Người Cơ Tu với nghệ thuật điêu khắc tranh gỗ
Người Cơ Tu là một tộc người thiểu số thuộc ngành Cơtuic (cùng với người Tà Ôi, Bru - Vân Kiều) thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme, phân bố ở phía Bắc dãy Trường Sơn với dân số khoảng 60.000 người.
Ở Quảng Nam, người Cơ Tu cư trú trên một địa bàn rộng lớn từ vùng biên giới Việt-Lào đến vùng phía Đông; họ lập làng nơi đầu nguồn con suối; chủ yếu ở ba huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang với dân số khoảng 40.000. Một vài nhóm cư trú ở một số xã thuộc huyện Nam Đông và A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Ngoài ra, người Cơ Tu còn sinh sống ở tỉnh Sê Kông và tỉnh Xalavan thuộc nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Ngoài những phong tục tập quán, văn hóa, lễ hội và những nghi thức bản địa… độc đáo, riêng biệt tồn tại từ xưa đến nay, người Cơ Tu còn có một loại hình nghệ thuật đặc sắc thể hiện về thế giới cuộc sống xung quanh cũng như khát vọng lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của dân tộc mình, đó là nghệ thuật điêu khắc gỗ… Trải qua những biến động, thay đổi của thời gian, những tác phẩm điêu khắc gỗ có giá trị về đời sống sinh hoạt, lao động - sản xuất, tâm linh - tín ngưỡng của người Cơ Tu vẫn được giữ gìn qua các thế hệ. Ngày nay ở các xã vùng cao các huyện Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang của tỉnh Quảng Nam vẫn còn giữ được loại hình Gươl (ngôi nhà sinh hoạt chung của cộng đồng làng) truyền thống; có rất nhiều làng, bản người Cơ Tu đã khôi phục được Gươl theo đúng kiểu dáng kiến trúc và các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ, hội họa truyền thống; đặc biệt là những bức tranh điêu khắc trên gỗ rất đa dạng và sống động. Với những bức tượng và những tấm tranh điêu khắc gỗ đã làm cho Gươl trở thành một biểu tượng, là niềm tự hào của người Cơ Tu - là nơi thể hiện những tinh túy của nghệ thuật điêu khắc, hội họa trong kết cấu xây dựng nhà cửa.
Tranh gỗ thể hiện các công đoạn của nghề rèn. |
Các bức tranh điêu khắc gỗ của người Cơ Tu là những nét phát họa đơn giản, với những nhát gọt, đẽo không cầu kỳ về đường nét... song cũng phản ánh được nhân sinh quan, thế giới quan của người Cơ Tu về vũ trụ, trời đất, vạn vật cũng như phong tục, tập quán, sinh hoạt, lao động, sản xuất... Với những dụng cụ đơn sơ tự tạo như cái rựa, cái rìu, cái đục... các nghệ nhân người Cơ Tu đã khéo léo đục đẽo nên những bức tranh gỗ đầy màu sắc và cực kỳ sinh động. Đó có thể là những bức tranh diễn tả những sinh hoạt, lao động, sản xuất, vui chơi thường ngày của người Cơ Tu như: uống rượu, sàng gạo, giã gạo, múa tung tung-ya yá, đánh chiêng, đánh trống, thổi kèn... trên những bức tranh điêu khắc gỗ dài; hoặc những bức tranh đặc tả các công đoạn của nghề truyền thống của người Cơ Tu như nghề rèn; hay diễn tả một buổi đi săn của các chàng trai.
Hai màu chủ đạo, người Cơ Tu rất hay sử dụng để tô lên những bức tranh điêu khắc là màu chàm đen - là màu của đất (Abhuyh-Catiếc) và màu đỏ - là màu của mặt trời (Abhuyh-plêếng). Đây là hai màu sắc của hai vật thiêng không thể thiếu trong đời sống của người Cơ Tu. Màu đỏ lấy từ củ nâu, màu chàm từ cây tà râm, màu nâu từ củ ma rớt để trang trí trên tượng gỗ.
Có thể nói những bức tranh điêu khắc gỗ của đồng bào Cơ Tu là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, chỉ bằng kinh nghiệm, bằng sự tiếp nối truyền thống, bằng khả năng quan sát thực tiễn, các nghệ nhân đã tạo nên những bức tranh điêu khắc gỗ mộc mạc, nguyên sơ từ chất liệu, ý tưởng, đường nét, bố cục đến cả màu sắc của tác phẩm. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng hiện nay trong những bức tranh điêu khắc gỗ của mình, một số nghệ nhân Cơ Tu đã lạm dụng quá mức các loại màu công nghiệp sẵn có trên thị trường để thay thế cho những màu sắc tự tạo sẵn có trong tự nhiên nên một số tác phẩm ít nhiều đã bị màu sắc công nghiệp làm ảnh hưởng đến tính dân dã, độc đáo và chất lượng nghệ thuật nguyên bản của nó.
Mai Hồng Lâm
Ý kiến bạn đọc