Lắng đọng từ Tuần lễ phim Việt Nam tại Dak Lak
Bên cạnh những buổi chiếu phim lưu động, phục vụ miễn phí với những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam như “Đường xuyên rừng”, “Những đứa con của làng” và phim tài liệu “Đỉnh cao chiến thắng”, điểm nhấn trong Tuần lễ phim vừa qua là những buổi giao lưu với cán bộ, chiến sĩ, sinh viên và khán giả tại Dak Lak của những đạo diễn, diễn viên như nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, đạo diễn NSƯT Nguyễn Đức Việt, diễn viên NSƯT Trung Anh, đạo diễn Xuân Cường; các diễn viên: Huy Cường, Trương Thế Vinh, Tăng Huỳnh Như, Mỹ Dung, Chánh Thuận …
Tại các buổi giao lưu, những câu chuyện hậu kỳ, cũng như những kỷ niệm trong quá trình làm phim đã được các nghệ sĩ chia sẻ một cách chân thực và dí dỏm. Nhà biên kịch, kiêm giám đốc sản xuất phim “Những đứa con của làng” Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ: Bộ phim mang thông điệp về sự hòa hợp dân tộc, câu chuyện trong phim không chỉ nói về những đứa con của một ngôi làng mà có ý nghĩa rộng hơn, đó là sự đấu tranh về tư tưởng để rồi mọi người hiểu nhau hơn, vượt qua được những hận thù trong quá khứ để cùng nhau xây dựng đất nước. Đạo diễn Nguyễn Đức Việt thì cho biết, cái khó ở bộ phim này là làm sao các nhà làm phim phải làm mới với một đề tài cũ… Với NSƯT Trung Anh thì vai ông Thập thực sự là một vai khó nhất từ trước đến nay với anh trong phim điện ảnh. Anh cho biết, tuổi, cũng như thời điểm sống của nhân vật quá xa với tuổi của anh ngoài đời, chính vì vậy, anh đã phải vào Quảng Trị có thời gian sống, tìm hiểu về con người và phong tục tập quán của người dân nơi đây để hóa thân tròn vai diễn của mình. Riêng diễn viên Huy Cường vào vai Bè, một anh gàn gàn dở dở nhưng lại chân thành với tình yêu, với làng quê bất chấp những khổ hạnh và dị nghị của người đời, là một áp lực không nhỏ. Huy Cường tâm sự, trước đây anh chuyên đóng những vai phản diện, thế nhưng đây là một vai có tâm lý nội tâm nên có những cảnh quay rất vất vả nhưng anh đều cố gắng để hoàn thành vai diễn của mình.
Đoàn làm phim "Đường xuyên rừng" giao lưu với sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên. |
Đối với đoàn làm phim “Đường xuyên rừng”, đạo diễn Xuân Cường cho rằng, đây là một bộ phim đã khắc họa hình ảnh những người lính dũng cảm, mưu trí, có trách nhiệm với đồng đội khi rơi vào những hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh. Bộ phim tiếp cận và phản ánh chiến tranh bằng hình thức tập trung xử lý tâm lý nhân vật với góc nhìn đa chiều và nhân văn, mà ở đó nổi bật tình đồng chí, đồng đội, đồng bào và cả tình yêu đôi lứa; đặc biệt là cách tiếp cận mới mẻ của bộ phim khi thể hiện tình yêu chớm nở giữa chiến sĩ Vinh (Trương Thế Vinh) và cô văn công Thu Hà (Tăng Huỳnh Như), một mối tình trong trẻo trong những khoảnh khắc ác liệt nhất của chiến tranh. Diễn viên Trương Thế Vinh tâm sự: “Dù chưa kinh qua những gian khổ thực sự của chiến tranh nhưng tới lúc phải vác ba lô và cầm súng thật, rồi trải nghiệm trong cảnh tiếng súng bắn, bom nổ thì mình thực sự càng cảm thấy trân trọng, yêu quý cuộc sống hơn”.
Nói về sự khó khăn của việc sản xuất phim tài liệu, qua “Đỉnh cao chiến thắng” đạo diễn Lê Phong Lan bày tỏ: phim cho rằng: phim tài liệu thường rất kén người xem vì không phải ai cũng thích phim tài liệu. Thế nhưng nếu hiểu, phim tài liệu sẽ mang đến cho khán giả những góc nhìn đa chiều, cũng như những hình ảnh, chân thật nhất về lịch sử đấu tranh, kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc. Bởi vậy, chị rất mong sẽ có thêm nhiều khán giả luôn quan tâm phim tài liệu nước nhà.
Bạn Trần Bùi Hồng Cẩm, sinh viên năm nhất khoa Kế toán, Trường Đại học Tây Nguyên hào hứng nói: “Thông qua những buổi giao lưu như thế này em đã hiểu thêm về những khó khăn, vất vả của các đoàn làm phim để tạo nên một tác phẩm điện ảnh. Đặc biệt, em đã hiểu rõ hơn về sự đấu tranh, gian khổ của quân và dân ta trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc; cũng như làm giàu thêm kiến thức và kinh nghiệm sống của bản thân mình”. Theo Thượng tá Vũ Viết Đông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn đặc công Bộ 198, các bộ phim được chiếu trong dịp này đã mang đến cho cán bộ chiến sĩ của Lữ đoàn những cung bậc cảm xúc khó quên, ấn tượng sâu sắc, làm sống lại một giai đoạn lịch sử chói lọi của dân tộc, phản ánh một cách chân thực sự cam go, khốc liệt trong chiến tranh và ở đó, hình ảnh của con người Việt Nam được khắc họa sinh động, cao đẹp, anh dũng, ngoan cường… Đặc biệt, bộ phim “Những đứa con của làng” còn cho thấy truyền thống nhân văn, sự bao dung độ lượng của dân tộc, muốn hòa giải, xóa bỏ hận thù sau chiến tranh để cùng xây dựng, phát triển đất nước.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan cho rằng, Tuần phim đã giới thiệu, phục vụ đông đảo khán giả, đồng bào những tác phẩm điện ảnh thành công về đề tài truyền thống cách mạng, về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta với chiến thắng vẻ vang giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Tuần phim đã đem đến cái nhìn sâu sắc thêm về chặng đường chiến đấu gian lao của quân và dân Việt Nam anh hùng, về giá trị nhân văn của con người, về nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc; đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của điện ảnh trong đời sống xã hội.
Hoàng Gia
Ý kiến bạn đọc