Chiếc quạt mo cau
06:34, 17/07/2016
Khi tất cả nóng dần lên theo cái nắng hè như đổ lửa, thì lòng con lại thương hơn và nghĩ về những chiếc quạt mo cau làm từ tay ba tay mẹ.
Gom góp chút gió yêu thương ít ỏi những trưa bỏng rát, ba mẹ đã cùng chiếc quạt mo cau dìu dắt tuổi thơ chúng con đi qua từng tháng, từng năm. Biết bao cơn sốt, biết bao trận ốm, rồi cũng theo thời gian, theo tình thương bao la của ba mẹ mà dịu đi. Bởi vậy, con lại rưng rưng khi gần 30 tuổi đầu, theo ba ra vườn tìm mo cau làm quạt.
Nhà chỉ còn một cây cau duy nhất của góc vườn. Hương hoa cau không còn lan được ra khắp xóm như cái hồi nhà ai cũng có một hàng cau trồng ở lối ngõ hoặc quanh hàng rào. Nhưng ba vẫn giữ thói quen cứ độ vào cuối tháng 2 âm lịch là ngóng những mo cau dần khô, để chọn làm quạt tay. Rồi một buổi trưa hè, nhưng bao mùa đầu hè khác, ba lại dẫn con ra vườn, lấy tàu mo cau vào, cẩn thận dùng dao sắc, cắt đều và đẹp. Rồi tay cầm quạt mo, ba phe phẩy quạt, nằm đu trưa trên chiếc võng dưới bóng cây trong vườn. Những lúc ấy, là những lúc bình yên nhất với ba, với con, và với cả gia đình mình.
Con đã đủ lớn để đi đến nhiều nơi, cũng đã vào nhiều nhà có máy điều hòa, có quạt hơi nước. Nhưng, lòng vui và thương nhất là khi ngồi bên ba, vừa được hơi gió quạt mo truyền qua, vừa nghe ba kể chuyện, khuyên bảo như hồi còn nhỏ. Cuộc sống mỗi ngày một thay đổi theo chiều hướng phát triển đi lên, nên nhiều khi, dấu chân con lạc ra khỏi vùng bờ tre gốc rạ, đến với những bạn bè, những phố thị xa hoa. Mỗi lần về lại với trưa hè, ngồi bên ba, đu đưa võng với vườn, với ba mẹ, lòng con trở nên bình lặng hơn và thấy mình như nhỏ lại, trong trẻo như hồi lên chín lên mười.
Minh họa: Trà My |
Có lẽ nhớ nhất và thương nhất là những đợt con cảm sốt. Nhà quê, tiền đâu mua thuốc, tiền đâu mua kẹp nhiệt độ như bây giờ. Con lên cơn sốt, nóng như lửa, chóng mặt, nôn liên tục là ba mẹ quýnh quáng chạy ra vườn hái các thứ lá vào giã đắp. Rồi trưa, rồi đêm, lại thay phiên nhau ngồi quạt cho con ngủ bằng chiếc quạt mo cau bình dị. Có khi nửa đêm hè con thức giấc, vẫn thấy ba thấy mẹ ngồi bên, đôi mắt trũng sâu lo lắng, tay thì vẫn nhè nhẹ tiếp gió quạt để xua bớt cái nóng cho con. Rồi có những đợt con sốt nặng, phải cấp cứu tại bệnh viện, nằm điều trị cả tháng. Hành trang ba mẹ mang theo con vào bệnh viện, ngoài áo quần, những thứ cần thiết, thì lúc nào cũng có cái quạt mo cau đem theo. Hồi đó, thật ra bệnh viện mỗi phòng chỉ có một cái quạt trần chứ không có quạt tường như bây giờ. Nhưng quạt trần cũng rất cũ kỹ, chạy chậm lắm. Trưa nằm trong phòng bệnh mà mồ hôi con đổ như tắm. Vậy là tay ba tay mẹ lại phải mỏi theo trưa, theo đêm để con dịu cơn sốt, đi vào giấc ngủ.
Thương cái quạt mo cau nho nhỏ nhưng đượm biết bao tình. Chính ở đó đã xua đi những mệt mỏi cho ba cho mẹ sau những buổi làm đồng vất vả. Chính ở đó đã giúp chị em chúng con qua được những ngày ốm đau bệnh tật mà trẻ nhỏ thường hay gặp. Chính đó, với con là hồn quê, là một trong những gì yêu thương nhất, gần gũi nhất để gắn kết gia đình, để truyền yêu thương từ ba mẹ sang con cái và ngược lại. Có lẽ thế, trên từng bước đường mưu sinh, lang bạt, giữa một trưa hè nắng nóng, thấy ai đó cầm chiếc quạt mo cau phe phẩy với nét mặt mãn nguyện, con lại thấy như gió mát lùa vào từng chân cội kẽ lòng.
Rồi những đứa con của con sẽ ra đời, trên mảnh đất mà ông cha đã bao đời vất vả lao động và truyền thừa lại. Trên mảnh đất này, trong ngôi nhà này, chúng con đã được học rất nhiều về sự tự lực lao động, lòng yêu thương và bao dung, về lễ nghĩa đối nhân xử thế. Những điều ấy, con sẽ nhắc nhở lại con mình. Và, mong sao mảnh vườn nhà vẫn còn, trong nhip độ đô thị hóa này. Để những trưa hè, con còn có cơ hội cầm quạt mo cau quạt cho các con của con. Và con tin rằng, từ những buổi trưa như thế, trẻ nhỏ sẽ được nuôi dưỡng tình cảm nhiều hơn, được tiếp thu nhiều hơn so với những giáo điều, những bài học bó buộc và khô cứng...
Nguyễn Thành Giang
Ý kiến bạn đọc