Trong mái nhà xưa
Tôi gắn bó cùng ngôi nhà vừa mở cửa sổ đã nghe hương ổi tràn vào phòng ấy suốt tuổi thần tiên. Các em tôi lần lượt ra đời. Tôi vừa ru em vừa cầm sách đọc bài đến nỗi quyển sách nhàu nát đến tội nghiệp.
Có lần ham chơi, tôi bỏ em khóc đến ngất trong nôi. Trong ngôi nhà ấy, mẹ đã dạy tôi cách xếp quần áo cho ngay thẳng, cách nhặt rau sao cho nhanh mà không bỏ sót, cách nhặt thóc ra khỏi gạo. Mẹ tôi lúc nào cũng mong muốn tôi học được tính chu đáo, trung thực và ngăn nắp trong mọi việc giống như mẹ.
Trong ngôi nhà ấy, mấy anh chị em tôi đã ôm nhau ngủ qua những mùa đông lạnh giá. Anh Hai tôi là người rất chiều và thương em. Tôi ngờ rằng anh là người thương em nhất thế gian. Anh nhường cho chúng tôi từ cái kẹo đến trái ổi hái được sau vườn. Hai đứa em tôi còn vòi anh đủ thứ, nào thổi bong bóng, làm diều, làm súng bời lời, cối xay bằng hột xoài. Anh rất khéo tay, làm thứ gì cũng đẹp. Anh còn rất siêng năng, biết nấu cám lợn, cho lợn ăn khi còn là học sinh cấp một. Mẹ tôi cứ đem anh ra để làm gương cho tôi. Không hiểu sao khi bé, tôi là con bé hay đành hanh, ăn hiếp em, nhất là đứa em gái kề tôi nhất. Tôi nạnh em rửa chén, quét nhà, nấu cơm. Mẹ biết, mắng tôi: “Chị mà chẳng ra chị”. Câu ấy của mẹ có tác dụng rõ rệt, tôi không còn đùn hết việc cho em làm nữa mà còn biết giành việc của em làm giúp: “để đó tau làm, học bài đi!”.
Minh họa: Trà My |
Trong ngôi nhà ấy, tôi có hàng ngàn đêm học bài bên ánh đèn dầu tù mù. Bàn bên cạnh, mẹ ngồi soạn giáo án. Tiếng dế gáy te te, tiếng vạc sành kêu chanh chách. Dơi quần vườn ổi sàn sạt. Chốc chốc, em tôi quay sang hỏi: “Đố chị Ba, mùa đông gấu ăn chi?”. Tôi bĩu môi: “Bày đặt hỏi nữa, tau còn thuộc lòng bài tập đọc đó nghen mi”. Em tôi xuýt xoa: “Ước chi mình cũng ngủ đông như gấu chị Ba hỉ, vừa ấm vừa khỏi nấu cơm”. Năm ấy em học lớp hai, còn anh Hai tôi đã lên thành phố trọ học ở nhà dì vì quê tôi thời đó không có trường cấp ba. Thằng Út thì đang ngủ ngon lành trong buồng, lâu lâu nghe nó nói mớ: “Anh Hai, kẹo kẹo”.
Những buồn vui thơ ấu của tôi, ngôi nhà đều chia sẻ. Ngày tôi vào đại học, lần đầu tiên sống xa nhà, chiều nào tôi cũng khóc. Chao ôi là nhớ. Nhớ căn nhà bếp dột nát và con mèo mướp bị vọc đến ngất lịm chạn gỗ năm nào. Nhớ nội với món bánh bò thơm thơm, ngòn ngọt. Nhớ tiếng lá rơi sột soạt sau vườn những buổi sớm thức rồi còn chưa chịu tung chăn bò dậy. Nhớ chiều ngồi đong đưa cánh võng nhìn hoàng hôn đỏ ngập phía cánh đồng. Bất cứ thứ gì, dù nhỏ nhặt nhất cũng trở thành nỗi nhớ trong ký ức những kẻ xa quê.
Thế rồi, nỗi nhớ ấy dần nhường chỗ cho nhịp cuồng quay chốn thị thành. Anh em tôi cũng như bao nhiêu đứa trẻ nông thôn khác có quá nhiều lý do để không trở lại nơi đã cho mình dòng sữa đầu tiên, cố tìm cách để bám trụ lại thành phố. Để ngôi nhà nuôi chúng tôi khôn lớn giờ là ngôi nhà xưa, chỉ còn ba mẹ vào ra với chất chồng kỷ niệm mà những đứa con đã trót mang kiếp tha hương vào mình gửi lại. Để cứ mỗi độ xuân về, ngôi nhà ấy được vài hôm nhộn nhịp tiếng nói cười, vài đêm ấm áp những cái choàng tay mơ ngủ. Sau đó là chuỗi ngày những nhớ thương quê nhà mòn mỏi trông theo cánh nhạn cuối trời…
Ngô Thị Thục Trang
Ý kiến bạn đọc