ không che lấp vòng chân. Người nào không đeo vòng chân thì mặc váy xuống đến đến gót chân. Để giữ váy cho chặt, nơi lưng váy có buộc dây lưng, dây lưng của phụ nữ thắt bằng dây lạc hoặc dây đồng, có treo những lục lạc nhỏ quanh háng xen kẽ với những bông hoa bằng bạc.

Trang phục, đồ trang sức và đầu tóc chính là những yếu tố hợp thành trang phục truyền thống của người M’nông. Món trang sức không thể thiếu của đàn ông được làm bằng chỉ để buộc trên núm tóc. Người ta dùng chỉ len đỏ dài độ một gang tay xếp làm đôi, kết nhiều núm chỉ đỏ, chỉ trắng thành một xâu gọi là nka sut. Trên đầu quấn tấm vải đen gọi là rbay. Gia đình nào có con trai cũng phải mua sắm cho chồng và con trai mình một chiếc rbay để quấn đầu cho nở mặt nở mày với bon làng, nhất là trong những ngày lễ hội. Phía dưới rbay còn cài thêm hạt cườm màu kết trên miếng vải dệt hoa. Xâu cườm hoa này gọi là ntêng, một chiếc ntêng trị giá 1 con lợn mẹ. Chỉ những người chủ làng và các già làng, các tộc trưởng mới cần quấn ntêng cho oai, nếu không có cũng được. Người ta bới tóc cài hoa khi nào có lễ hội hoặc khi dự họp bàn. Những ngày bình thường và lúc đi lao động người ta chỉ quấn tóc bằng cái lược sừng trâu có mạ chỉ hoặc mạ bạc.

Nữ trang đeo tai của phụ nữ gồm có: bông đeo tai bằng gỗ (mlo tôr si), bông đeo tai bằng ống tre nứa cắt ngắn (mlo tôr nkar), bông đeo tai bằng ngà voi (mlo tôr la), bông đeo tai làm bằng bạc hoặc bằng chì (nrăk păch pêl), hoa tai thắt bằng đồng hoặc vàng (păch pêl). Vòng đeo tai khá rộng, phía dưới treo một đôi hoa bằng đồng hoặc bằng vàng bạc và dưới cùng treo vài chiếc lục lạc nhỏ. Khi đầu cử động, nhạc lục lạc vang theo. Khi ngẩng đầu lên những xâu lục lạc sà xuống chạm hai bên vú. Lối phục sức này ta thường gọi là tục “căng tai”.

Đặc biệt nhất là hai ống chân của phụ nữ đeo hai chiếc vòng xoắn quấn bằng dây đồng từ mắt cá chân lên đến đầu gối, phía trên có đeo thêm mỗi bên một chiếc vòng. Khi đi chiếc vòng chạm vào nhau kêu thành tiếng nhạc leng keng. Tay phụ nữ không đeo vòng dài, chỉ đeo những vòng chiếc từ một cái cho đến nhiều chiếc tùy ý thích của từng người. Chiếc vòng tay của phụ nữ lấy ra dễ dàng, muốn đeo hoặc tháo lúc nào cũng được. Ngón tay của phụ nữ không đeo mriăt, chỉ đeo đôi ba chiếc nhẫn bằng bạc, bằng đồng hoặc bằng sừng trâu, ngà voi.

Trang phục M’nông là nét độc đáo thể hiện bản sắc tộc người. Trong kho tàng “lời nói vần”, đồng bào có nhiều câu ca, tục ngữ nói về cách ăn mặc, phục sức của mình. Ngày nay, nghề dệt bị thất truyền,  trang phục truyền thống của người M’nông bị mai một nhiều. Một số vùng, đồng bào ăn mặc giống người Mạ, người Êđê. Lối phục sức cổ xưa như “căng tai”, vòng ống chân, vòng ống tay... không còn xuất hiện nữa, thay vào đó là các loại hình trang sức như hạt cườm, vòng bạc, vòng tay, trâm, khuyên tai nhỏ, trang sức trên tóc, trên cổ bằng các loại chỉ màu (brai)...để trai gái M’nông làm đẹp trong ngày hội bon làng.                             

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc