Multimedia Đọc Báo in

Gặp người lập Kỷ lục Việt Nam với tác phẩm viết về Bác

07:28, 18/10/2015
Sinh năm 1980, là giáo viên dạy Mỹ thuật tại Trường THCS Trần Bình Trọng (TP. Buôn Ma Thuột), chưa từng ra mắt bạn đọc tác phẩm văn học nào, thế nhưng Nguyễn Hồng Quân (bút danh Nguyễn Quân) đã tạo bất ngờ khi lập Kỷ lục Việt Nam “Truyện thơ dài nhất về Bác Hồ được viết bằng thể thơ lục bát” bằng tác phẩm trường ca “Truyện về Người” với 13.519 câu thơ.

Cầm trên tay tập trường ca “Truyện về Người” của Nguyễn Hồng Quân với độ dày gần 500 trang (khổ 13 x 20,5 cm), mới thấy được để hoàn thành tác phẩm đạt kỷ lục như vậy thì phải có sự tâm huyết, quyết tâm lớn đến nhường nào. Anh Hồng Quân chia sẻ: “Khi quyết định viết tác phẩm này, mình cũng băn khoăn lắm, bởi từ trước đến nay đã có rất nhiều tác phẩm viết về Người, ở nhiều thể loại. Bên cạnh đó lại còn công việc chuyên môn hằng ngày, thời gian đâu mà viết?”. Nhưng rồi với lòng kính trọng, tình cảm tha thiết đối với Bác cũng như quyết tâm thử sức, khẳng định mình đã thôi thúc anh viết và hoàn thành tác phẩm. Anh đã sắp xếp, bố trí lịch làm việc để vừa có thời gian viết, vừa bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thấy nguồn tư liệu mình có còn ít, anh cất công tìm hiểu, sưu tầm tài liệu ở nhiều nguồn để từ đó đưa vào làm các tình tiết, xây dựng hình tượng nhân vật được rõ nét hơn.

Anh Nguyễn Hồng Quân, tác giả  của trường ca “Truyện về Người”.
Anh Nguyễn Hồng Quân, tác giả của trường ca “Truyện về Người”.

Có tư liệu trong tay, nhưng để viết thành tác phẩm là cả một quá trình đầy khó khăn. Là giáo viên dạy mỹ thuật, chuyện viết lách chỉ là “tay ngang”, nên khó khăn này với anh còn tăng lên gấp bội. “Có những lúc mình đã nghĩ, có khi cả đời mình cũng không thể viết xong được tác phẩm bởi gặp phải khá nhiều khó khăn. Từ việc tìm kiếm, tra cứu tài liệu, nhất là giai đoạn Bác Hồ ở nước ngoài, tư liệu không có nhiều, thậm chí có những tài liệu là ngoại ngữ mình phải vừa mày mò tra từ điển, vừa nhờ người dịch hộ; chưa kể những tên riêng, địa danh nước ngoài phải làm thế nào để phiên âm đưa vào thơ lục bát cho hợp vần, hợp thanh; rồi khó khăn về điều kiện kinh tế gia đình... Có những thời gian mình đã phải gác lại việc làm thêm để hoàn thành giai đoạn mấu chốt”, Nguyễn Hồng Quân chia sẻ.

Một tuần dành 3 ngày để viết, chưa kể có những lúc bất chợt ý thơ nảy ra, anh lại cặm cụi lấy giấy bút viết viết, sửa sửa... Mất 3 năm đầu tập trung vừa nghiên cứu tài liệu, vừa viết; được hơn 1.000 câu thơ, cảm thấy chưa ưng ý anh đã hủy đi và tìm hiểu thêm các tư liệu về Bác để xâu chuỗi lại các sự kiện, nhân vật, xây dựng bộ khung, có trọng tâm, trọng điểm với quyết tâm viết lại từ đầu để hình ảnh của Bác trong tác phẩm được trung thực, chính xác và sâu sắc hơn. Trên cơ sở những tư liệu thu thập được, anh xây dựng bố cục, tóm tắt nội dung thành hệ thống để triển khai ý. Từ việc xác định bố cục, anh chia tác phẩm làm 5 chương theo từng giai đoạn cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: từ khi sinh ra ở Nghệ An, đi học ở Huế, đi bôn ba tìm đường cứu nước, về nước thành lập Chính phủ lâm thời, phát triển chiến khu cách mạng, đánh thắng thực dân Pháp, tổ chức xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa đồng thời chống đế quốc Mỹ và sự ra đi của Bác đã để lại một sự nghiệp cách mạng vĩ đại cho dân tộc.

Bắt đầu viết từ năm 2005, sau hơn 9 năm miệt mài đầu tư công sức cho tác phẩm, đến tháng 4-2014 anh hoàn thành trường ca “Truyện về Người”. Chưa bàn đến nội dung, nghệ thuật mà chỉ nói đến tâm huyết của anh khi sáng tác tác phẩm cũng đã là một điều đáng trân trọng. Giới thiệu về tác phẩm của mình, Nguyễn Hồng Quân cho biết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại, nhà tư tưởng lớn, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, nhà tiên tri tài đức hiếm có của dân tộc Việt Nam cũng như thế giới; tuy nhiên trong đời sống thường ngày, Người lại rất bình dị, gần gũi. Do vậy để đưa được những câu chuyện, sự kiện về Bác vào thơ, mình cố gắng thể hiện một cách chân thực, chính xác phong cách giản dị, gần gũi nhưng rất tinh tế của Người. Từ trước đến nay đã có nhiều tác phẩm viết về Bác Hồ, do vậy mình chỉ mong tác phẩm “Truyện về Người” góp thêm một khía cạnh, góc nhìn toàn diện, đầy đủ hơn để bày tỏ sự tôn kính với Bác. Hiện nay, tuy đã có giấy phép xuất bản, nhưng vì điều kiện nên mình chưa đưa đi in ấn rộng rãi. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có cá nhân, tổ chức quan tâm tài trợ để mình có thể xuất bản giới thiệu tác phẩm đến đông đảo bạn đọc...”.

 Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.