Multimedia Đọc Báo in

"Gần lắm Trường Sa" - bản tình ca của người lính đảo

19:11, 30/08/2016

“Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long là một trong những ca khúc viết về đề tài biển đảo quê hương thành công, được mọi người biết đến nhiều nhất.

Với giai điệu du dương, da diết cùng ca từ giản dị, gần gũi, chân thực, giàu hình ảnh, dễ đi vào lòng người, bài hát không chỉ trở thành biểu tượng của người lính đảo mà còn là “nhịp cầu” chuyển tải tình yêu quê hương đất nước của những người trong đất liền luôn hướng về đảo xa…

Nhạc sỹ Hình Phước Long sinh năm 1950 tại Khánh Hòa. Ông là nhạc sĩ có nhiều tác phẩm viết về Trường Sa, trong đó “Gần lắm Trường Sa” là ca khúc thành công nhất. Thời điểm ca khúc ra đời năm 1982 đã tạo nên cơn “sốt” trong làng âm nhạc với hơn 150.000 băng cassette thu âm, bán ra thị trường. Ông đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì thành tích xuất sắc trong sáng tạo nghệ thuật, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tôi còn nhớ, vào năm 2014, khi Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam, thì cùng với làn sóng đấu tranh, phản ứng của nhân dân cả nước, đi đâu mọi người đều nghe ca khúc này. Bài hát được vang lên trong các cuộc tuần hành, mít tinh phản đối hành động trái phép của Trung Quốc; trong những buổi sinh hoạt của Đoàn thanh niên; được phát trên hệ thống truyền thanh của các địa phương và được giới trẻ cài đặt làm nhạc chuông điện thoại như một khẩu hiệu hành động, khẳng định lời bài hát chính là lời hiệu triệu, là mệnh lệnh hành động của trái tim. Trước đó, năm 2012, khi tôi may mắn được đặt chân ra Trường Sa thì bài hát cũng vượt không gian, thời gian, qua muôn trùng sóng biển để theo chân những người từ đất liền ra, cất cao giữa đại dương đầy sóng gió. Bất cứ ở điểm đảo nào tôi qua, trong những buổi giao lưu đầy xúc động, chúng tôi lại hát vang “Gần lắm Trường Sa!” với một cảm xúc trào dâng, xao xuyến đến lạ lùng. Còn với ca sĩ Khánh Hòa (ca sĩ đi cùng đoàn ra Trường Sa để thực hiện Album “Gần lắm Trường Sa”) thì chị thể hiện bài hát bằng cả con tim, bằng tất cả tình cảm trân trọng dành cho những người lính hải quân đang ngày đêm chắc tay súng, canh giữ biển đảo quê hương của Tổ quốc. Riêng với những người lính hải quân, như mặc nhiên các anh đã chọn “Gần lắm Trường Sa” làm bài ca truyền thống, bản tình ca của người lính đảo…

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa giao lưu cùng khách từ đất liền ra thăm qua ca khúc “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long.
Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa giao lưu cùng khách từ đất liền ra thăm qua ca khúc “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long.

“Gần lắm Trường Sa” được nhạc sĩ Hình Phước Long sáng tác vào năm 1982 trên nền nhạc Rumba trữ tình. Đứa con tinh thần ấy được người nhạc sĩ tài hoa “thai nghén” trong 2 năm (1980-1982), và khi đã đong đầy cảm xúc, ông gửi gắm mọi tình cảm vào ca từ, với tất cả sự đồng điệu. Bài hát ra đời đã  trở thành “sợi dây” gắn kết giữa người nhạc sĩ với những người lính hải quân và tạo nên sức lan tỏa, lay động biết bao tâm hồn, để rồi gần 35 năm qua, giai điệu da diết, thân thương của ca khúc vẫn có sức sống mãnh liệt, âm thầm đi vào lòng người, lay động biết bao con tim Việt. Có một điều kỳ lạ là ông sáng tác bài hát trước khi đến Trường Sa (ông ra Trường Sa năm 1984), thế mà những ca từ rất giàu hình ảnh trong ca khúc lại miêu tả phản ánh thực tế rất sinh động về nhiệm vụ của người lính biển. “Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ …”, không kể lể miên man mà bằng ca từ giàu chất thơ, ông vẫn khiến người nghe liên tưởng, hình dung ra hình ảnh người lính đang canh giữ biển đảo quê hương hoang sơ, giữa “Sóng vỗ điệp trùng quanh ghềnh trúc san hô” với bao thiếu thốn gian khổ, song vẫn luôn kiên cường, chắc tay súng, bảo vệ Tổ quốc. Ông đã “vẽ” cho thính giả thấy rằng, nơi đảo xa ấy, ngoài những đồng đội yêu thương thì cùng làm bạn với người lính hải quân chỉ có loài chim biển. Chắc hẳn, chỉ có thể bằng con tim, bằng tất cả tình yêu của mình đối với đất nước, đối với biển đảo quê hương thì ông mới cảm nhận, sáng tác chân thực đến thế. Chính vì vậy mà ca khúc có sức sống mãnh liệt, để khi những ca từ được cất lên, dù chưa một lần đặt chân đến biển đảo thiêng thiêng, nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, dù ở đâu, làm gì, song mọi người đều có thể cảm nhận trọn vẹn, rõ ràng hình hài, vóc dáng Tổ quốc qua hình ảnh những người lính hải quân đang ngày đêm chắc tay súng canh giữ biển đảo thân yêu.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.