Những đứa trẻ của làng năm ấy…
Khách lạ đến Làng, hỏi thăm vào nhà ông bà nào đấy, lập tức cả bọn ngừng chơi, chạy ào ào, nhiệt tình hướng dẫn khách. Đứa chạy trước, đứa bám sau, đứa nắm tay, đứa níu áo, thân thiện như là đã quen khách từ lâu lắm rồi. Đến cổng chủ nhà, chúng đồng thanh hét váng: Ông ơi, có khách! Rồi chẳng đợi chủ, khách ngỏ lời cám ơn, chúng lại chạy vù đi, về với trò Ô ăn quan, với các lỗ đáo, con Cù lúc nãy đang chơi dở. Lại ồn ào, lại cãi vã thắng thua… náo nhiệt một góc Làng.
Minh họa: Trà My |
Trò chơi của trẻ con Làng thời ấy thật đơn giản, và thường là các trò chơi dân gian mà bố mẹ, ông bà ngày trước cũng đã từng chơi. Hễ thấy một nhóm con gái con trai chui vào các bụi tre, là y như rằng đấy là chúng đang bới tìm các đống vỏ ốc người lớn đổ đi, để làm quân cho trò chơi Ô ăn quan. Chẳng quản gai tre cào, chẳng ngại kiến lửa đốt, mặc cho mồ hôi lẫn với mũi dãi nhoe nhoét trên mặt, chúng vốc từng vốc vỏ ốc ra, ngồi xoạc cẳng ngay trên đường làng để khoét lỗ, dàn quân. Ở một góc khác, mấy thằng con trai chơi trò Đánh Cù. Cù (có nơi còn gọi là Con Quay) được làm từ những thân cây gỗ Găng cứng và dẻo, để nếu chiếc Cù của thằng khác mổ vào thì không bị vỡ. Trong toán, thằng Thông là đứa làm Cù khéo nhất. Cù của nó quay được rất lâu và chẳng bao giờ bị vỡ, thậm chí nhiều lần đã mổ vỡ toác những chiếc Cù khác...
Mùa hè, lũ trẻ rủ nhau đi tắm Ngòi trên đập Chanh. Đập Chanh cao đến bảy mét, cả bọn trần trùng trục thi nhau nhảy từ trên đập xuống mặt nước. Đủ mọi kiểu nhảy: Nhảy hai chân xuống trước, nhảy lộn vòng, nhảy lao đầu như vận động viên… Thằng Cảnh lần đầu tham gia, nhảy thế nào mà đập nguyên cái bụng tròn như bụng giun xuống mặt nước, đau đến ngất; cứ lập lềnh, lập lềnh khiến anh Chức phải bơi đến dìu lên bờ. Một dạo sau, Cảnh ho sặc sụa rồi ngồi dậy thở, nước mắt nước mũi dàn dụa.
Nhảy chán, cả bọn rủ nhau lặn mò cá mò tôm. Do cả giờ đồng hồ bị khuấy động, cá tôm trong Ngòi hoảng sợ chui hết vào các ngách đá dưới đập. Một lần, Thằng Hòa lặn xuống, mãi mà chẳng thấy nổi lên, chỉ có bọt nước cứ ùng ục, ùng ục từng đợt trên mặt nước. Anh Nhân, khi ấy mười lăm tuổi (lớn nhất trong nhóm) vội lặn xuống, mãi cả phút sau mới ngoi lên, cắp thằng Hòa đang trợn mắt trợn mũi vì uống quá nhiều nước. Thì ra, thằng Hòa thò tay vào một ngách đá, vớ được con cá khá to, tưởng “ trúng mùa” nên hí hửng định ngoi lên. Nhưng khổ cho Hòa, mãi mà không rút tay ra được. Nguyên nhân là khi nó đút tay vào ngách đá thì bằng bàn tay xòe, còn khi bắt được cá lại phải nắm tay. Lẽ ra, khi đuối hơi, Hòa phải bỏ cá để dễ rút bàn tay, nhưng nó dốt, cứ nắm bàn tay với con cá để mà… uống no nước. Khi lặn xuống, anh Nhân phải nắm tay Hòa giật mạnh. Cũng may cho Hòa là mạch xi măng ngâm nước lâu ngày đã mủn. Hú vía…
Trẻ con Làng ngay từ sáu tuổi trở lên đã phải làm việc giúp bố mẹ. Đầu tiên là học thổi cơm. Mẹ bày cách làm cho cơm khỏi nhão, khỏi sống bằng cách đo đốt ngón tay khi đổ nước. Thổi ba bò gạo thì đổ nước một đốt ngón tay người lớn (bằng hai đốt tay trẻ con), cứ vậy mà ước lượng nước cho vừa… Khó nhất là khi “ Un” cơm (tức là vùi nồi cơm xuống tro nóng rồi vặn rạ đốt bên trên). Có lần, thằng Hùng nhà bà Thoại suýt đốt nhà, vì tay nó nhỏ, vặn nùn rạ không chặt, lửa cháy bùng bùng, bén lên gác bếp với đủ thứ rổ, rá, dậm, nơm… bố nó đan dở, gác lên gác bếp để cho “ Ăn bồ hóng”. May có ông Xuyền đi qua vào dập giúp, trong khi Hùng ta mặt mũi còn nhọ nhem những tro cùng bụi cứ đứng run cầm cập... Đến tuổi mười một, mười hai, hầu hết trẻ con Làng đã biết gặt hái, nhổ mạ, cấy lúa, tát nước gàu Sòng, gầu Giai thuần thục như người lớn (tuy nhiên, ngày công Hợp tác xã chấm cho trẻ con chỉ bằng một phần hai điểm người lớn). Khổ nỗi, đang tuổi ăn tuổi chơi, ban ngày làm quần quật ngoài đồng, tối về bọn trẻ lại tập trung ra sân kho hợp tác xã để chơi trò trốn tìm, chơi bắt quân, đánh trận giả… nhiều lần đến mười một, mười hai giờ đêm mới về. Chơi khuya thì phải dậy muộn. Thằng Trường nhà bà Tuệ một đêm về muộn quá, biết ngày mai phải dậy sớm gánh phân cho mẹ nó trồng hành ở mảnh đất năm phần trăm; bèn nghĩ ra một trò láu cá. Trường ta mò xuống bếp, moi rạ trong thùng trấu (Ô đất vuông được đắp bằng đất, mỗi chiều khoảng một mét - để đựng trấu và rạ) rồi chui vào đó ngủ tít. Năm giờ sáng, mẹ nó gánh phân và rổ hành giống ra ruộng trước. Trồng được cả luống hành mà không thấy con gánh phân ra, mẹ Trường quay về, gọi khản cổ mà nó không chịu dậy. Bỗng có con gà trống cục tác thất thanh, mẹ nó vội bước xuống bếp. Thì ra, anh chàng gà trống rủ mụ gà mái vào bươi thùng trấu, Trường ta bị bụi, khẽ xùy nhẹ, khiến cặp gà nhảy tóe lên, kêu loạn xạ… Trường bị mẹ lôi dậy, quất cho nổi lươn trên đít.
Trẻ con Làng Yên Phó ngày ấy, nay đều đã thành ông thành bà. Mỗi lần gặp nhau, họ lại nhắc lại cái thủa hàn vi ngày nào, khi còn là những đứa trẻ con vô tư, trong veo, như một mảnh hồn Làng không thể nguôi quên…
Đinh Hữu Trường
Ý kiến bạn đọc