Chuyện về những người "sàng ngọc"
Kiên trì, bền bỉ không quản vất vả, khó khăn để “sàng” được những “hạt ngọc” trong nền văn học dân gian các dân tộc thiểu số - công việc âm thầm ấy luôn được những người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu các giá trị văn học dân gian của tỉnh cần mẫn thực hiện bằng tình yêu, niềm đam mê sâu sắc với mong muốn bảo tồn, gìn giữ những giá trị tinh hoa cổ truyền cho thế hệ sau...
Người say mê nét đẹp văn hóa dân gian
Sinh ra tại một huyện vùng trung du của tỉnh Quảng Ngãi, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn năm 1988 thầy giáo Trương Thông Tuần vào công tác tại Trường PTTH Ngô Gia Tự ở Ea Kar. Vốn đam mê nét đẹp văn hóa dân gian, lại được tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nên ông đã tích cực tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Đến năm 2004, ông chuyển ngành sang công tác tại Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Dak Nông và từ năm 2010 đến nay, ông chuyển về công tác tại Trường Đại học Tây Nguyên. Trong khoảng thời gian này, ông càng có điều kiện để chuyên tâm phát triển sự nghiệp nghiên cứu của mình. Nhờ biết nói tiếng Êđê, M’nông, Hrê nên việc giao tiếp của ông với đồng bào dân tộc thiểu số vô cùng thuận lợi, tìm hiểu được nhiều điều về văn hóa các tộc người. Thêm vào đó, bản thân ông đã tự ý thức từ khi làm công tác dạy học và nghiên cứu nên đã sưu tầm, tích lũy tư liệu về văn hóa các dân tộc Tây Nguyên để phục vụ cho công tác nghiên cứu. Khi giảng dạy, ông luôn vận động học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số tham gia sưu tầm, làm các bài chuyên đề về văn hóa, văn học dân gian của dân tộc mình với mục đích giúp các em thêm hiểu, thêm yêu các nét đẹp văn hóa dân tộc, đồng thời qua đó ông cũng đã học hỏi, bồi dưỡng thêm những kiến thức còn thiếu hụt.
Tiến sĩ Trương Thông Tuần. |
Nhiều tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm cũng như các công trình khoa học về văn hóa, văn học dân gian các dân tộc thiểu số Tây Nguyên của ông được giới chuyên môn đánh giá cao. Trong đó có thể kể đến các tập sách như: Dân ca và lời nói vần M’nông, Truyện cổ M’nông (tập I); các đề tài chủ nhiệm cấp bộ và tỉnh: Lời nói vần Êđê (2012-2013) do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, Những giá trị cơ bản của dân ca M’nông (2013-2014) do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý... Ngoài ra, ông còn viết nhiều bài báo, báo cáo khoa học, các sách, giáo trình, bài giảng liên quan đến đề tài văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên và cũng luôn được giới nghiên cứu, sinh viên yêu thích, dùng làm tư liệu tham khảo. Đặc biệt, tác phẩm Truyện cổ M’nông với độ dày hơn 200 trang, bao gồm 36 câu chuyện cùng lời giới thiệu khái quát giá trị nội dung, hình thức truyện cổ M’nông... đã được ông sưu tầm, biên tập theo quan điểm trung thành với các chi tiết nội dung và ngôn ngữ của người kể chuyện cũng như chú trọng sự góp ý của những già làng, trưởng bản, những người am hiểu sâu sắc vốn văn hóa người M’nông. Với những đóng góp giá trị, tập sách đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng giải Nhì về giải thưởng cho tác phẩm, công trình nghiên cứu xuất sắc.
Nói về duyên nợ đưa ông đến với công việc sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian, ông luôn nhắc đến hai người thầy đáng kính của mình là giáo sư Trần Ngọc Thêm và nghệ nhân Điểu Kâu. Với lòng kính trọng và sự biết ơn sâu sắc, ông chia sẻ: Giáo sư Trần Ngọc Thêm là người thầy đã hướng dẫn, khơi nguồn để ông nghiên cứu, bảo vệ luận văn thạc sĩ, rồi tiến sĩ về đề tài văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Còn nghệ nhân Điểu Kâu – khi còn sống đã được ví như “báu vật sống” của Tây Nguyên – là người thầy, người bạn đã giúp đỡ, đồng hành cùng ông thực hiện nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm. Sự dìu dắt, khuyên bảo, cũng như những kỷ niệm về hai người thầy ấy luôn được ông nhớ đến để tự nhắc mình: Công việc sưu tầm, nghiên cứu luôn là công việc khó, tỉ mỉ, cần nhiều thời gian, tâm huyết nhưng là một công việc vô cùng ý nghĩa và phải thực hiện bằng niềm đam mê...
Miệt mài, trăn trở với việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống
Hơn 25 năm công tác trong ngành Văn hóa của tỉnh, là người yêu thích tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian nên trong những năm qua, ông Bùi Minh Vũ (biên tập viên chính của tập san Văn hóa và bản tin Văn hóa – Thể thao và Du lịch Dak Lak) đã dành nhiều thời gian, công sức để tổ chức những chuyến đi điền dã, sưu tầm. Khó có thể tính được có bao nhiêu chuyến đi điền dã, bao nhiêu con người ông đã gặp gỡ. Chỉ biết rằng, trong suốt hơn 25 năm qua, bên cạnh việc hoàn thành công tác chuyên môn, ông đã tranh thủ thời gian, rong ruổi khắp hang cùng, ngõ hẻm tại các địa phương trong tỉnh. Thời gian ngắn thì vài ba ngày, dài có khi cả tháng; lúc một mình, lúc cùng các nhà nghiên cứu văn hóa khác, ông có mặt hầu như ở những vùng sâu, vùng xa nhất, cùng ăn, cùng ở với bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Và gần như toàn bộ kinh phí trang trải cho hoạt động nghiên cứu, ông đều tự bỏ ra.
Ông Bùi Minh Vũ. |
Ông tâm sự: “Phải mất thời gian, tạo nên sự gần gũi, tin cậy, người ta mới thổ lộ tâm tình và đánh thức được những lời hát kứt, hát ayray, câu chuyện cổ, lời nói vần... đã lặn sâu trong trí nhớ người già. Những “hạt ngọc” văn học dân gian ấy cần được sàng lọc bởi nó nằm tản mác trong tâm thức từng con người cụ thể. Nó là những vật thể di động, không cố định, vẫn người ấy, mà tiếp cận sai thời điểm, sai không gian, không hợp tình trạng tâm thế là không thể nhặt nhạnh, sàng lọc được gì...”. Bằng sự kiên trì, bền bỉ, tỉ mỉ cùng tấm lòng chân thành, ông đã khơi mở được dòng ký ức của nhiều nghệ nhân, để rồi từ đó sưu tầm, khai thác được một khối lượng đáng kể tài sản văn hóa tinh thần của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Có thể kể đến một số tập sách về văn học dân gian do ông sưu tầm, biên soạn đã xuất bản như: Thần Ntôch bị đánh, Nàng Ji Dết L’nghê, Hai chị em Ji Bach và Ji Bay, Chàng Pich Tol, Nữ thần Blân Hiăt... Đây là những tập truyện cổ M’nông do ông chủ biên, sưu tầm và biên soạn. Bên cạnh đó, ông còn tham gia nghiên cứu, là đồng tác giả của nhiều công trình khoa học như: Chàng Tiăng bán tượng gỗ (sử thi M’nông); Trâu bon Tiăng chạy đến bon Krơng, Lơng Kon Tiăng (sử thi M’nông); Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Êđê, M’nông; Vận dụng luật tục Êđê vào việc xây dựng gia đình, buôn, thôn văn hóa; Vận dụng luật tục M’nông vào việc xây dựng gia đình, buôn, thôn văn hóa; Vận dụng luật tục Êđê vào việc bảo vệ rừng, đất đai và nguồn nước, Vận dụng luật tục M’nông vào việc bảo vệ rừng, đất đai và nguồn nước...
Những tập sách sưu tầm, nghiên cứu của ông được giới chuyên môn đánh giá là những công trình khoa học công phu, có giá trị. Ghi nhận cho sự lao động hăng say, miệt mài của ông trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa dân gian là những giấy khen, bằng chứng nhận, các giải thưởng cao quý. Đó là những giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam dành cho cụm công trình sưu tầm sử thi M’nông: Lêng Kon Rung bị bắt cóc bán, Cướp máy kéo chỉ của Ndu Kon Măch, Tiăng bán tượng gỗ (giải 3B, năm 2001), tác phẩm truyện cổ M’nông: Nữ thần Blân Hiăt (giải Khuyến khích, năm 2008); Hội đồng Giải thưởng văn học nghệ thuật Chư Yang Sin lần thứ nhất (tỉnh Dak Lak) xét tặng năm 2010: giải B văn nghệ dân gian cho cụm công trình tác phẩm truyện cổ M’nông: Hai chị em Ji Bách, Ji Bay và Nàng Ji Dết L’Nghê...
Tuy nhiên những gì đã được công bố mới chỉ là một phần trong kho tài liệu ông đã sưu tầm, tập hợp (vẫn còn 5 tập bản thảo của các truyện cổ M’nông cùng nhiều tài liệu khác do ông sưu tầm, nghiên cứu vẫn chưa được xuất bản vì chưa có kinh phí) và những gì đã sưu tầm được cũng mới chỉ là một phần rất nhỏ trong trầm tích văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Điều làm ông luôn trăn trở là có biết bao “viên ngọc quý” đã vĩnh viễn bị lãng quên theo sự ra đi về nơi vĩnh hằng của các nghệ nhân lớn tuổi bởi không được ghi chép kịp thời. Bên cạnh đó, việc lưu giữ được bằng văn bản mới chỉ là một phần trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nếu không biết sử dụng, đưa các giá trị ấy vào cuộc sống đời thường, thì nó sẽ tự mai một dần trong lặng lẽ, bụi bặm của các thư viện. Do vậy việc cần làm tiếp theo là gieo những “hạt giống quý” của văn học dân gian vào cuộc sống, vào con người hôm nay, đặc biệt là thế hệ trẻ, để gìn giữ, bảo tồn, phát huy những “viên ngọc” ấy...
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc