Dòng chảy thi ca về miền Đất Tổ
Có một dòng chảy thi ca về miền Đất Tổ, nơi cội nguồn của con Lạc cháu Hồng. Cảm hứng về miền truyền thuyết được khởi phát từ trái tim của những người con hướng lòng mình về Đất Tổ để tìm ở đó sức mạnh và niềm tin trên con đường phía trước. Mỗi dòng thơ là niềm vui, niềm tự hào, sự suy ngẫm và chiêm nghiệm về con người, về cuộc sống và mạch nguồn dân tộc chảy trong huyết quản mỗi người con đất Việt…
Đền Hùng - nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tác thi ca. |
Hình tượng Vua Hùng cùng biết bao truyền thuyết, huyền tích về thuở hồng hoang đã gợi cảm hứng dạt dào cho những sáng tác văn chương trong hàng chục năm qua. Trong niềm rưng rưng hướng về nguồn cội, những nhà thơ như Chế Lan Viên, Bằng Việt, Hữu Thỉnh, Nông Quốc Chấn, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Hưng Hải, Nông Thị Ngọc Hòa…đã có những vần thơ bằng cả trái tim và tấm lòng của những người con cúi đầu trước anh linh Đất Tổ. Những điều cắt nghĩa, suy nghiệm trong mỗi vần thơ về cội rễ dân tộc đã mang đến cho dòng chảy thi ca này một sắc thái nhuốm màu truyền thuyết và trang trọng.
Trong sự cảm nhận về hình tượng Đất nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm không cảm nhận bằng những gì lớn lao kỳ vĩ mà ông tìm về cội nguồn để cắt nghĩa, để giải thích về nguồn gốc của Đất nước:
Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
(Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm)
Đất nước vừa gần gũi, vừa thiêng liêng, vừa sâu lắng trong cảm xúc của mỗi người khi nghĩ về nguồn cội. Nguyễn Khoa Điềm đã tìm về thuở hồng hoang, nơi hội tụ của con Lạc, cháu Hồng, khi Mẹ Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng để hai chữ “đồng bào” được cất lên đầy thiêng liêng về tình máu mủ của những con người được sinh ra và lớn lên dưới mái nhà chung đất Việt.
Dựng lên hình tượng Vua Hùng trong hành trình đi tìm nơi đóng đô, Nguyễn Bùi Vợi không lý tưởng hóa những vị vua mà nhà thơ đã để hình ảnh nhà vua hòa vào không gian truyền thuyết, giữa những người dân để tìm ở đó sự gần gũi, hòa đồng vua tôi:
Đi qua xóm núi Thậm Thình
Bâng khuâng nhớ nước non hình nghìn năm
Vua Hùng một chuyến đi săn
Trưa tròn bóng nắng, nghỉ chân chốn này
Dân dâng một quả xôi đầy
Bánh chưng một cặp, bánh dày mấy đôi
(Qua Thậm Thình -
Nguyễn Bùi Vợi)
Cái đọng lại là nghĩa tình gắn bó keo sơn giữa vua - dân và những người cùng chung hai chữ “đồng bào”, nó vang lên cùng tiếng giã gạo, chan hòa vào cối gạo trắng đầy gợi tình nước non. Chính những điều đó đã làm nên sự trường tồn của bốn nghìn năm đất nước:
Nước bốn nghìn năm, nơi cổ sơ
Cỏ cây quen thuộc đến bây giờ
Nơi vua cày ruộng, quan trồng lúa
Công chúa làm nương và dệt tơ
(Một chiều thu trung du -
Vũ Quần Phương)
Không đi vào kể về truyền thuyết Lang Liêu, nhà thơ Hữu Thỉnh trong thơ của mình đã nhấn mạnh giá trị ngàn đời của bánh chưng, bánh dày và cây lúa nước trong đời sống văn hóa của cư dân:
Trăm thứ bánh biết làm nên thơm thảo
Trong mắt vua tôi vơi bớt màu rừng
Người yêu đất mình hơn vì đất sinh ra lúa
Lau sậy lùi xa, khi trâu lội xuống đồng
(Truyền thuyết về hạt giống -
Hữu Thỉnh)
Từ truyền thuyết và sự trường tồn của nét văn hóa nơi Đất Tổ, con người tìm thấy ở đó lẽ sống, lẽ phải và những bài học còn nguyên vẹn giá trị cho đến hôm nay:
Tôi thức ngủ giữa rất nhiều truyền thuyết
Trời đất vuông tròn như bánh dày bánh chưng
Bà tôi chỉ thích việc đời có hậu
Suốt đời muốn tôi tin chuyện Lang Liêu
Tôi mất nửa đời trả giá cho truyền thuyết
Miếng bánh còn nguyên ý nghĩa ngày xưa
(Bánh chưng bánh dày -
Bằng Việt)
Có nhiều người từng hỏi: Nơi bắt đầu của mọi điều trong cuộc sống này là ở đâu ? Đi tìm câu trả lời ấy cũng là hành trình về Đất Tổ để tìm thấy ngọn nguồn của mọi sự bắt đầu:
Ngã ba sông Hạc trắng về tụ hội
Dài rộng đất trời
Biển rộng, sông sâu !
Nơi bắt đầu của mọi bắt đầu
Bắt đầu của trời, bắt đầu của đất
Bắt đầu của tình yêu thứ nhất
Bắt đầu ngọn lửa viết tình ca
(Nơi bắt đầu - Vũ Thành Chung)
Nơi ngã ba sông nhuốm màu huyền thoại, nơi Hạc trắng vỗ cánh bay về chính là nơi trời đất giao hòa, nơi bắt đầu của tình yêu, của những khúc tình ca về đất nước. Nhà thơ Vũ Thành Chung đã thực sự trở về nguồn cội và tìm thấy ở đó những gốc rễ bền chặt cho sự “nảy mầm” của những điều thiêng liêng và tuyệt đẹp.
Trong những năm tháng đất nước có chiến tranh ác liệt, sống giữa bờ vực của sự sống và cái chết, mỗi con người Việt Nam đã đứng lên bảo vệ giang sơn bằng cả trái tim mình. Trong họ có một điểm tựa vững chãi đó là truyền thống bốn ngàn năm dựng nước mà cha ông đã tạo dựng trong lịch sử. Để hôm nay, họ tự hào về nguồn gốc của mình, để lắng nghe tiếng vọng về của cha ông:
Dân tộc ta là con chim Lạc ấy
Hai cánh thời gian đập sáng một con đường
(Chim Lạc bay - Phạm Tiến Duật)
Chính dòng máu chảy trong huyết quản mỗi con dân đất Việt đã soi đường cho bước đi, cho niềm tin và lẽ sống hướng về phía trước. Để đất nước của chúng ta từ ngàn xưa cho đến hôm nay, không kẻ thù nào có thể khuất phục, không một thứ vũ khí tối tân nào có thể hủy diệt :
Ôi Việt Nam, đất nước không gì không ai tiêu diệt nổi
Sau nghìn năm lửa đạn, lại Hùng Vương
(Sau nghìn năm lửa đạn lại Hùng Vương - Chế Lan Viên)
Sau bão giông, sau lửa đạn, ta vẫn là ta, đất nước của chúng ta vẫn mãi mãi trường tồn.
Ý thức được mình là con Lạc cháu Hồng, cần phải làm gì để làm giàu đẹp cho đất nước, cho giống nòi, hơn ai hết, những con dân đất Việt biết mình phải đi đến những chân trời để kiếm tìm hạnh phúc, để hòa mình vào đất nước đẹp tươi:
Ý thức ta là con chim Lạc
Không thể không bay đi tìm kiếm những chân trời
Không thể không trở về chỗ cây chò từng che cho tiếng khóc chào đời
(Nghĩa Lĩnh lúc không giờ - Nguyễn Hưng Hải)
Dù ở phương trời nào, những người dân đất Việt vẫn không quên nguồn cội của mình, nơi hồn thiêng dân tộc, nơi con người cất tiếng khóc chào đời để càng thêm yêu, thêm tự hào về dòng giống của mình.
Đất Tổ - nơi hội tụ của muôn dân đất Việt, miền cổ tích, miền truyền thuyết làm nên những giá trị trường tồn bao đời nay:
Biết tình yêu của Mẹ và Cha
Sinh trăm trứng nơi non cao Nghĩa Lĩnh
Tắm dòng Lô xanh, dòng sông Thao lấp lánh
Tiếng hát Xoan nghiêng ngả mái đình làng
(Ai về miền cổ tích với ta không?- Nông Thị Ngọc Hòa)
Trở về Đất Tổ, mỗi con người như được lắng lòng mình trong nghĩa tình sơn sắt thủy chung, được hòa mình trong hai tiếng đồng bào vang vọng nơi non cao Nghĩa Lĩnh, được tắm mát tâm hồn nơi sông Lô, sông Thao lấp lánh. Và thoảng đâu đó, câu Xoan nghĩa tình làm say đắm lòng người.
Những vần thơ viết về Đất Tổ mang cảm hứng tự hào về non sông đất nước, về truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam. Vì thế, mỗi vần thơ thấm đẫm chất dân tộc, mỗi ý thơ có sức ngân vang, sâu lắng làm lay động lòng người.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc