Niềm hy vọng ở thế hệ chiêng trẻ buôn Kom Leo
Dưới tán cây muồng bên hông nhà cộng đồng buôn Kom Leo, một nhóm gần 20 thiếu niên nam người Êđê, em nhỏ nhất mới 6 tuổi, em lớn nhất 17 tuổi, đang chăm chú theo dõi và tập đánh chiêng theo sự hướng dẫn của nghệ nhân dân gian Y Hiu Niê Kđăm. Mỗi em ngồi trên một chiếc ghế nhựa, quây thành vòng tròn xung quanh nghệ nhân, chăm chú theo dõi từng động tác của thầy giáo, cách cầm dùi, gõ nhịp và nhẩm nhịp đánh. Nghệ nhân Y Hiu ngồi trên chiếc ghế cao, tay trái cầm dùi chiêng, tay trái cầm thanh K’nah tre đặt trên đầu gối. Sau một lúc hướng dẫn chung, thầy Y Hiu lần lượt hướng dẫn và kiểm tra từng em. Tuy mới học nhưng một số em thể hiện khá tốt, nắm bắt cách gõ nhịp khá nhanh. Từ đây, thầy Y Hiu phân nhóm các em tùy theo khả năng tiếp thu của từng em để có cách hướng dẫn phù hợp. Nghệ nhân Y Hiu tâm sự: “Các em học rất chăm chú, dường như các em cũng nhận ra đánh chiêng lúc nào cũng có cái mới mẻ, những nét đẹp riêng của nó. Một số em vẫn còn vụng về bởi đánh chiêng cũng tùy theo năng khiếu của từng người, không ai giống ai được”.
Nghệ nhân Y Hiu giới thiệu về chiêng tre cho các học viên nhí. |
Hè năm nay, lớp dạy đánh chiêng lần đầu được tổ chức tại buôn Kom Leo với kinh phí khoảng 30 triệu đồng do UBND TP. Buôn Ma Thuột cấp. Trong vòng 1 tháng, nghệ nhân Y Hiu sẽ truyền dạy cho các em các kỹ năng đánh chiêng cơ bản nhất trên cả 2 loại chiêng đồng và chiêng tre. Mọi hôm lớp học diễn ra trong nhà văn hóa cộng đồng nhưng hôm nay buôn tổ chức họp dân nên lớp học đã được chuyển ra dưới tán muồng. Dù học ở đâu thì dường như niềm say mê của các em cũng không thay đổi. Khi nghệ nhân hướng dẫn, mỗi em trên tay cầm 1 thanh tre và chiếc dùi, chăm chú quan sát nghệ nhân đếm và gõ nhịp. Có em cảm âm tốt, gõ đúng ngay sau khi thầy hướng dẫn. Được thầy khen, em mỉm cười thích thú. Có em chưa cảm được nhịp, lặng lẽ nhìn khi thầy bảo tạm dừng nghe các bạn khác tập, khuôn mặt em thoáng nét buồn nhưng rồi cũng tập trung quan sát các bạn và nhẩm nhịp theo. Trong số gần 20 em tham gia lớp học, có em thậm chí còn chưa được tận mắt nhìn thấy diễn tấu cồng chiêng bao giờ. Thế nhưng khi nghe tiếng chiêng vang lên, em vẫn thể hiện những cảm xúc đặc biệt. Em Y Thuyết Niê, 10 tuổi, cho biết chỉ mới thấy diễn tấu chiêng trên tivi chứ chưa thấy ngoài đời bao giờ, em cũng không biết trong nhà có ai biết đánh chiêng hay không. Nhưng mỗi khi nghe tiếng chiêng ngân lên, em lại cảm thấy thích thú và xúc động, tự hào về loại nhạc cụ dân tộc mình.
Theo truyền thống Êđê, chỉ có người trưởng thành mới được sử dụng chiêng, còn trẻ em chưa đến tuổi thì không được đánh chiêng. Nhưng hiện nay, khi mà không gian diễn tấu cồng chiêng ngày càng bị thu hẹp, số nghệ nhân biết chỉnh chiêng, đánh chiêng ngày càng ít và đều đã cao tuổi, việc truyền dạy, đào tạo thế hệ kế cận, tiếp nối càng trở thành vấn đề được quan tâm hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, việc này không phải dễ. Để duy trì được một đội chiêng, ngoài việc đầu tư kinh phí mở lớp, mời thầy dạy, các em còn cần được ôn luyện thường xuyên và quan trọng là phải có không gian cho các em diễn tấu, biểu diễn. Nghệ nhân Y Hiu bộc bạch: “Học đánh cồng chiêng không phải chỉ là chuyện 30 ngày đâu, 30 ngày chỉ là những cái cơ bản mình truyền lại để hiểu được cái gì là kỹ năng cơ bản, thao tác của nó thôi. Phải gắn bó, sống với nó một chặng đường dài, cồng chiêng mới “ngấm”, mới trở thành niềm say mê của bọn trẻ”.
Sau lớp học này, thêm 1 đội chiêng trẻ sẽ được thành lập, rất có thể các em sẽ là đội chiêng đại diện cho buôn Kom Leo tham dự các cuộc thi diễn tấu chiêng hay đi biểu diễn đây đó. Hy vọng rằng, tiếng chiêng của các em sẽ được trau chuốt nhiều hơn để ngày càng tròn trịa, âm vang. Tiếng chiêng ấy sẽ theo bước chân của các em đi xa hơn, ngân vang hơn.
An Phương
Ý kiến bạn đọc