Multimedia Đọc Báo in

Thơ của một nhà giáo...

08:21, 09/04/2016

Trước tiên, Nguyễn Duy Xuân là nhà giáo thường hay viết báo, rồi mới làm thơ. Vì vậy, thơ anh đậm tính thời sự: từ chuyện "Ôi đất nước mấy ngàn năm lịch sử/ Luôn đối mặt với láng giềng say mộng bá vương/ những bài học của ông cha xưa, chúng vẫn chưa tỉnh ngộ..."(Việt Nam Tổ quốc anh hùng), đến "Buổi chào cờ đặc biệt", hay "Cảm xúc ngày chiến thắng" viết về ngày 30 tháng 4 lịch sử , đến chuyện "Mưa bão ở miền Trung" quê anh…

Trước tiên, phải nói Nguyễn Duy Xuân làm thơ vì cái Tình – tình người gắn bó với quê hương, đất nước; với mẹ cha, con cháu, gia đình; cái tình với những miền đất anh đã đi qua, ở lại; với vườn cây đồng cỏ nơi anh gặp, cảm nhận... Chính vì thế mà cảm xúc trong thơ anh trong trẻo, đong đầy nhân ái: "Gió đừng thổi rét gió ơi/ Để thêm cóng bước cha tôi ra đồng/Gió đừng mang lạnh được không/ cho mẹ ấm lòng đi cấy ruộng xa/ Gió đừng thổi nữa gió nha/ Cho bà đi chợ kẻo mà chợ trưa/ Cho em đến lớp đúng giờ/ Gió ơi hãy lặng cho vừa nắng lên" (Bảo gió).

Điều đáng chú ý trong "Đất nước là con đường bố con mình đang đi" là mảng thơ viết về Đắk Lắk mà anh coi như quê hương thứ hai của mình. Đây cái thị trấn ở một vùng sâu: "Thị trấn bé bằng bàn tay/ Bước chân đằng này đã tới đằng kia/ Con đường độc đạo một lối đi về..." (Thị trấn Krông Nô) đến "Trở lại Krông Năng/ Con đường xưa ngập nắng" (Em - Krông Năng). Đây nữa "Ea Tân đất rộng trời trong/Về một lần, một lần rồi nhớ mãi"; đặc biệt bài thơ lục bát "Buôn Tuôr ngày về" với những câu thơ thật mềm mại:

Tháng ba về lại buôn Tuôr

Da trời như thể ai vừa nhuộm xanh

Vẫn con đường nhỏ uốn quanh

Bâng khuâng bỗng thấy lòng mình xôn xao...

 Đúng như tác giả đã tâm sự trong "Thay lời tựa": "Mỗi miền đất đi qua, suốt từ Nam chí Bắc trên dải lụa hình chữ S của Tổ quốc thân yêu, ở đâu tôi cũng thấy phảng phất hình bóng quê nhà, để rồi niềm thương nỗi nhớ đọng lại thành những câu thơ dẫu chưa tròn trịa nhưng đấy lại là tình yêu của một người con đối với xứ sở. Và, một trong những câu thơ ấy đã hóa thành câu hát, ngân lên từ trái tim: Tổ quốc là con đường bố con mình đang đi". Hãy nghe anh viết về chiếc áo tơi quê anh: "Tôi đi tìm suốt cuộc đời/ Áo tơi của mẹ một thời khổ đau"; "Áo tơi của mẹ bây giờ còn đây/ Dáng xưa vẫn nét hao gầy/ Chằm từng lá cọ, ai may khéo là". Để rồi:

Đất cằn sỏi đá quê tôi

Nắng mưa gió bão một thời sẻ chia

Ai như dáng mẹ đang về

Áo tơi đội nắng đường quê thuở nào.

Tập thơ "Tổ quốc là con đường bố con mình đang đi" của anh có bài thơ: "Tổ quốc" được nhạc sĩ Phạm Minh Thuận phổ nhạc và đoạt giải cuộc thi sáng tác ca khúc về chủ đề "Tôi yêu Tổ quốc tôi" do Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Báo Thanh Niên tổ chức, tháng 10-2015. Với tập thơ này, Nguyễn Duy Xuân chứng tỏ thêm cái tình của anh – cái tình của một trí thức đầy trách nhiệm với Tổ quốc, với quê hương...

(Đọc tập thơ "Tổ quốc là con đường bố con mình đang đi" của Nguyễn Duy Xuân - NXB Hội Nhà văn, 2016).

 

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.