Multimedia Đọc Báo in

Họa sĩ Nguyễn Sáng và nhà văn Nguyễn Quang Sáng

09:09, 31/08/2016
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sinh năm 1932 tại xã Mỹ Lương, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ông là tác giả của khoảng 100 tác phẩm đủ loại: tiểu thuyết, tiểu luận, kịch bản phim, bút ký, truyện ngắn.
 
Nói đến nhà văn Nguyễn Quang Sáng bạn đọc nhớ ngay tới tác giả kịch bản phim “Cánh đồng hoang”, “Mùa gió chướng”, tập truyện” Ông Năm Hạng” và tiểu thuyết “Dòng sông thơ ấu”. Ông đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật. Sinh thời nhà văn cũng chơi thân với họa sĩ Nguyễn Sáng, sinh năm 1923 tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, người vẽ bức tranh nổi tiếng “Kết nạp Đoàn tại mặt trận Điện Biên Phủ”, được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đợt I năm 1996.

Như vậy, cả hai ông Sáng “văn” và Sáng “họa” tuổi tác chỉ chênh nhau chưa tới một giáp, cùng họ cùng tên, chỉ khác nhau về nghề nghiệp: ông nghiệp văn, ông nghiệp vẽ. Cả hai ông đều được nhận giải thưởng cao nhất về văn học nghệ thuật là Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật. Sự trùng hợp thật thú vị nhưng cũng dễ gây ra chuyện nhầm lẫn “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Năm 1954, nhà văn Nguyễn Quang Sáng tập kết ra Bắc, về công tác ở Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam cùng với nhà văn Đoàn Giỏi, Bùi Đức Ái (Anh Đức). Đến năm 1966, Nguyễn Quang Sáng đi B (về Nam công tác ở vùng giải phóng) đổi tên thành Nguyễn Sáng. Sau một thời gian, nhà văn Nguyễn Sáng lại lấy tên cũ là Nguyễn Quang Sáng, ký tên này ở truyện ngắn “Chiếc lược ngà” gửi cho Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam ở Hà Nội. Tại chiến trường miền Nam trong buổi “Đọc truyện đêm khuya”, ông nghe đài thấy Ban biên tập bỏ chữ “Quang” của tác giả thành “Nguyễn Sáng”. Rồi cứ thế, các truyện ngắn, ký, bài báo nào cũng đều bị bỏ chữ “Quang” chỉ còn lại hai chữ “Nguyễn Sáng”. Vậy mà, suốt nhiều năm thư từ gửi cho Nguyễn Sáng “văn” không nhầm sang cho Nguyễn Sáng “vẽ”.

Song, báo chí truyền thông ngụy quyền Sài Gòn thì nhầm Sáng “văn” sang Sáng “vẽ”. Năm 1968, ta mở cuộc tiến công vào Sài Gòn, Nguyễn Quang Sáng viết bài “Tiến công trên đường phố” và “Sài Gòn quật khởi”. Cải hai bài ký đều nêu những tấm gương anh dũng của quân và dân ta trong dịp tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 vào Sài Gòn, Đài Tiếng nói Việt Nam ở Hà Nội phát mấy buổi liền.

Tháng 1-1972, sau ba tháng vượt Trường Sơn ra Hà Nội, một buổi chiều nhà văn Nguyễn Quang Sáng ngồi đàm đạo với nhà văn Anh Đức cũng vừa từ miền Nam ra, họa sĩ Nguyễn Sáng cũng có mặt. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nói: “Sau khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát hai bài ký trên, bọn Mỹ - ngụy bực lắm, chúng cho đài VOA phản bác lại nội dung, lại lấy “lý lịch trích ngang” của họa sĩ Nguyễn Sáng là người Mỹ Tho, trước 1945 theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, theo Việt Minh lên Việt Bắc nay trở về miền Nam ra gán cho nhà văn Nguyễn Quang Sáng”. Nghe xong, nhà văn Anh Đức nói “láo toét”, còn họa sĩ Nguyễn Sáng thì cười sảng khoái. Để bạn đọc khỏi nhầm, báo Văn nghệ năm đó đã đăng truyện ngắn “Người bạn mới quen” vẫn ký tên là nhà văn Nguyễn Sáng, nhưng phần minh họa là của họa sĩ Nguyễn Sáng.

Vài năm sau, tình hình miền Nam có nhiều biến chuyển tích cực, báo hiệu ngày toàn thắng, thống nhất hai miền Nam Bắc sắp đến gần. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nghĩ: “Thôi, cũng đã đến lúc ta cũng phải trở về ta”. Khi viết tiểu thuyết “Mùa gió chướng” (in 1975), nhà văn Nguyễn Quang Sáng bỏ hẳn tên “Nguyễn Sáng” từ đó cho tới nay. Trước khi trở về với tên thật của mình, để dễ công bố trên các tác phẩm tiếp theo, nhà văn Nguyễn Quang Sáng có xin ý kiến Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Tô Hoài bảo: “Thì cứ lấy tên cũ, có gì mà phải xin phép”.

Thế là từ đấy, Nguyễn Quang Sáng nhà văn và Nguyễn Sáng - họa sĩ đã sáng rõ.

Lê Hồng Thiện (st-bs)


Ý kiến bạn đọc