Multimedia Đọc Báo in

Mót lúa đồng chiều

10:07, 25/09/2015
Khi mùa gặt đã về với một màu vàng của lúa chín trên những cánh đồng làng, với từng con ngõ rơm phơi, với sân nắng điệp theo màu của lúa mới gặt về, thì lòng tôi cũng trải theo nỗi niềm quê hương xứ sở.
 
Nhà đã không còn làm ruộng từ rất lâu, nên nỗi nhớ, niềm thương hạt lúa sợi rơm lại càng tha thiết trong tôi mỗi khi đến mùa lúa chín. Nhưng bất chợt chiều nay, mùa gặt để lại ấn tượng trong tôi bằng một hình ảnh khác, đó là những bà cụ còng lưng đi mót lúa rơi trên thửa ruộng vừa gặt xong.
Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Có lẽ trong thăm thẳm miền nhớ của tôi, hình ảnh những người mẹ, người chị, người bà đi nhặt từng bông lúa rơi rụng trong mùa gặt mà người ta để sót lại chỉ xuất hiện trong những trang truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam. Bởi tôi sinh ra, cuộc sống làng quê nơi tôi sống dẫu còn rất nhiều khó khăn, nhưng khi mùa gặt về, không có bóng dáng của những người đi nhặt lúa, mót thóc trên đồng ruộng. Có lẽ là ruộng quê tôi ít quá, mỗi nhà chỉ được vài sào mà thôi. Mà chừng ấy ruộng, khi gặt, việc để rơi rớt hay sót lúa cũng không nhiều. Nhưng khi đôi chân đã đủ lớn đi đến những miền quê khác, việc những người phụ nữ đi nhặt lúa rơi sót lại trên ruộng đồng mùa gặt đã không còn xa lạ với tôi nữa.

   Khi nắng chiều đã nhạt màu hơn cả màu vàng ánh lên từ cánh đồng lúa chín, cũng là lúc tôi hay một mình một xe lang thang ngắm những cánh đồng vào vụ gặt. Khói rơm rạ đốt trên những đám ruộng gặt sớm cũng là là bay lên, nhập vào sương chiều, nhập cả vào mắt tôi cay xè. Nhưng với một người lớn lên từ bờ tre gốc rạ, cái cảm giác cay cay ấy lại rất đỗi thân quen lắm. Kèm theo đó là vị của tro, của khói rơm rạ rất đặc trưng, đủ sức níu lòng những ai muốn tìm cho mình khoảnh khắc đáng nhớ của quê nghèo. Và, trong cái vàng của lúa, cái mờ mờ sương và khói ấy, tôi nhận ra bóng lưng còng của những cụ bà đi mót lúa. Trên tay thường là một cái bao hay cái thúng nhỏ thôi, các cụ cặm cụi trong chiều, trong cái cơ cực mà ngót cả một đời vẫn chưa trút khỏi được đôi lưng còng rạp ấy.

Tôi thương cái dáng lưng còng xuống trong chiều ấy, như thương chính thân phận của người phụ nữ quê nghèo, như mẹ tôi, chưa một ngày bình yên, bớt vất vả. Số phận nhiều khi quá khắt khe khi cũng là phụ nữ, nhưng họ không may mắn có một gia đình khá giả, rồi phải gian lao một đời vì chồng con, hay vì chính bản thân mình, chung quanh cái ăn, cái mặc. Và, thường thì những cụ bà đi nhặt lúa rơi trên ruộng trong mùa gặt là những cụ neo đơn, không con cái hoặc con cái không giúp gì được. Bản thân các cụ cũng không làm gì để có cái sinh hoạt hằng ngày như mọi người. Không còn sức để mưu sinh, các cụ đành đi mót vài bông lúa, hạt lúa để mong có thêm được chén cơm, bát cháo. Có lẽ niềm vui của các cụ khi màn đêm tràn qua mặt ruộng, trở về nhà, là có một bao lúa mót nặng trên tay. Giấc ngủ sẽ đến, xua đi cái mệt, cái mỏi của đôi chân dầm dưới ruộng, dưới bùn.

Không biết bao giờ, trên những đám ruộng quê nghèo mới hết những cụ già đi mót lúa khi mùa gặt về. Và không biết đến bao giờ, những phận người phụ nữ nơi làng quê mới bớt đi cơ cực, lấm lem như trộn trong bùn đất. Cũng trong một buổi chiều lang thang lối ruộng, nói chuyện với một người gặt lúa bằng máy gặt đập liên hợp, tôi nghe được một điều theo tôi là đáng vui. Anh bảo rằng gặt máy bây giờ, nhiều người gặt cho nhanh nên sót rất nhiều, người chủ ruộng cũng không mặn mà gì với vài ba bông lúa sót ấy. Nên, tôi tin rằng những cụ bà mót lúa trong chiều lại có thêm những hy vọng, để bát cháo, chén cơm của họ thêm lên vài hạt và sự mưu sinh vơi bớt nhọc nhằn.

 Nguyễn Thành Giang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.