Multimedia Đọc Báo in

Khúc cỏ may

06:01, 16/04/2016

Tôi vẫn luôn nhớ rõ, mỗi lần chạy chân sáo qua cánh đồng trở về nhà từ bến xe thị xã, cỏ may bám đầy gấu quần gấu áo. Ngạc nhiên vì cỏ mang theo ký ức của tuổi lên mười, trong trẻo như một khúc hát.

Tuổi thơ như một thước phim quay chậm. Ở quê nghèo ngày ấy, những đứa trẻ chân trần đội nắng rong ruỗi khắp cả cánh đồng, vô tư để những bông cỏ may găm đầy lên người, lên tóc. Để rồi mỗi tối về nhà, thấy dáng mẹ cặm cụi gỡ từng bông cỏ may thấy thương, kèm theo lời quở phạt cho những đứa trẻ hay quên lời người lớn.

Hồi nhỏ, mỗi lần tì mặt vào cửa sổ, ngó về phía thênh thang cỏ may thẳng tắp trước mặt, thích mê thích mệt cái màu tim tím mùa trổ bông. Sau này lớn lên, đi xa, chẳng tìm đâu ra cái sắc tím nhuộm một khoảng trời như vậy giữa thị thành, phố xá. Nhớ đến luyến tiếc. Giờ nhìn lại, chợt nhận ra hoa cỏ may đã là người bạn đồng hành suốt quãng đời ấu thơ, chẳng thể nào phai mờ dư vị của ký ức.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Làm sao quên được cái hình ảnh đã nuôi nấng cả một trời kỷ niệm. Tôi vẫn nhớ như in hoa cỏ may lẫm chẫm chạy khắp bờ ruộng, bờ đê xem dáng mẹ bắt tôm, bắt tép; nhớ dáng ba cặm cụi tát thùng, tát vũng trở về, trên tay lủng lẳng những xâu cá rô, cá diệc còn đang giãy dụa. Và nhớ nhất là những con đường mòn từ nhà đến trường, nghe hương cỏ may hai bên đường quyện vào mũi tê tái, thơm nồng, ươm mầm cho những năm tháng thuở mực tím cắp sách đến trường.

Chiều nay, lang thang trên cánh đồng, nhìn những đám cỏ may ngập đầy nỗi nhớ. Cứ nhắm nghiền mắt, cứ mặc gió ru những khúc ca nhắc nhớ tuổi thơ, cứ để hương cỏ may ngập đầy trong lồng ngực, vậy mà chẳng hiểu tại sao lại bật khóc, nước mắt thay phiên nhau ngắn dài. Muốn tìm câu lý giải, nhưng rồi thôi, bởi kỷ niệm thân thương quá đỗi, ùa về như một cơn bão lòng, cảm xúc đã muốn đến thì hãy để nó tự trào dâng, cứ rưng rưng hoài niệm cũng là một cách để sống tốt cho quãng đời hiện tại, và cho cả tương lai.

Tối, nằm gối đầu lên chân mẹ, nghe mẹ quở trách về cái áo, cái quần dính đầy cỏ may, chỉ biết nhe răng cười mà lòng dâng lên niềm vui lạ. Nhớ lúc xưa cũng nghe mẹ nói câu y chang như vậy, chợt thấy cứ như mới ngày hôm qua vẫn còn là một đứa bé lên mười, giờ thì đã lớn tồng ngồng mà vẫn muốn nũng nịu, vẫn muốn là trẻ con. Bỗng muốn kể cho mẹ nghe nhiều thứ, rằng đi đâu cũng chẳng bằng quê nhà mình, đi đâu cũng nhớ hương cỏ may đồng nội da diết, nhớ con sông ba vẫn đêm ngày giăng lưới, nhớ mùi rơm rạ buổi đốt đồng, nhớ tiếng rao í ới của tụi nhỏ trong xóm lúc ban trưa… Tất cả những hình ảnh đó, những âm thanh đó, hòa quyện như một bản tình ca tha thiết, mãi trường tồn trong ký ức của một người trẻ tuổi xa quê như tôi.

Rồi mai đây, khi bước chân trên thị thành tấp nập cộ xe, được nhìn thấy biết bao hình ảnh rực rỡ, tráng lệ, được ngửi thấy biết bao mùi hương nồng nàn, lạ lẫm. Nhưng tự trong thâm tâm, vẫn thương và nhớ mãi tháng năm của hương đồng cỏ nội, vẫn lưu giữ bao hình ảnh của chốn quê nghèo, nơi đong đầy ký ức của một thời khôn lớn.

Kai Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.