Multimedia Đọc Báo in

Xung quanh vấn đề xét tặng danh hiệu nghệ nhân

09:55, 19/09/2014

Ngày 25-6-2014, Chính phủ ban hành Nghị định 62/NĐ-CP về Quy định xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực Di sản Văn hóa phi vật thể. Và đây là cơ sở pháp lý nhằm tôn vinh, đãi ngộ những người có đóng góp xuất sắc trong công cuộc bảo tồn, phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay và mai sau.

Phải thật sự công tâm

Theo nghị định trên, những người được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú thì được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước, không chỉ về tinh thần mà cả vật chất. Vì thế, ông Bùi Văn Khối-Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở VH-TT&DL) cho rằng: việc xét tặng phải hết sức chính xác và công tâm để tránh “điều ra tiếng vào” sau này. Điều đó cũng được những người có trách nhiệm đồng tình và xem đó là nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình thực hiện việc xét tặng của các cấp, ngành liên quan.

Với Dak Lak, một tỉnh có nền văn hóa phong phú và đa sắc màu do quy tụ nhiều dân tộc anh em trong cả nước đến sinh sống, nên việc lựa chọn và xét tặng danh hiệu nghệ nhân càng phải chính xác, công tâm hơn. Vì vậy, ông Bùi Văn Khối cho biết thêm: ngay sau khi UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo ngành Văn hóa phối hợp với các đơn vị liên quan để tham mưu cho tỉnh về vấn đề này, ngày 5-9 vừa qua sở chủ quản đã có thông báo gửi các huyện, thị xã và thành phố tiến hành lập danh sách các nghệ nhân gửi cấp trên xét tặng đợt 1 năm 2015. Theo tinh thần Nghị định 62 và chỉ đạo của UBND tỉnh, số nghệ nhân được các địa phương chọn lựa phải được các cấp, ngành liên quan xác minh và thẩm định một lần nữa trước khi trình Hội đồng cấp tỉnh xem xét. Về việc xác minh, thẩm định này, Phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở VH-TT&DL) cho hay sẽ có nhiều cách: lấy ý kiến đồng thuận của cộng đồng, ghi lại hình ảnh hoạt động của các nghệ nhân trên từng lĩnh vực mà họ đã đóng góp và cuối cùng là thu thập thành tích đạt được của các nghệ nhân để lấy đó làm cơ sở cho việc xét tặng danh hiệu sau này.

Những nghệ nhân của Đội chiêng buôn Kô Siêr - TP. Buôn Ma Thuột.
Những nghệ nhân của Đội chiêng buôn Kô Siêr - TP. Buôn Ma Thuột.

Tuy nhiên, trong ba tiêu chí quan trọng, mang tính nguyên tắc trên thì tiêu chí cuối cùng mới thật sự khó khăn, nan giải. Ông Bùi Văn Khối dẫn dụ: Ví như trong lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian, diễn tấu cồng chiêng, chế tác nhạc cụ truyền thống, hay biểu diễn dân ca, dân vũ… thì dễ, bởi những hoạt động ấy đều có “sân chơi” cho các nghệ nhân tham gia thi thể hiện tài năng - và kết quả đạt được cũng như mức độ thành công đều được công nhận bằng văn bản pháp lý (như giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương và huy chương các loại) do cơ quan, đơn vị hay ban, ngành nào đó đứng ra tổ chức và trao tặng. Còn những lĩnh vực khác như hát kể sử thi, điêu khắc, kiến trúc, tín ngưỡng dân gian, tri thức bản địa v.v… thì rất khó tìm một hay nhiều chứng thực thuyết phục, do các nghệ nhân không có cơ hội để thể hiện. Từ thực tế đó, để hướng đến sự chính xác và công tâm nhất trong quá trình xét chọn danh hiệu nghệ nhân trên địa bàn Dak Lak, ngành Văn hóa buộc phải chú trọng hơn hai tiêu chí ban đầu là lấy ý kiến đồng thuận của cộng đồng và hoạt động thực tiễn của các nghệ nhân trong đời sống xây dựng, phát triển văn hóa xã hội tại địa phương - ông Bùi Văn Khối một lần nữa khẳng định.

Chạy đua với thời gian

Theo kế hoạch, lộ trình thực hiện việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực Di sản Văn hóa phi vật thể lần thứ nhất năm 2015 thì chậm nhất đến ngày 25-12-2014, các Hội đồng cấp tỉnh phải gửi hồ sơ nghệ nhân lên Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ. Sau đó Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ trình Hội đồng cấp Nhà nước chậm nhất là ngày 30-4-2015 để hoàn thiện hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch Nước phong tặng vào cuối tháng 6-2015.

Có thể nói, Dak Lak đang chạy đua với kế hoạch, lộ trình trên để kịp thời gian được ấn định của các cơ quan có thẩm quyền. Và hơn thế là để cho các nghệ nhân của tỉnh không bị tuột mất cơ hội, bảo đảm chế độ đãi ngộ mà Nhà nước dành cho họ sau này. Trao đổi thêm về vấn đề này, nhiều người có tâm huyết và trách nhiệm cho rằng: các ngành chức năng, mà trực tiếp là ngành Văn hóa phải khẩn trương hơn trong việc chỉ đạo, hướng dẫn cho các địa phương thực hiện đúng tiến độ và có chất lượng Nghị định 62/NĐ của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 2508/QĐ của Bộ VH-TT&DL về kế hoạch xét tặng danh hiệu nghệ nhân nói trên. Trước hết và trong đó ưu tiên, quan tâm đến các nghệ nhân cao tuổi trong các lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng và hát kể sử thi dân gian. Bởi dù sao Dak Lak là một trong những địa phương nằm trong vùng Không gian Văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO vinh danh, công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại từ đầu năm 2005. Hơn thế nữa, những nghệ nhân này vốn không nhiều và đã cao tuổi; sắp về với “thế giới ông bà”.

Sự đãi ngộ về tinh thần cũng như vật chất mà xã hội dành cho các nghệ nhân là niềm khích lệ lớn lao và thiết thực nhằm tạo điều kiện cho họ nỗ lực đóng góp, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc như Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) đã đề ra.

 Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hạ tầng số đi trước “mở đường” chuyển đổi số
Hạ tầng số được xem “viên gạch” đầu tiên đặt nền móng để thúc đẩy chuyển đổi số. Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk đã và đang tập trung đầu tư, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số.