Multimedia Đọc Báo in

Ngôi nhà màu tím

09:15, 28/07/2015

Anh với chị yêu nhau từ hồi cấp ba, cái thời quần xanh áo trắng cứ nghĩ tình đầu dễ vỡ ấy, thì họ vẫn kiên định với tình cảm của mình qua bốn năm đại học để rồi cưới nhau trong sự chúc phúc như vỡ òa của bè bạn.

Hai vợ chồng trẻ dọn về một căn chung cư mới tinh, còn thơm mùi sơn gỗ, hạnh phúc với yên ổn đầu tiên. Chị ngắm nhìn căn phòng màu hồng tím trong mơ của mình giờ đang hiển hiện trước mắt, chợt thấy cay cay sống mũi, rồi ôm chầm anh thật chặt, thủ thỉ “vợ chồng mình sẽ mãi mãi hạnh phúc nha anh”... Anh cười, xiết chặt chị trong vòng tay, hôn lên mái tóc xù bông con nít của chị, nghe ấm áp dâng tràn...

Rồi Cà Rốt với Bí Ngô ra đời, như môt sự chứng minh hạnh phúc vun đầy của anh chị. Từ ngày có Cà Rốt với Bí Ngô, ngôi nhà nhỏ ấm cúng lại càng vui vẻ và sinh động hơn. Lúc nào cũng có tiếng thầm thì to nhỏ của con nít, tiếng cãi nhau chí chóe giành đồ chơi, tiếng "bố về" vỡ òa trên bờ môi nũng nịu, tiếng mẹ cười dịu dàng làm không gian như gần lại và tiếng bố mừng con chụt chụt trên đôi má bầu bĩnh, thơm thơm mùi sữa...

Cà Rốt là con gái nhưng lại giống bố, còn Bí Ngô ngược lại, là con trai nhưng lại y chang mẹ. Vậy nên Cà Rốt đã là chị lại càng ra dáng chị hơn, Bí Ngô thì suốt ngày nũng nịu, mè nheo, nhiều khi làm chị Cà Rốt cáu lên lắm. Cáu có cáu, giận có giận, nhưng Cà Rốt luôn yêu thương Bí Ngô, hai chị em suốt ngày quấn quýt bên nhau, đi học về là lại chụm đầu vào cưới hí ha hỉ hửng, đụng cái gì cũng cười lăn cười bò được. Chỉ đến khi bố về thì mới "gây sự" với nhau vì giành bố.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Một hôm, mẹ đang ngồi thắt bím cho Cà Rốt còn Bí Ngô thì đang loăn xoăn xếp hình thành nhà thì điện thoại chợt rung lên. Mẹ vội vàng nghe điện thoại, rồi mặt mẹ tái đi, mẹ im lặng trong một phút, thẩn thờ ngồi phịch xuống đất trước sự ngờ nghệch của hai đứa trẻ. Sau đó mẹ dẫn hai đứa sang nhà bên cạnh gửi nhờ, mẹ nói mẹ đi mua ít đồ ăn khuya cho Cà Rốt và Bí Ngô...

Mấy ngày sau đó, căn nhà thường rộn rã tiếng nói cười của bố mẹ con cái dường như chùng hẳn xuống. Mẹ không nói nhiều nữa, cũng không cười, bố thì đi hẳn tối mịt mới về, về đến nhà thì không còn vồn vã, mừng rỡ như trước. Chỉ có hai đứa trẻ ngơ ngác trước sự thay đổi của bố mẹ mình, buồn thỉu buồn thiu ôm nhau ngủ, Cà Rốt tỏ vẻ người lớn trấn an Bí Ngô: "Chắc mẹ và bố cãi nhau, vài hôm lại hòa ngay thôi mà, Bí Ngô đừng lo, ngủ đi!".

Nhưng rồi cái "ngay thôi mà" của Cà Rốt dường như không thể tới, rồi một ngày nọ, bố xếp hành lý vào vali, xếp cả đồ đạc của Bí Ngô nữa, xếp cả giấc mơ hạnh phúc mà bố mẹ đã từng vạch ra cái thời còn yêu nhau tha thiết. Bí Ngô nhìn Cà Rốt lo sợ, hai đứa trẻ còn chưa ý thức được chuyện gì đang xảy ra, Cà Rốt mới nhón nhén đến gần bố thủ thỉ: "Bố ơi, Bố làm gì đấy? Bố đi công tác à, sao lại cho cả Bí Ngô đi cùng?".

Bố ngẩng lên nhìn thấy khuôn mặt bầu bĩnh của con gái mình, tự nhiên ứa nước mắt. Bố ôm Cà Rốt chặt vào lòng, hôn lên đôi má thơm sữa của con bé, rồi nhẹ nhàng bảo: "Bố sẽ thường xuyên về thăm Cà Rốt, con nhớ ngoan và nghe lời mẹ nhé!".

-  Thế bây giờ bố đi đâu? Bố đưa cả Bí Ngô đi cùng à?

- Ừ, bố và mẹ không sống chung nữa, bố ở cùng Bí Ngô, còn Cà Rốt ở với mẹ.

- Tại sao bố mẹ không sống chung nữa – Cà Rốt ngân ngấn nước mắt.

Bố nhìn con gái, không biết giải thích sao cho con bé hiểu, chẳng lẽ bây giờ, anh nói anh đã trót phản bội mẹ nó, trót làm hạnh phúc vun đầy chợt vỡ tan, trót làm hai chị em nó phải chia cách, trót làm mọi thứ tan tành mây khói... Thế nên bố đành im lặng, xoa đầu con gái và tránh nhìn vào đôi mắt trong veo của nó. Cà Rốt chợt vùng khỏi tay anh, nó chạy nhanh tới chỗ Bí Ngô đang ngồi "đợi tin" của chị, rồi nó ôm chặt Bí Ngô vào lòng, nó khóc òa lên:

- Con không cho bố đem Bí Ngô đi đâu! Con không cho! Không cho!

Bí Ngô không biết gì, nghe chị khóc nức nở, cũng òa khóc lên. Nó cũng ôm chặt chị, linh cảm trẻ con mách bảo nó, chắc chắn nó sắp bị đem đi xa mẹ, xa chị Cà Rốt của nó. Bố nghe tiếng trẻ con khóc mà đau nhói lòng, nước mắt lã chã rớt xuống bàn tay xương xẩu. Mẹ đứng trong bếp, xoay lưng rửa chén, đôi vai gầy chốc chốc run lên...

Bố đứng bật dậy, ôm choàng lấy hai đứa con nhỏ bé của mình rồi thủ thỉ,

- Bí Ngô đi với bố nào, bố sẽ thường xuyên cho con về thăm chị.

Nhưng Cà Rốt và Bí Ngô cứ thế ôm chặt lấy nhau, khóc nức nở. Mẹ đành chạy lại giằng tay hai đứa ra, mẹ ôm chặt Cà Rốt trong tay mình, còn bố nhấc bổng Bí Ngô lên. Bí Ngô gào lên:

- Con không muốn! Con không muốn! Con muốn ở nhà cơ!

Nhưng rồi cánh cửa mở ra rồi sập lại, chỉ còn đằng sau đó là mẹ ôm Cà Rốt đang nức nở, mẹ cũng nức nở cùng con...

Vậy là đã một tháng trôi qua kể từ ngày hai chị em Cà Rốt, Bí Ngô sống xa nhau. Tối tối, vì nhớ bố quá, Cà Rốt phải ôm áo bố mà ngủ; còn mỗi khi nhớ em, Cà Rốt lại lôi đồ chơi của em ra săm soi, ngồi lẩm bầm một mình, này thì của Bí Ngô này, còn cái này là của phần chị... Ấy ấy, Bí Ngô đừng có mà ăn gian, chị cáu lên bây giờ, chị nghỉ chơi với Bí Ngô bây giờ này... Mẹ lặng lẽ đứng sau lưng con, nhìn đôi vai tròn trịa của con gái mình, ứa nước mắt xót xa, tự hỏi không biết phía bên kia, Bí Ngô có còn mè nheo đòi mẹ nữa không...

Bí Ngô thì khỏi phải nói, cu cậu suốt ngày đòi mẹ, đòi chị Cà Rốt. Mới đầu khóc chán chê, bố xót xa nhưng không dỗ dành, sợ cu cậu làm tới. Dần dần cu cậu thấy chiêu mè nheo của mình không ăn thua, liền lon ton lại gần, leo lên lòng bố, ôm chặt cổ bố thủ thỉ:

- Bố con mình về ở với mẹ được không bố? Con thèm cơm của mẹ quá! Còn cũng thèm được ngủ với chị Cà Rốt nữa! Con hứa với bố con sẽ không khóc nhè nữa, con sẽ ngoan, con sẽ nghe lời... – Lời Bí Ngô vỡ òa ra, cu cậu đã ráng kìm nén để không khóc, nhưng rồi trẻ con vẫn là trẻ con, không bao giờ biết kiềm chế cảm xúc của mình. Nước mắt ròng ròng xuống đôi bờ má phớt sữa của Bí Ngô làm bố như chết lặng. Anh ôm con vào lòng, tự trách mình nông nỗi, tự trách mình đã quá nhẹ dạ, quá chủ quan. Anh thương người vợ bé nhỏ đã bị anh làm tổn thương, thương những kỷ niệm đẹp của hai người, thương tình yêu của hai người cuối cùng lại bị anh làm cho vỡ nát. Nhìn cảnh con cái chia xa, vợ chồng chia lìa, anh càng trách mình hơn nữa. Nhưng anh không thể nào làm được gì khác, vợ anh đã từ bỏ anh, từ bỏ sự ngu dại của anh, mặc anh van xin, mặc anh khóc lóc, vợ anh cũng quyết định từ bỏ. Trong bao năm yêu nhau, cưới nhau, rồi chung sống với nhau, anh chưa bao giờ thấy vợ mình cứng rắn đến thế. Chợt nhớ lại câu nói của vợ mình thuở con yêu nhau, rằng, cô ấy sẽ không bao giờ tha thứ cho sự dối trá và phản bội trong tình yêu. Anh đã mắc phải cả hai điều cấm kị ấy, thế nên anh đành phải nghe theo lời vợ. Chia tay... tự trong đáy lòng, anh vẫn còn yêu vợ nhiều lắm, sự dại dột của anh chỉ là một phút nông nỗi mà thôi. Thế nhưng anh không có can đảm nói rằng anh yêu vợ mình, bởi anh biết, bây giờ có nói ra, thì càng làm cho vợ anh ghê tởm mình mà thôi...

Một ngày nọ, bố đến đón Bí Ngô muộn ở trường mầm non mới hay tin là Bí Ngô đã được đón rồi. Bố cuống cuồng gọi điện cho vợ, chị nói rằng Bí Ngô không có ở đây. Thế là hai bố mẹ vội vã chạy khắp nơi đi tìm Bí Ngô. Chị gặp lại anh, nhìn dáng vẻ gầy guộc của anh, chị không nén nổi xót xa, chị khóc òa lên đấm thình thịch vào ngực anh:

- Anh làm bố mà vô trách nhiệm như vậy à! Bây giờ biết tìm con ở đâu bây giờ? Trời sắp tối rồi, anh biết không hả? Tối rồi! Con trai tôi có mệnh hệ gì, tôi không tha cho anh đâu!

Anh đau lòng nhìn dáng vẻ mảnh mai yếu đuối của vợ, chợt thấy mình như hóa thành kẻ vô dụng. Nghe vợ khóc, anh càng nóng ruột nóng gan. Hai vợ chồng lái xe đi khắp nơi để hỏi thăm, để tìm kiếm. Nhưng rồi không tìm thấy. Chị lả đi vì khóc, còn anh muốn quỵ xuống vì trách cứ bản thân mình. Anh đưa chị về nhà. Bước vào căn nhà quen thuộc, anh muốn ôm chầm lấy chị, ôm chầm lấy mọi thứ thân thương với mình, anh ứa nước mắt đưa ánh nhìn của mình tìm Cà Rốt. Rồi anh ngỡ ngàng nhìn thấy Cà Rốt với Bí Ngô nằm ngủ ngon lành trên ghê sô pha! Anh khẽ ra dấu cho chị, hai người như òa lên mừng rỡ trong im lặng, chạy vụt tới quỳ xuống ngắm nhìn đôi mặt bầu bĩnh trẻ thơ của con mình. Tim chị như muốn rớt ra, còn anh thì thở phào nhẹ nhõm. Trên ghế sô pha, Cà Rốt ôm chặt lấy Bí Ngô ngủ ngon lành, trong mơ, Cà Rốt lắp bắp, con không cho em Bí Ngô đi đâu, không được đem em Bí Ngô của con đi”... Còn Bí Ngô thì nói mơ: Cà Rốt đừng cáu em, em hết khóc nhè rồi, em hết nhõng nhẽo rồi, để bố còn thương, bố còn cho em về với chị... Tay hai đứa nắm chặt nhau, tưởng chừng không bao giờ có thể tách rời ra nữa.

Bố nhẹ nhàng thủ thỉ với mẹ: "Đừng làm khổ bản thân mình nữa được không em! Hãy cho anh cơ hội, một lần thôi! Anh không muốn sống mãi trong sự xót xa! Không muốn nhìn thấy Cà Rốt và Bí Ngô phải khổ sở, anh không muốn gia đình mình phải chia lìa! Anh muốn em và anh tiếp tục thực hiện ngôi nhà hạnh phúc mà em đã vẽ ra! Anh muốn sống trong ngôi nhà đó của em, bởi vì nơi đó có em, có Cà Rốt, có Bí Ngô, có chúng ta..."

Mẹ không nói gì cả, bởi mẹ đang khóc. Mẹ đưa tay nắm chặt lấy bàn tay bố, mẹ muốn tha thứ cho sự dại dột của bố một lần, vì mẹ vẫn còn yêu bố lắm, mẹ yêu cái gia đình ấm cúng của mình lắm lắm. Vậy nên mẹ quyết tâm không buông tay bố ra, quyết tâm dẹp bỏ cái sỉ diện của mình... chỉ để có hạnh phúc mà thôi. Nước mắt mẹ rơi xuống bờ má phụng phịu của Cà Rốt, con bé choàng tỉnh. Nó mở mắt ra, nhìn thấy bố mẹ cầm tay nhau, chợt lay lay Bí Ngô dậy, nó cười chúm chím: Bí Ngô này, xem này, bố mẹ cầm tay nhau này, bố mẹ đã về bên nhau rồi, thấy chưa, chị đã nói là "ngay thôi mà"... Bí Ngô ú ớ tỉnh giấc, nghe giọng chị Cà Rốt lanh lảnh, nó ôm chầm lấy mẹ khóc nức nở làm Cà Rốt phát cáu:

- Thế mà dám nói là đã hết khóc nhè! Nín đi, không chị đánh đòn bây giờ!

Bố ôm Cà Rốt vào lòng, mái tóc xù bông của con bé giống mẹ như đúc, chốc chốc lại dụi dụi vào mặt anh nghe ấm áp làm sao. Bốn người cứ thế ôm nhau, ngôi nhà màu tím hồng của họ chợt trôi về hạnh phúc... mãi mãi...

                                              Phan Mai Thư Nhã


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.