Multimedia Đọc Báo in

Cách mạng Tháng Tám và diện mạo mới của nền Văn học Nghệ thuật Việt Nam

12:21, 30/09/2014
Cách mạng tháng Tám năm 1945 không những tạo nên bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của cách mạng dân tộc mà còn tạo nên một diện mạo mới cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Trong đó điểm nổi bật nhất, đặc biệt nhất và có lẽ có sức lan truyền mạnh mẽ nhất khi ấy chính là nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ngay từ khi Đảng ta vừa mới ra đời, trong khí thế sục sôi của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, những giai điệu sôi động và hừng hực lửa của ca khúc “Cùng nhau đi hồng binh” của nhạc sĩ Đinh Nhu đã như tiếp thêm lửa nhiệt huyết cho đoàn người ngược xuôi trùng trùng điệp điệp. Không khí cách mạng nóng lên, đội ngũ văn nghệ sĩ - nhất là giới sáng tác âm nhạc cũng được cuốn vào vòng xoáy lịch sử đặc biệt đó. Nhiều ca khúc tiếp lửa cho khí thế cách mạng đang ngày một dâng cao ra đời. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến những tác phẩm có sức sống cùng với thời gian như “Chiến sĩ Việt Minh”, “Tiến quân ca” của người nhạc sĩ tài danh Văn Cao; “Du kích ca” của Đỗ Nhuận; hay “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi. Đặc biệt, vào sáng ngày 19-8-1945, một sáng tác âm nhạc theo lối ngẫu hứng, sáng tác bằng miệng nhưng có sức sống đi cùng năm tháng ra đời, đó chính là ca khúc “Mười chín tháng Tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh…

Cùng với âm nhạc, Cách mạng Tháng Tám đã tiếp thêm lửa động viên, thôi thúc đội ngũ nhà văn tham gia sáng tạo. Lớp nhà văn trước cách mạng cùng với lớp nhà văn trẻ mới xuất hiện trong cách mạng đã kề vai sát cánh tạo nên một không khí mới cho văn học nước nhà. Lúc này, sáng tác của các nhà văn đã đề cập đến nhiều mặt của cuộc sống: miêu tả thảm cảnh của nhân dân ta trải qua nạn đói 1945, nhưng nét chủ đạo vẫn là những trang viết phản ánh hình ảnh của nhân dân hướng về cách mạng, những đổi thay của làng quê Việt Nam và vạch rõ bộ mặt thật của bọn đế quốc thực dân và số phận mong manh của bọn Việt gian đầu sỏ. Những tác phẩm ghi dấu ấn trong thời kỳ này là “Lò lửa” của Nguyên Hồng, “Cách mạng” của Nam Cao, “Nhớ quê” của Tô Hoài, “Một lần tới Thủ đô” của Trần Đăng, “Dân khí miền Trung” của Hoài Thanh. Cách mạng Tháng Tám còn tạo nên sự cảm hứng cho nguồn thơ mới đầy cảm xúc ngợi ca đất nước tự do, ngợi ca Đảng và lãnh tụ, ngợi ca con người mới, cuộc sống mới… Phần lớn những nhà thơ thời kỳ này, dù còn đó những suy nghĩ và khuynh hướng có khác nhau, nhưng tất cả đều tạo ra cho mình được một “Nguồn thơ mới”, trong “Mùa thu mới” với những niềm “Vui bất tuyệt” mà tiêu biểu phải kể đến như: Xuân Diệu, Thâm Tâm, Chế Lan Viên, Trần Huyền Trân, Yến Lan…

Bên cạnh đó, phong trào sân khấu nói chung và đặc biệt là bộ môn kịch nói nói riêng đã bắt ngay vào đời sống sôi nổi của những ngày đầu cách mạng. Với những chuyển biến hết sức quan trọng, kịch nói đã đặt ra nhiều vấn đề trực diện, bức thiết, kịp thời. Phong trào viết và diễn kịch phát triển sôi nổi, rộng khắp với mục đích động viên lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu tăng cường đoàn kết toàn dân, động viên quần chúng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống mới… Ngay cả các em thiếu nhi cũng tập viết các vở kịch nhỏ; các nhà sư cũng lên sân khấu… Sáng tác và biểu diễn trở thành một nhu cầu và trở thành “lợi khí tuyên truyền có hiệu lực và sâu sắc đối với đại chúng”, “là một lợi khí giáo dục gây một ý thức chung về cuộc sống” (Sân khấu bình dân, Báo Cứu quốc, ngày 26-10-1946). Đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên sân khấu cũng hình thành khá hùng hậu với các tài danh như Học Phi, Nguyễn Văn Niêm, Lưu Quang Thuận, Hoàng Như Mai, Trần Huyền Trân, Hàn Thế Du, Nguyễn Khắc Dực… Đặc biệt, với tác phẩm kịch “Bắc Sơn”, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã đặt nền móng cho kịch nói cách mạng. Nhiều vở kịch do nghệ sĩ Thế Lữ, Trần Hoạt, Hoàng Tích Linh dàn dựng đã được công diễn trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội ngay thời kỳ cách mạng thành công. Đội ngũ nghệ sĩ ra đời trong bão táp cách mạng sau này hầu hết đều đi theo kháng chiến, xây dựng phong trào sân khấu mới phụng sự cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc thời chống Pháp, ngày càng lớn mạnh trong kháng chiến chống Mỹ và sau này, trong công cuộc xây dựng đất nước.

Nguyễn Thị Thọ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hạ tầng số đi trước “mở đường” chuyển đổi số
Hạ tầng số được xem “viên gạch” đầu tiên đặt nền móng để thúc đẩy chuyển đổi số. Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk đã và đang tập trung đầu tư, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số.