Multimedia Đọc Báo in

Không phải ai cũng sáng tạo được văn học dân gian

08:24, 09/05/2015
Những yếu tố mang tính “dị bản” khá phản cảm đối với độc giả và bạn đọc của các văn bản văn học dân gian do một số nhà xuất bản ấn hành trong thời gian qua như hình ảnh, ngôn từ, tình tiết được các nhà “folklore hiện đại” sáng tạo cho thấy không phải ai cũng đủ tâm, đủ tầm và đủ tài để sáng tạo thể loại văn học này…

Từ ngàn đời xưa, ông cha ta sáng tạo văn học dân gian từ thực tiễn đời sống lao động vô cùng khó khăn, khắc nghiệt và thấm đẫm tinh thần cộng đồng. Đó là hành trình khai thiên phá thạch, chinh phục tự nhiên, hình thành cộng đồng xã hội với những ước mơ cao đẹp của con người. Những loại hình văn học dân gian như sử thi, cổ tích, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ… không phải ngày một ngày hai là có thể hình thành và lưu truyền. Để những sáng tác folklore sống mãi trong lòng nhân dân lao động thì những sáng tác ấy phải trải qua một hành trình dài lâu, đi sâu vào tiềm thức, nếp ăn, nếp nghĩ và sự sáng tạo của cư dân nông nghiệp mỗi vùng. Những văn bản văn học dân gian “gốc” là sự hội tụ của nhiều yếu tố của người “nghệ sĩ bình dân” như tâm, tài, sự trải nghiệm, bài học, triết lý nhân sinh và sự đón nhận của đông đảo độc giả cũng là những người bình dân. Sức sống của sáng tác ấy có lâu bền hay không phụ thuộc phần lớn vào sự đón nhận của độc giả, sự lưu truyền trong dân gian và sự sáng tạo trong quá trình lưu truyền.

Những nhà nghiên cứu văn học dân gian, sinh viên, các nghiên cứu sinh khi thực hiện công việc sưu tầm và nghiên cứu đề tài về văn học dân gian phải cất công lặn lội vào tận Tây Nguyên xa xôi, đến các buôn làng, gặp các cụ già tóc bạc để nghe họ kể về sử thi. Hay nhiều tốp nghiên cứu phải đến tận những vùng đất hoang vu Tây Bắc để nghe kể về truyện thơ, tục ngữ, dân ca của đồng bào các dân tộc thiểu số… Đôi khi nguồn gốc xuất xứ và dị bản của một câu ca dao thôi cũng đặt ra yêu cầu phải tìm về ngọn nguồn sáng tạo của nó bởi tìm về nơi hình thành và môi trường diễn xướng của các sáng tác bình dân cũng chính là tìm về gặp những vùng, những nơi và cả những con người đủ điều kiện để sáng tạo ra nó.

Thật buồn thay, khi xã hội phát triển như giai đoạn hiện nay, văn học dân gian tuy vẫn tồn tại nhưng nó đã ít nhiều bị các “nhà folklore hiện đại” sáng tạo một cách tùy tiện. Điều đó thể hiện ở việc sự sáng tạo không đúng hướng của một số văn bản văn học dân gian để đưa đến bạn đọc một văn bản hết sức phản cảm. Điển hình là trong thời gian vừa qua, nhiều văn bản kể của văn học dân gian như truyện cổ tích, truyền thuyết được kể với những chi tiết, ngôn từ hết sức “lạ”. Ví dụ như NXB Kim Đồng cho xuất bản cuốn truyện cổ tích kể về Thạch Sanh mặc khố của mẹ, đánh trăn tinh đến “phọt óc” để kể cho học sinh tiểu học. Rồi hình ảnh chiếc sọ mà mẹ Sọ Dừa cầm trong truyện Sọ Dừa của Nhà xuất bản Hồng Đức hay gần đây nhất là ngôn từ mang tính dung tục trong truyện cổ tích “Thỏ xám và thỏ trắng” của Nhà xuất bản Hải Phòng… Những tập truyện trên được xuất bản nhằm đáp ứng nhu cầu của độc giả là học sinh tiểu học. Các em sẽ tiếp nhận được gì từ những văn bản ấy? Tính giáo dục, cái hay, cái đẹp của văn học dân gian ở đâu trong những tác phẩm này?

Tác giả kể những văn bản trên là ai? Đó là một câu hỏi cần trả lời một cách nghiêm túc và có trách nhiệm. Thật đáng buồn khi các “nhà folklore hiện đại”  với lối sáng tạo tùy tiện của mình đã biến những sáng tác văn học dân gian tồn tại từ bao đời nay vốn trong trẻo và thấm đẫm chất nhân văn bị hiểu một cách lệch lạc, phản cảm và dung tục. Phải chăng người kể chưa đủ tâm và tài để sáng tạo, phải chẳng họ chỉ ngồi trong phòng kín để nghĩ ra một vài tình tiết làm thay đổi văn bản và thế là đã được gọi là “sáng tạo” rồi? Liệu có hay không sự trải nghiệm cuộc sống cho sự sáng tạo ấy và liệu có hay không việc nghĩ đến đối tượng thưởng thức và môi trường diễn xướng của những sáng tạo ấy ?

                                                                              Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc