Multimedia Đọc Báo in

Những vần thơ viết về ngày toàn thắng

09:37, 28/04/2014
Hai mươi mốt năm sau chiến thắng Điện Biên “chấn động địa cầu” dân tộc ta lại làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử. Chiến thắng 30-4-1975 đã đem lại hòa bình, thống nhất đất nước.

Vào thời điểm đó, hòa cùng dàn đồng ca của các binh chủng văn hóa-văn nghệ, các nhà thơ hiện đại Việt Nam đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ trong văn học nước nhà, đó là những khúc ca ngày toàn thắng.

Lần giở lại trang thơ viết trong những ngày hào hùng ấy, chúng ta thấy hiện lên đầy đủ gương mặt các nhà thơ nhiều thế hệ. Hầu như không ai có thể kìm nén nổi lòng mình trong những ngày vui lịch sử ấy: Toàn thắng về ta! (Tố Hữu), Bão giải phóng ở miền Nam, Đi giữa Sài Gòn (Xuân Diệu), Ngày vĩ đại, Thơ bổ sung (Chế Lan Viên), Nhớ con sông quê hương (Tế Hanh), Giải phóng (Nguyễn Đình Thi), Như đi trong mơ (Hoàng Trung Thông), Với Sài Gòn, toàn thắng ! (Giang Nam), Đêm 30-4-1975 (Bằng Việt) v.v…

Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Độc Lập và hoàn toàn làm chủ thành phố Sài Gòn. Chiến thắng ấy đã gợi lên biết bao ý thơ... Để có giây phút “Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập”, nhà thơ Hữu Thỉnh đã xúc động trước sự hy sinh của người anh ruột để làm nên chiến thắng: “Em đã qua những cơn sốt anh qua/Em đã gặp những trận mưa rừng anh gặp/Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết/Em một mình đứng khóc ở sau xe” (Phan Thiết có anh tôi). Vương Trọng có mặt tại Sài Gòn trong ngày chiến thắng đã viết: “Cắm cờ lên đỉnh cuối cùng/Tăng về nép dưới bóng rừng nghỉ ngơi/Cửa tròn vừa mới hé thôi - Nhô đầu ra, ngập một trời tiếng ve” (Tiếng ve trưa). Hình ảnh đẹp góp phần quan trọng làm nên chiến thắng là cô giao liên Trường Sơn: “Vẫn nguyên vành mũ lá sen - Vẫn đôi dép lốp vốn quen đường rừng/Vẫn quân phục cũ nửa chừng/Dáng em không lẫn giữa rừng người chen” (Trên đường phố Sài Gòn). Nhà thơ Lữ Giang viết vào đúng ngày 30-4-1975 đã gửi gắm nét đẹp truyền thống đạo đức của dân tộc: “Giặc gieo lửa chúng lụi tàn trong lửa - Tay yêu thương tìm níu lại bạn đời - Trong chiến đấu ngực gầy rộng mở - Màu đỏ cờ xóa sạch mọi đơn côi” (Thơ viết mừng ngày giải phóng). Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh từng “B dài” đã viết bài thơ “Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1-5-1975”: “Nào xin cùng cạn chén đi anh/Từ trên gác chín tầng ta chào thành phố/Những binh đoàn ta sáng nay từ bốn ngả/Đang trở về trong biển tay reo”. Nhà thơ Tế Hanh cũng có cảm nhận: “Mùa xuân nào như mùa xuân 1975/Hai mươi ngày thay đổi hai mươi năm” (Mùa xuân 75).

Sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc đã khơi nguồn cảm hứng cho các nhà hoạt động chính trị làm thơ bởi lẽ, hơn ai hết, họ là những người chèo lái góp phần đưa con thuyền cách mạng Việt Nam cập bến vinh quang: Sài Gòn giải phóng (Sóng Hồng), Trận tháng cuối cùng (Lê Đức Thọ).

Tầm vóc chiến thắng 1975 được các nhà thơ gắn với tầm thời đại và thôi thúc nhân dân nô lệ lùng lên: “Việt Nam là trái tim thế giới/Là lương tri, trí tuệ của thời nay/Là tiếng gọi nhân dân trên quả đất này/Mau phá ách, chặt xiềng, vùng lên chiến đấu” (Sóng Hồng). Không nói hết niềm vui của cuộc hành quân thần tốc tiến về Sài Gòn qua bài thơ “Đến với Sài Gòn” của Nguyễn Đức Mậu: “Tháng Tư này tôi là người cầm cờ/Tôi là người lái tăng, tôi là anh pháo thủ/Tôi là nỗi chia ly tôi là niềm đoàn tụ/Lòng muốn nhân lên khi đến với Sài Gòn”. Nguyễn Đức Mậu sử dụng hàng loạt điệp từ “Tháng tư” nhằm khẳng định niềm tin bất diệt vào thời khắc lịch sử tạo bước ngoặt lớn cho dân tộc: “Tháng Tư này hành quân như bay/ Tháng Tư này giấc ngủ bồn chồn/ Tháng Tư này xe nối theo xe/Tháng Tư này tôi biết nói gì/Tháng Tư này tôi là người cầm cờ/Tháng Tư này tôi biết nói gì hơn”. Binh đoàn xếp hàng, xe pháo hành quân với niềm tin cháy bỏng “Sài Gòn ơi ngày giải phóng đến rồi”. Các nhà thơ như muốn truyền đến người đọc khí thế “một ngày bằng hai mươi năm”, khí thế mấy nghìn năm của  cả dân tộc trong bài “Trận thắng cuối cùng” của đồng chí Lê Đức Thọ mô tả ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 2-5-1975. Bài thơ có những câu thơ rất cảm động và dự báo một tương lai tươi đẹp: “Quyết xây dựng lại tương lai đất nước/Cho Tổ quốc ta giàu đẹp gấp ngàn lần/Không còn những ngày đói khổ gian truân/Tình ruột thịt Bắc Nam một nhà sum họp/Lời Bác dặn đã hoàn thành trọn vẹn/Giờ này đây Bác ngủ hẳn yên lòng/Trời hôm nay, trong sáng, đẹp vô cùng”.  Với những vần thơ của Tố Hữu ta như được sống lại những giờ phút hào hùng của lịch sử dân tộc: “Cả Việt Nam tiến công, cả Miền Nam nổi dậy/Dồn dập tim ta, trăm trận thắng bừng bừng” và Tố Hữu cũng nói đến quang cảnh: “Lịch sử sang xuân. Anh vào trận cuối cùng/Đại lộ Hồ Chí Minh, thác réo, quân đi cuồn cuộn…” Thêm nữa hình ảnh thật cảm động “Đường tiến quân ào ào chiến thắng/Phía trước chờ anh, người mẹ mong con/Pháo hãy gầm lên, đỏ nòng bắn thẳng/Rộn rực xe tăng chồm tới Sài Gòn/Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/Chúng con đến, xanh ngời ánh thép/Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa (Tố Hữu - Toàn thắng về ta).

Một số nhà thơ đề cập đến cái giá của chiến thắng. Đó là sự hy sinh lớn lao của toàn dân tộc trong mấy chục năm trường. Chỉ có giọt nước mắt mới giúp ta dịu bớt nỗi đau... Chỉ có giọt nước mắt mới làm ta cảm hết giây phút mừng vui của điểm tột cùng thắng lợi: “Bao nhiêu năm xương máu hy sinh - Tổ quốc hôm nay cười đại thắng”.

Đại thắng mùa Xuân 1975 đồng nghĩa với việc thống nhất đất nước, với non sông nối liền một dải, thỏa lòng mong ước của bao thế hệ đã chiến đấu hy sinh: Chế Lan Viên viết: “Tôi muốn bay lên cao nhìn xuống non sông cho thỏa mắt/Từ Nam Quan đến Cà Mau tít tắp/Mỗi điệu múa lời ca như cũng có thần/Cả Tổ quốc Hùng Vương liền một dải/Ngoảnh mặt nhìn đâu cũng thấy anh em”. Đêm giữa Sài Gòn đại thắng, nhà thơ Anh Ngọc đã xao xuyến với những liên tưởng rất đẹp: Cát bụi đường xa khẩu súng ngọn cờ/Ngửa bàn tay gặp bàn tay nhạc trưởng/Mở tấm lòng gặp tấm lòng giao hưởng/Bổng trầm cung bậc tìm nhau/Sài Gòn trong ta là trái chín vẹn nguyên/Chiến thắng đặt vào lòng hai đứa- Một nửa anh và em một nửa (Sài Gòn đêm giao hưởng).

Thơ viết về những ngày toàn thắng là thơ chiến đấu, phản ánh trung thực và sinh động một thời điểm lịch sử huy hoàng của dân tộc ta. Giá trị của những vần thơ ấy cùng với giá trị vô song của Đại thắng mùa Xuân 1975 mãi còn trong tình cảm của mỗi chúng ta.

Nguyễn Văn Thanh


Ý kiến bạn đọc