Hiểu đúng ngữ pháp để bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt
Tác giả bài báo đã viết: “Tuy nhiên, một số người khi soạn thảo văn bản lại nhầm lẫn với ngữ pháp tiếng Hán nên diễn đạt chức danh “người đứng đầu một ban chỉ huy” thành “chỉ huy trưởng”. Từ cái sai này sinh ra cái sai khác, khi gọi cấp phó của chỉ huy trưởng lại diễn đạt bằng ngữ pháp tiếng Việt: Phó chỉ huy trưởng, vậy không sai là gì? Không thể sử dụng hai ngữ pháp trong một từ được”. Như chính tác giả đã xác định, phó chỉ huy trưởng là một cụm từ. Từ chỉ huy trưởng là từ Hán Việt, đương nhiên cấu trúc ngữ pháp của từ này theo quy tắc ngữ pháp tiếng Hán; mối quan hệ giữa các từ tố chỉ-huy-trưởng thuộc phạm vi từ pháp. Còn trong cụm từ phó chỉ huy trưởng, từ phó kết hợp với từ chỉ huy trưởng theo quy tắc ngữ pháp Tiếng Việt, quan hệ giữa hai từ (phó+chỉ huy trưởng) thuộc phạm vi cú pháp dựa trên một quy tắc duy nhất, nên không thể coi là có “hai ngữ pháp”. Và như vậy điều tác giả băn khoăn “không thể sử dụng hai ngữ pháp trong một từ được” đã được loại trừ vì ở đây có hai từ chứ không phải một từ. Điều đó đã cho thấy: không có sai phạm về ngữ pháp trong chức danh phó chỉ huy trưởng.
Tuy vậy cũng cần bàn tới khả năng xảy ra nhầm lẫn về nghĩa trong cụm từ phó chỉ huy trưởng: (cấp) phó chỉ huy (cấp) trưởng như ý kiến của tác giả đã nêu. Đây là trường hợp đồng âm hi hữu trong nhóm các từ, cụm từ chỉ chức danh. Đối với các ngôn ngữ không biến hình như tiếng Việt, hiện tượng đồng âm là phổ biến và người Việt ít khi bị nhầm lẫn do đồng âm. Đặc biệt với những nhóm từ, cụm từ được sử dụng trong phạm vi hẹp (như nhóm các chức danh - chủ yếu xuất hiện trong văn bản hành chính, tính quy ước chặt chẽ) thì khả năng nhầm lẫn càng thấp, thậm chí là phi thực tế như chúng tôi đã lý giải trong bài trao đổi trước.
Về từ trưởng phòng, tác giả đã trao đổi: “Riêng đối với từ trưởng phòng, gồm từ chỉ thức bậc:“trưởng” và từ chỉ đơn vị công tác chuyên môn, hành chính, sự nghiệp: “phòng”. Về điểm này, tác giả Ama Quyên đóng góp ý kiến đúng. Tuy nhiên, không vì vậy mà tôi đồng tình với cách xác định từ mà bạn đã nêu. Nếu đã đồng ý từ này là từ (danh từ) và đúng ngữ pháp, thì phải công nhận từ phó phòng, phó chỉ huy, phó văn phòng là đúng. Không thể bác bỏ từ phó phòng mà công nhận từ trưởng phòng được”. Cần phải khẳng định ngay rằng, trong từ điển tiếng Việt đã có từ phó phòng, tuy nhiên từ này đã không được chọn vào nhóm từ, cụm từ chỉ chức danh trong các văn bản hành chính mà được thay bằng cụm từ phó trưởng phòng; và cụm từ này cũng hoàn toàn không có gì sai về ngữ pháp. Trong bài trao đổi trước, chúng tôi có nêu: “còn lại những chức danh bắt đầu từ “chánh, trưởng” thì phải thêm “phó” vào trước để chỉ cấp phó là một giải pháp hợp lý”. Nói “một giải pháp hợp lý” còn có nghĩa không phải là giải pháp duy nhất, mà từ phó phòng là một ví dụ. Và như vậy, từ phó phòng và cụm từ phó trưởng phòng (đều cùng biểu đạt một nội dung) sẽ cùng tồn tại nhưng ở trong những phong cách ngôn ngữ khác nhau.
Từ những trao đổi trên đây, có thể nêu lên một kết luận chung: tất cả các chức danh được đưa ra bàn luận, trao đổi chưa phát hiện có trường hợp nào là “sai kết cấu ngữ pháp” như ý kiến của tác giả đã nêu.
Tác giả nêu quan điểm: “Cần thống nhất cách gọi các chức danh theo đúng ngữ pháp Việt Nam: Trưởng chỉ huy, Phó Chỉ huy, Chánh Văn phòng, Phó Văn phòng, Trưởng phòng, Phó phòng, Chánh thanh tra, Phó thanh tra. Nếu đã sử dụng ngữ pháp Hán ngữ thì phải thống nhất sử dụng cho đúng, đó là: chỉ huy trưởng, chỉ huy phó, văn phòng chánh, văn phòng phó, phòng trưởng, phòng phó, thanh tra chánh, thanh tra phó... Cách gọi theo ngữ pháp tiếng Việt dễ hiểu, dễ nghe và tiện lợi trong giao tiếp hơn rất nhiều. Tiếng Việt đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện, vì vậy việc sử dụng thống nhất sẽ góp phần làm tiếng Việt phát triển ổn định và nâng cao vị thế, vai trò trong giao tiếp”. Ở đây chúng ta cần thống nhất ở một điểm: Vốn từ vựng tiếng Việt có rất nhiều từ được vay mượn của tiếng nước ngoài, trong đó phần lớn là tiếng Hán. Tuy nhiên chúng ta chỉ sử dụng từ vay mượn theo quy tắc ngữ pháp tiếng Việt. Ngoài ra Bác Hồ đã từng dạy đại ý: những từ tiếng Việt có thì không nên “sính chữ” dùng tiếng nước ngoài; nhưng có những từ bắt buộc phải sử dụng, như từ “đàn bà” và “phụ nữ”, chúng ta không nói “Hội đàn bà” mà phải nói “Hội phụ nữ”… Như vậy đến đây có thể hiểu vì sao trong nhóm các từ, cụm từ chỉ chức danh có các từ Hán Việt, có các yếu tố có vẻ như “thừa”: phó + trưởng, phó + chánh v.v… Vì rằng, ngoài yêu cầu dễ hiểu, dễ nghe và tiện lợi thì còn có những yêu cầu khác (như sắc thái biểu cảm - trang trọng chẳng hạn).
Việc huy động trí tuệ của cộng đồng để hoàn thiện Tiếng Việt là một việc hết sức cần thiết, đúng như tác giả đã tâm niệm. Tuy nhiên để việc “huy động trí tuệ” thực sự có hiệu quả, trước hết cần phải phấn đấu hiểu đúng ngữ pháp Tiếng Việt vốn từng được ví với “phong ba bão táp”. Hơn thế nữa, đó là cần có thái độ tôn trọng những thành tựu của ngành ngôn ngữ học đã đạt được đến thời điểm hiện tại, không thể nói “nay đúng mai sai” để rồi dẫn tới thái độ thiếu nghiêm túc trong nghiên cứu và học tập Tiếng Việt .
Ama Quyên
Ý kiến bạn đọc