Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội không chỉ phục vụ cho nhà báo, nghệ sĩ

12:41, 15/03/2014
Những năm gần đây Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc ở Buôn Đôn đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan thông tấn báo chí, bởi đây là vùng đất cho đến nay vẫn bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa.
Mặt khác, Buôn Đôn còn là vùng đất được mệnh danh là xứ sở của voi. Từ xa xưa, người dân nơi đây đã nổi tiếng khu vực Đông Nam Á với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Vì vậy, Lễ hội Voi đã tạo nên nét độc đáo riêng trong Lễ hội Văn hóa truyền thống ở Việt Nam. Riêng tại Hội Voi Dak Lak và Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2014 (diễn ra từ ngày 12 đến 14-3) đã có hơn 200 phóng viên, nhiếp ảnh gia trong và ngoài tỉnh đã đến Buôn Đôn để đưa tin. Bên cạnh lực lượng phóng viên thường trú tại Dak Lak, nhiều cơ quan thông tấn lớn đã cử phóng viên từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đến Buôn Đôn để thông tin về sự kiện này.
Các nghệ nhân làm lễ cúng bến nước  trong “vòng vây” của các tay máy.
Các nghệ nhân làm lễ cúng bến nước trong “vòng vây” của các tay máy.

Sự quan tâm của các cơ quan thông tấn báo chí là điều vô cùng đáng quý, góp phần mang lại thành công cho lễ hội. Tuy nhiên sự nhiệt tình trong việc tác nghiệp của các phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự kiện này. Chẳng hạn tại sự kiện Cúng bến nước diễn ra vào chiều 12-3. Đây là một trong những phong tục đẹp, mang đậm giá trị văn hóa truyền thống và là một trong những phong tục có ý nghĩa tâm linh quan trọng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Trong đó không gian linh thiêng phục vụ cho việc cúng bến nước là một phần quan trọng không thể thiếu để sự kiện diễn ra thành công, đúng với ước nguyện tốt đẹp của đồng bào. Có thể thấy ban tổ chức Lễ cúng bến nước tại Buôn Đôn cũng đã nỗ lực chuẩn bị để sự kiện này diễn ra đúng với truyền thống. Một khoảng sân rộng, thoáng đãng được xây dựng gần bến nước để thực hiện các nghi lễ truyền thống. Thế nhưng ngay khi Lễ cúng bến nước diễn ra, hàng trăm phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh đã tràn vào khoảng sân này để... chụp ảnh. Thầy cúng tế, các nghệ nhân thực hiện lễ cúng phải chen chúc trong “vòng vây” của các ống kính. Trong khi đó người dân địa phương thì đứng dạt hẳn ra ngoài, tìm những gốc cây có bóng mát để chứng kiến...từ xa. Tất cả đã khiến cho buổi lễ diễn ra vô cùng ngột ngạt, lộn xộn. Chứng kiến cảnh tượng trên, nghệ sĩ nhiếp ảnh Xuân Chiến phải ngao ngán thốt lên: Thế này thì còn gì là lễ cúng của đồng bào nữa!

Thiết nghĩ Lễ cúng bến nước trước hết là phục vụ cho mục đích tâm linh của đồng bào các dân tộc bản địa. Lễ cúng, nhân dân địa phương mới là chủ thể thực hiện và thụ hưởng lễ cúng. Các nhà báo, nghệ sĩ... chỉ là những người ghi nhận lại lễ cúng từ hình ảnh của mình. Đồng ý ai cũng muốn có ảnh đẹp, nhưng mong rằng các nhà báo, nghệ sĩ hãy tôn trọng lễ hội, tôn trọng người dân! 

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc