Multimedia Đọc Báo in

"Viếng bạn" – một bài thơ xúc động viết về người chiến sĩ hy sinh

16:32, 27/07/2015

Viếng bạn

Hôm qua còn theo anh

Đi ra đường quốc lộ

Hôm nay đã chặt cành

Đắp cho người dưới mộ

 

Đứa nào bắn anh đó

Súng nào nhằm trúng anh

Khôn thiêng anh chỉ mặt

Gọi tên nó ra anh!

 

Tên nó là đế quốc

Tên nó là thực dân

Nó là thằng thổ phỉ

Hay là đứa Việt gian?

 

Khóc anh không nước mắt

Mà lòng đau như thắt

Gọi anh chửa thành lời

Mà hàm răng dính chặt

 

Ở đây không gỗ ván

Vùi anh trong tấm chăn

Của đồng bào Cửa Ngăn

Tặng tôi ngày phân tán

 

Mai mốt bên cửa rừng

Anh có nghe súng nổ

Là chúng tôi đang cố

Tiêu diệt kẻ thù chung

Hoàng Lộc

Tôi được học bài thơ “Viếng bạn” của nhà thơ Hoàng Lộc từ thời tiểu học. Bài thơ ngắn gọn, giản dị mà đánh thức nhiều tình cảm thiêng liêng trong mỗi con người Việt Nam: lòng căm phẫn sâu sắc đối với kẻ thù, tình quân dân cá nước sâu nặng, đặc biệt là tình đồng chí, đồng đội dâng tràn tha thiết.

Khổ thơ mở đầu giản dị theo mạch kể chuyện, nhưng là câu chuyện đầy kịch tính. Kịch tính nên có cao trào, có sự giằng xé đến tột đỉnh. Nghệ thuật đối lập trong khổ thơ đã phát huy được khả năng kích cảm đối với người đọc:

Hôm qua còn theo anh

Đi ra đường quốc lộ

Hôm nay đã chặt cành

Đắp cho người dưới mộ

Chiến tranh quả thật dữ dội mà con người không lường trước được. Khoảng cách giữa “hôm qua” và “hôm nay” đã biến thành khoảng cách giữa sự sống và cái chết, giữa tồn tại và hủy diệt. Sau này, nói như nhà thơ Thanh Thảo “một chiếc áo có thể sống lâu hơn một cuộc đời”, ta mới nhận thấy sự tàn khốc của chiến tranh. Chính sự mất mát quá đột ngột ấy của người đồng chí chỉ sau một ngày đã khiến tác giả không thể kìm nén nổi cảm xúc. Hai khổ thơ tiếp theo vừa là một lời ướm hỏi với người bạn nằm xuống, vừa là lời buộc tội đanh thép, dõng dạc trước kẻ thù. Mạch thơ vì thế tự nhiên như một lời bộc phát từ cõi lòng tác giả. Người đọc không cần tìm thấy câu chữ của thơ vẫn cảm nhận được chất thơ từ đáy lòng đau thương chất ngất:

Tên nó là đế quốc

Tên nó là thực dân

Nó là thằng thổ phỉ

Hay là đứa Việt gian?

Thủ pháp liệt kê kết hợp với câu hỏi tu từ ở đây được Hoàng Lộc sử dụng hết sức nhuần nhuyễn, diễn tả đúng tâm trạng của người đi viếng mộ bạn. Trước sự hy sinh bất ngờ của đồng đội, hàng loạt câu hỏi được đặt ra, xoáy sâu như để chỉ đích danh kẻ thù đã giết bạn. Càng hỏi, tác giả càng đau xót và thương bạn nhiều hơn:

Khóc anh không nước mắt

Mà lòng đau như thắt

Gọi anh chửa thành lời

Mà hàm răng dính chặt

Đây có thể xem là khổ thơ hay nhất, xúc động nhất của bài thơ “Viếng bạn”. “Khóc không nước mắt” là nỗi đau đã được gói vào bên trong, cặp mắt cứ ráo hoảnh mà xót xa lên đến tận cùng. Ta để ý cái âm khép “ắt” gieo vần ở khổ thơ thứ tư này như một sự tức nghẹn, uất ức đến tột đỉnh. Chắc chắn, hận thù sẽ biến thành hành động, hành động cụ thể để báo thù cho bạn. Lời tâm niệm của nhà thơ vừa âm thầm, lắng đọng vừa mãnh liệt, dứt khoát. Âm điệu của bốn câu thơ cuối bài dồn dập vang lên như một lời thề đanh thép minh chứng cho điều đó:

Mai mốt bên cửa rừng

Anh có nghe súng nổ

Là chúng tôi đang cố

Tiêu diệt kẻ thù chung!

Thơ hay không cứ phải cần nhiều đến chữ nghĩa. Chữ nghĩa, xét cho cùng chỉ là sự phô diễn của tấm lòng, của tình cảm tác giả. Bài thơ “Viếng bạn” của Hoàng Lộc thực sự gây xúc động cho nhiều thế hệ độc giả mấy chục năm qua vì cái tình quá nặng, nỗi đau quá lớn. Cảm động hơn, bài thơ ra đời chưa bao lâu thì chính tác giả lại hy sinh trong một chuyến đi công tác. Người “Viếng bạn” cũng đã về với bạn, duy nỗi niềm tiếc thương vẫn còn đọng mãi với hậu thế muôn đời sau.

Lê Thành Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.