Multimedia Đọc Báo in

Gian nan những mùa gặt chạy lũ

05:31, 09/08/2015

Hằn sâu trong ký ức những năm tháng tuổi thơ tôi nơi quê nhà có lẽ đó là những mùa gặt chạy lũ đầy gian nan vất vả.

Nằm trên mảnh đất miền Trung đầy nắng gió, quanh năm phải hứng chịu những trận mưa và bão lũ triền miên, chính vì vậy mà những con người sinh ra ở làng quê tôi luôn phải oằn mình để chống chọi, để “sống chung” với bão lũ. Hết thảy người dân quê tôi đều làm nghề nông, khi cái ăn, cái mặc và mọi chi tiêu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày đều trông mong ở sản vật của mùa màng là hạt lúa, bắp ngô, củ khoai, củ mì... thu hoạch được. Và như vậy, nếu được mùa thì người dân no đủ mát mặt, còn lỡ mất mùa thất bát thì cái đói sẽ đeo đẳng quanh năm...

       Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Từ lúc tôi sinh ra cho tới khi biết cảm nhận mọi thứ thì hầu như chẳng năm nào tôi không thấy bão lũ xuất hiện. Có những năm chỉ một tháng thôi mà có cả thảy vài, ba cơn bão tràn qua khiến khung cảnh làng quê tang thương, xơ xác. Khi đó, nhà nào cũng nghèo nên hầu như chẳng có tiền để xây cho được những ngôi nhà gạch, nhà bê tông mái bằng chắc chắn, mà toàn là nhà tranh vách đất, nên cứ mỗi khi các cơn bão mạnh với sức gió cuồng phong qua đi là những nếp nhà tranh lại xiêu vẹo tốc mái. Không ít ngôi nhà không thể chống chọi được với gió bão đã sụp đổ khiến cho gia cảnh người dân vốn đã nghèo lại lâm vào cảnh cơ hàn cùng cực. Bão tới thường kèm theo những trận mưa lớn tầm tã, kéo dài có khi cả ngày, đêm khiến cho nước dâng cao, và sẽ là quá khó cho việc cứu vớt các cây nông nghiệp bị ngập úng, khi mà nước từ các triền sông cũng ùn ứ làm cho nước trong đồng ruộng không thể tiêu úng kịp. Nước ngập sâu, cây trồng ngâm trong nước úng như thế chỉ có thể cầm cự sự sống trong vài ngày là cùng, còn lỡ nước “ngâm” cả tuần trời thì coi như công sức lao động sản xuất của người dân trong cả mấy tháng ròng coi như... đi tong và trở thành công cốc. Những khi nước lũ dâng cao vùi chôn mùa màng như vậy, mà dấu hiệu của việc tiêu úng không có gì tiến triển thì dân quê tôi thường đổ ra đồng để thu hoạch chạy lũ, mong vớt vát lại chút nông sản, gọi là thu được chút gì hay chút đó. Có những năm, khi cánh đồng lúa vừa độ hạt thóc ngậm hạt chín vàng đỏ đuôi, nghĩa là bông lúa chín độ một phần ba, thì mưa bão kéo dài thâu vài ngày. Nước dâng cao ngập trắng đồng, ngập hết luôn cả bờ vùng bờ thửa, khiến cho ai cũng đau lòng nhìn cánh đồng lúa sắp đến thời kỳ thu hoạch nay trở thành biển nước trắng mênh mông. Việc gặt lúa chạy lũ thường diễn ra rất khẩn trương và nó không giống với những mùa gặt bình thường, khi mà công cụ chính để đi gặt là những chiếc thuyền, hoặc bè mảng để làm phương tiện chứa cũng như chuyên chở lúa từ đồng về làng. Công việc gặt lúa theo kiểu mò mẫm, thường do người lớn, thanh niên trai tráng đảm nhận, bởi việc “mò” lúa là rất khó khăn khi mà nước ngập sâu, lại nguy hiểm nếu không cẩn thận sẽ bị liềm cứa vào tay, chân. Trẻ con và những người già có sức vóc yếu hơn thường làm công việc vận chuyển lúa đã gặt về làng. Việc ngâm mình dưới nước để mò lúa cả nhiều tiếng đồng hồ như thế khiến cho cơ thể ai cũng nhợt nhạt, da cũng thâm tím nếu như thời khắc đó là mùa đông giá lạnh.

Lũ trẻ chúng tôi của những mùa chạy lũ một thời giờ đã lớn khôn, khi người thì ở lại quê nhà làm người nông dân, kẻ ra thành phố hay đi nhiều miền quê khác lập nghiệp. Ngày tôi xa làng quê thân yêu để lên thành phố học đại học cũng vào một mùa lũ lớn lịch sử, nước ngập trắng đồng và cha mẹ tôi do mải ra đồng cứu lúa đã không thể tiễn được con ra phía cổng làng. Vết hằn trong giờ chia xa về mùa chạy lũ báo hiệu tiếp những ngày đói kém cứ đeo đẳng tôi trong suốt hành trình chuyến đi. Thời gian cứ trôi đi, bão lũ vẫn triền miên và người dân miền Trung quê tôi vẫn luôn gắng gượng vượt qua sự khắc nghiệt của thiên tai để được tồn tại trên mảnh đất này.

Trịnh Viết Hiệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.