Đến với bài thơ hay
Nghe tắc kè kêu trong thành phố
Nhà thơ Nguyễn Duy rất thành công với những bài thơ lục bát, có người tôn vinh là "Ông hoàng lục bát" của Việt Nam. Thơ Nguyễn Duy đằm thắm, trữ tình và chất chứa nhiều cảm xúc một thời trận mạc cũng như những góc cạnh của cuộc sống đương đại. Trong mạch nguồn cảm hứng viết về ngày chiến thắng 30 tháng 4, bài thơ Nghe tắc kè kêu trong thành phố thật sự đã đưa tiếng thơ Nguyễn Duy gần gũi hơn với độc giả, gợi được những cảm xúc chân thành, sâu thẳm. Chính cấu tứ mới mẻ và nội dung nhân bản có thể xem là nét đặc sắc của thi phẩm này.
Bài thơ có một tứ thơ thật độc đáo được sử dụng thông qua bút pháp đồng hiện tài tình. Quá khứ và hiện tại đan xem vào nhau. Hạnh phúc của hôm nay càng khơi gợi nỗi gian khổ, hy sinh của một thời trận mạc. Tất cả sự kết nối ấy được chuyển tải cảm xúc thông qua hình tượng con tắc kè kêu thao thiết giữa Sài Gòn. Bắt đầu từ tiếng tắc kè kêu trong lòng thành phố, một thành phố đã được giải phóng sau ba mùa me trổ lá non tơ. Tiếng tắc kè kêu khiến tác giả thảng thốt, ngỡ ngàng như mình đang ở Trường Sơn một thời lửa đạn. Có hay không có tiếng tắc kè, chỉ biết "sáng ra nhìn soi mói mỗi cành cây" chỉ thấy "chùm đèn thủy ngân xanh lên trong vòm lá" và tiếng tắc kè chỉ là tiếng vọng về của một thời khói lửa chiến tranh:
Chợt hiện về thăm thẳm núi non kia
Dưới lá là hầm, là tăng, là võng
Là cơn sốt rét rừng vàng bủng
Là muỗi, vắt, bom, mìn, vực sâu, đèo trơn…
Với nghệ thuật liệt kê, Nguyễn Duy đã khơi gợi sự gian khổ chồng chất gian khổ mà những người lính tuổi còn rất trẻ phải vượt qua, đối diện giữa cái sống và cái chết, với "cơn sốt rét rừng vàng bủng/ là muỗi, vắt, bom, mìn, vựt sâu, đèo trơn". Họ "ôm súng suốt cả thời tuổi trẻ" để rồi khao khát có ngày được ngày trở về thành phố thật cảm động khi nhà thơ nhớ lại cảnh nằm đố vui và nghe vọng tiếng tắc kè đáp lời "sắp về - sắp về" phấn khích và đầy hy vọng. Những câu thơ đơn giản mà cứ nhói lòng người đọc qua câu chuyện giữa rừng của những người lính Cụ Hồ thời chống Mỹ được Nguyễn Duy diễn đạt tự nhiên, không dụng công hay trau chuốt bằng những mỹ từ:
Những đoàn quân đi xuyên Trường Sơn
Ngủ ôm súng suốt cả thời tuổi trẻ
Đêm trăn trở đố nhau: Bao giờ về thành phố?
Con tắc kè nghe, nhanh nhẩu nói: Sắp về!
Tất cả vì tương lai của miền Nam phía trước, cả đoàn quân rồi cũng ào ạt tràn về vào thành phố lúc "đang mùa thay lá những hàng me". Trên hành trình tiến về gian khổ ấy, nhiều đồng chí đồng đội đã ngã xuống không còn được nhìn thấy thành phố Sài Gòn giải phóng trong niềm hân hoan vui sướng mọi người. Dù trong những ngày tháng Trường Sơn gian khổ ấy, họ ao ước một điều duy nhất là được về giáp mặt thành phố Sài Gòn như tiếng con tắc kè kêu "sắp về" như một lời hứa đầy ray rức. Trong thương tiếc tột cùng, tác giả bồi hồi nhớ lại biết bao đồng đội hy sinh, có người nằm lại ngay nơi cửa ngõ Sài Gòn trước thời khắc miền Nam hoàn toàn giải phóng:
Người bạn tôi không về tới nơi này
Anh gục ngã bên kia cầu xa lộ
Anh nằm lại trước cửa vào thành phố
Giây phút cuối cùng chấm dứt cuộc chiến tranh
Bài thơ có một cấu tứ rất hay, lạ và mới mẻ thông qua bút pháp nghệ thuật đồng hiện. Nhờ đó, dù chỉ mấy chục câu thơ, mà người đọc vừa cảm nhận được chuỗi hành trình gian khổ của người lính, niềm vui "sắp về" thành phố Sài Gòn thương nhớ. Bài thơ đánh động vào hồn người bằng một hoài niệm thiết tha, vừa là lời tri ân đồng đội, vừa khắc họa lại một giai đoạn bi hùng của đất nước. Nghe tiếng tắc kè kêu trong thành phố là tiếng đồng vọng thiêng liêng, vừa là lời tri ân với người đã khuất, đồng thời nhắc với chúng ta phải biết trân trọng quá khứ oai hùng của dân tộc Việt Nam.
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc